Một nghiên cứu đề xuất rằng việc thức quá khuya có thể dẫn đến tăng cân.
Những bạn trẻ "cú đêm" có thể nhận thấy mình bị thừa cân nhiều hơn khi trưởng thành nếu không chịu ngủ sớm.
Đó là kết luận mà các nhà nghiên cứu đến từ Đại học California, Berkeley đã rút ra sau khi nghiên cứu thói quen ngủ và việc tăng cân của hơn 3.000 thanh thiếu niên trong suốt giai đoạn 25 năm. Họ phát hiện cứ mỗi giờ thức khuya thì các bạn trẻ sẽ tăng thêm 2,1kg trên 1m vuông cơ thể trưởng thành sau này.
Lượng cân thừa đó được tích lũy là do tổng thời gian ngủ, mức độ tập thể thao hoặc thời gian "ôm màn hình".
Các chuyên gia khuyên thanh thiếu niên không nên dùng các thiết bị điện tử quá khuya, ăn khuya giàu tinh bột hay tranh thủ chợp mắt trong ngày nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Ngoài ra để có được giấc ngủ sâu và thức dậy sảng khoái, các bạn nên tránh 10 sai lầm khi ngủ sau đây.
1. Không tuân thủ lịch đi ngủ
Chúng ta thường nghĩ mình có thể ngủ bù sau một đêm thiếu ngủ, nhưng đồng hồ sinh học của chúng ta chỉ có khả năng điều hòa thói quen ngủ lành mạnh dựa trên sự nhất quán. Nghĩa là việc bạn thức khuya trong tuần và ngủ bù cuối tuần hay ngược lại, sẽ gây rối loạn nhịp sinh học cơ thể. Ngoài ra, thức khuya vào cuối tuần có thể gây mất ngủ trong tuần.
Giải pháp: Hãy tạo dựng một thói quen hằng ngày và nghiêm ngặt tuân theo. Hãy đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm cố định, kể cả vào cuối tuần, để não biết khi nào thì nên tiết hoóc-môn thức và ngủ, và khi nào thì không nên.
2. Chợp mắt thật lâu để bù lại giấc ngủ tối
Những lúc chợp mắt dài, đặc biệt là sau 4 giờ chiều hoặc những lúc gà gật khi đang xem TV có thể gây hại cho nhịp ngủ của bạn và không cho bạn giấc ngủ ngon.
Giải pháp: Chợp mắt không quá 30 phút, một lần trong ngày và phải trước 4 giờ chiều. Một giấc ngủ ngắn sau bữa trưa hoặc 20 phút chợp mắt trước 4 giờ chiều cũng có lợi cho nhiều người.
3. Không chuẩn bị cho giấc ngủ
Bạn không thể hi vọng mình leo lên giường là ngủ ngay. Cơ thể chúng ta cần thời gian tiết ra chất truyền dẫn thần kinh báo hiệu đi ngủ cho não, để não tiết ra hoóc-môn ngủ thì mới có thể chìm vào giấc ngủ.
Giải pháp:
1. Tắt hết mọi thiết bị điện tử lúc 10 giờ tối vì chúng sẽ kích thích não khiến bạn thức khuya hơn.
2. Sửa soạn giường: Vặn tối đèn lại tầm 1 tiếng trước khi ngủ, tắm nước ấm, nghe nhạc êm dịu hoặc tập các bài tập thư giãn cơ thể, loại bỏ mọi thứ gây xao nhãng về tinh thần hay thể chất.
4. Không báo hiệu giờ ngủ chính xác cho cơ thể
Cơ thể chúng ta cần các tín hiệu cơ bản nhất như bóng tối và ánh sáng để biết khi nào thì ngủ và thức. Tuy nhiên vì phòng ngủ không hoàn toàn tối đen nên việc sản xuất hoóc-môn ngủ sẽ bị trở ngại.
Giải pháp: Hãy che bớt hoặc chuyển đi chỗ khác những thiết bị điện tử phát sáng trong phòng như đồng hồ điện tử hay đèn sạc. Kéo kín rèm cửa và nếu được hãy dùng rèm tối màu để tránh ánh sáng bên ngoài lọt vào. Nếu vẫn không hiệu quả, bạn hãy đeo mặt nạ ngủ. Ban đêm nếu bạn thức giấc đi vệ sinh thì đừng bật đèn, mà hãy dùng đèn pin hay bật tạm đèn ngủ.
5. Ăn khuya với những thực phẩm chứa đường tinh luyện
Những thức ăn này cản trở việc chuyển hóa chất, làm tăng lượng đường huyết và tạo áp lực cho các cơ quan khác có nhiệm vụ điều tiết hoóc-môn khiến nó dao động thất thường và đánh thức bạn dậy trong đêm.
Giải pháp: Nếu cần ăn thì hãy dùng thực phẩm có lượng đạm cao. Nhưng tốt nhất là đừng ăn gì cả.
6. Lạm dụng thuốc ngủ
Nhiều nghiên cứu cho thấy các loại thuốc ngủ về lâu dài có hại nhiều hơn lợi. Chúng có thể gây nghiện và khiến tình trạng mất ngủ nặng hơn.
Giải pháp: Học những kĩ thuật thư giãn, đặc biệt là về tinh thần. Hãy tập hít thở hay thiền định để thư giãn đầu óc và làm giảm nỗi sợ và nỗi lo gây ra căng thẳng.
7. Mượn rượu giải mất ngủ
Cồn có khả năng gây buồn ngủ nhưng khi nó được chuyển hóa trong cơ thể, sẽ gây ra mất ngủ. Ngoài ra về lâu dài uống nhiều thức có cồn sẽ chỉ hại cho cơ thể.
Giải pháp: Dùng các loại thuốc bổ giúp sảng khoái tinh thần và cơ thể có chứa amino axit, L theanine, taurine... hay các thảo dược như cây họ bạc hà, cây họ cúc và rễ nữ lang. Bên cạnh đó, có thể uống thêm khoáng chất, canxi và kẽm vào ban đêm.
8. Xem TV để dễ ngủ
Bạn dễ dàng ngủ gục khi đang xem TV, nhưng sau đó bạn sẽ thức giấc rồi ngủ lại, và cứ thế tiếp diễn.
Giải pháp: Không đặt TV trong phòng ngủ và đừng vừa nằm vừa xem TV.
9. Nằm yên trên giường hi vọng ngủ được
Nếu đã 30-45 phút rồi bạn chưa ngủ được thì có khả năng cao là bạn sẽ không ngủ được, vì cơ thể đã lỡ mất "giờ ngủ".
Giải pháp: Gặp trường hợp này, bạn hãy ngồi dậy đọc sách hay tập những động tác xoa dịu tinh thần trong 1-1 tiếng rưỡi tiếp theo rồi lên giường ngủ lại.
10. Quá lo lắng về giấc ngủ
Việc lo lắng cho giấc ngủ chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn. Bạn nên để giấc ngủ trở thành một quá trình tự nhiên và tự động như hít thở vậy.
Giải pháp: Hãy chú ý đến những bài tập hít thở và thư giãn, đến những món bạn ăn, đến loại thuốc bạn uống và những hành vi hay hành động nào có thể ảnh hưởng đến chu kì ngủ của bạn.
Nhìn chung, nếu bạn bị mất ngủ kinh niên, và đặc biệt nếu bạn hay ngáy, thì có khả năng bạn bị ngưng thở lúc ngủ. Khi đó cơ thể bị thiếu oxy và truyền đi tín hiệu đánh thức, ngoài ra nó còn tiết ra adrenaline và cortisol, hai loại hoóc-môn gây căng thẳng. Việc này không chỉ ảnh hưởng giấc ngủ mà còn tăng nguy cơ cao huyết áp, khả năng mắc bệnh tim và đột quỵ. Nó còn can thiệp vào lượng insulin tiết ra khiến bạn tăng nguy cơ bị tiểu đường.