Tại Việt Nam trong năm 2015 xuất hiện nhiều căn bệnh nguy hiểm hiếm gặp khiến dư luận xôn xao.
Bệnh Whitmore - kẻ mạo danh đáng sợ
Vào tháng 8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đã xác nhận ca nhiễm khuẩn Whitmore đầu tiên trong năm là một bệnh nhi 11 tháng tuổi đến từ Hà Tĩnh. Bé sốt cao liên tục, quấy khóc, ăn kém, sưng to tuyến mang tai như trẻ mắc quai bị và kèm nhiễm trùng máu. Các chẩn đoán sau đó cho thấy bé nhiễm bệnh Whitmore, còn gọi là melioidosis. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.
Tác nhân gây bệnh cư trú trong đất nên đường lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp thông qua các vị trí da tổn thương với đất, nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Whitmore có thể lây từ người sang người. Khi mắc bệnh sẽ có dấu hiệu sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực và đau nhức cơ bắp. Bệnh có thể gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, khớp và mắt.
Sau vài chục năm bị lãng quên, tên của căn bệnh này xuất hiện lại ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, thật ra bệnh Whitmore vẫn âm thầm tồn tại và thường bị nhẫm lẫn với quai bị.
Bệnh cam tẩu mã do vi khuẩn ăn mô người
Cuối tháng 10, Sở Y tế Tiền Giang đã tiếp nhận một trường hợp mắc bệnh cam tẩu mã do vi khuẩn ăn mô người là cụ Nguyễn Văn Thường 75 tuổi ở ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè. Bệnh nhân này bị hoại tử tổ chức vùng thái dương bên phải, mất vành tai phải, liệt mặt bên phải trên cơ địa suy tim do cao huyết áp.
Theo y văn, cam tẩu mã còn gọi là nha cam tẩu mã, tị cam, thuần cam hoặc hầu cam. Đây là chứng viêm miệng hoại thư, bắt đầu ở lợi hoặc ở má, lan rất nhanh ra má, môi, hoại tử phần mềm làm thủng má, môi, mũi, sau đó làm hoại tử xương, răng lung lay rụng dần, có mùi hôi thối. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ có thể trạng rất suy kiệt, thường sau khi mắc bệnh sởi, thương hàn hoặc một bệnh nhiễm khuẩn nặng khác. Bệnh này có tỉ lệ tử vong cao, nhưng nếu phát hiện sớm thì không nguy hiểm, chữa trị được.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 500.000 người bị ảnh hưởng bởi bệnh này, mỗi năm có 140.000 ca mới được ghi nhận.
Nhiễm trùng roi
Cuối tháng 4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM ghi nhận ca nhiễm trùng roi đầu tiên tại Việt Nam. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy bệnh nhân tổn thương gan, thận, giảm 3 dòng tế bào máu ngoại biên và nhiễm trùng nặng. Kết quả phết máu ngoại biên và phết tủy xương soi cho thấy nhiễm trùng roi Trypanosoma evansi, vốn chỉ gây bệnh cho các loại gia súc như trâu bò ngựa.
Biểu hiện của nhiễm trùng roi Trypanosoma evansi là sốt kéo dài kèm ớn lạnh, nhức đầu, đau các khớp. Các biểu hiện này dễ nhầm lẫn với bệnh nhiễm trùng khác như lao màng não hay bệnh lí miễn dịch.
Trùng roi dạng Trypanosoma hay còn gọi là bệnh ngủ châu Phi là loại bệnh do kí sinh trùng Trypanosoma gây nên, và lây truyền qua vết đốt của ruồi tse-tse.
Ruồi tse-tse đã vận chuyển Trypanosoma từ gia súc sang người trong quá trình hút máu. Triệu chứng của bệnh là co giật, rối loạn giấc ngủ trầm trọng dẫn đến hôn mê và tử vong. Căn bệnh này đe dọa đến hàng triệu người ở 36 quốc gia châu Phi, dự tính mỗi năm số người mắc bệnh tăng lên từ 50.000 đến 70.000 người.
Hội chứng Apert
Đầu tháng 10, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. HCM đã có một ca phẫu thuật mổ hộp sọ cho bé 3 tháng tuổi mắc hội chứng Apert, một dị tật sọ mặt hiếm gặp gây nên những bất thường bẩm sinh tập trung chủ yếu ở vùng hộp sọ, sàn sọ, mắt, mũi. Nếu không điều trị sớm, khi não phát triển không tương xứng với hộp sọ, dây thần kinh có nguy cơ bị chèn ép gây ra những tổn thương trên nhiều cơ quan khác. Từ đó tình trạng dị tật ngày càng nặng hơn, thậm chí dẫn đến mù lòa.
(Ảnh: Thi Ngoan - vnexpress.net)
Dự kiến bệnh nhi sẽ phải trải qua thêm 4 lần phẫu thuật nữa cho đến năm 10 tuổi mới hoàn tất toàn bộ quá trình điều chỉnh những bất thường ở sọ mặt bao gồm cả mắt, mũi, răng... nhằm trả lại khuôn mặt bình thường cho bé.
(Ảnh: Thi Ngoan - vnexpress.net)
Thanh niên 23 tuổi hóa ông già 60
Anh Nguyễn Hiếu Nghĩa, 23 tuổi, ở Cà Mau trong 3 năm qua đã có sự thay đổi đột ngột. Da mặt anh trở nên nhăn nheo hơn, bàn tay bàn chân cũng to ra bất thường. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh ở chàng trai.
(Ảnh: Phúc Hưng - vnexpress.net)
Trước Nghĩa, đã có một số trường hợp thanh niên bị già hóa sau thời gian ngắn nhưng đều là bệnh nhân nữ, hầu hết với tiền sử dùng mĩ phẩm có chứa corticoid ảnh hưởng đến da. Nghĩa là một trong những nam thanh niên đầu tiên bị mắc căn bệnh đáng sợ này.
Bé gái tiểu ra máu
Đầu tháng 11, bé 7 tuổi được Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM xác định dị dạng mạch máu xâm lấn bàng quang gây đi tiểu ra máu ồ ạt, là trường hợp chưa ghi nhận trong y văn thế giới.
(Ảnh: Lê Phương - vnexpress.net)
Nếu không mổ, bé đứng trước nguy cơ tử vong. Trường hợp mổ thành công, khống chế được chảy máu nhưng để lại di chứng són tiểu, đi tiểu không tự chủ, đeo đẳng cả cuộc đời bé thì sẽ rất nguy nan. Trong khi đó, các phẫu thuật diện rộng trên bàng quang sẽ có tỉ lệ di chứng nhất định. Tuy nhiên, ca mổ thành công trọn vẹn sau 3 tiếng đầy căng thẳng.
(Ảnh: Thanh Huyền - vietnamnet.vn)
Bé gái 5 tháng tuổi có kinh nguyệt
Bé gái Sùng Thị Dúa sinh năm 2014, trú tại thôn Hoàng Thu Phố A, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, xuất hiện kinh nguyệt từ lúc được 5 tháng tuổi. Từ đó đến nay tháng nào bé cũng thấy kinh đều đều như người lớn. Hiện bé 15 tháng tuổi.
(Ảnh: Linh Nga - vnexpress.net)
Bé Dúa có thể thuộc trường hợp dậy thì sớm. Nó là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormone của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (dưới 8 tuổi đối với trẻ gái và dưới 9 tuổi ở trẻ trai). Sự hoạt hóa trung tâm dậy thì gây ra tình trạng kích thích sớm toàn bộ trục hạ đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục.
Có thể điều trị dậy thì sớm bằng cách tiêm thuốc Diphereline mỗi tháng đến khi trẻ 12 tuổi, bé sẽ ngưng dậy thì và tiếp tục cao lên. Tuy nhiên thuốc có tác dụng phụ là gây đau tại vị trí tiêm, dị ứng, trẻ có kinh sau lần tiêm đầu tiên. Với những bệnh nhi bị khối u, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Một số trường hợp khác có thể phải bổ sung canxi.