Nếu bỗng dưng phát hiện trên cơ thể mình những vết bầm tím không rõ nguyên nhân, bạn nên kiểm tra các bệnh tiểu đường, rối loạn máu, da liễu...
Việc bạn thỉnh thoảng nhìn thấy trên cánh tay hay đùi có những vết bầm không rõ nguyên cớ là khá bình thường và phổ biến. Dân gian hay gọi là bị ma cắn. Thật ra, bầm tím là một loại chấn thương da do các mạch máu bị vỡ ra vì tổn thương hay suy yếu khiến hồng cầu thoát khỏi thành mạch và tiếp theo sẽ là hàng loạt các phản ứng nối tiếp nhau một cách nhanh chóng, nhằm tạo ra một nút cầm máu ở tại chỗ bị thương để ngăn ngừa chảy máu tiếp cũng như hàn gắn vết thương, gây nên các mảng bầm đen, vàng, xanh dương mà y học gọi là tình trạng xuất huyết dưới da. Đa phần các vết bầm trên da là lành tính, tuy nhiên, bạn cũng không nên coi thường bởi có thể rơi vào trường hợp bệnh lí nguy hiểm.
Sau đây là các nguyên nhân gây ra bầm tím mà bạn có thể chưa biết.
Bệnh tiểu đường (nguyên nhân phổ biến nhất)
Nếu bạn thường xuyên bị bầm ở một số bộ phận nhất định trên cơ thể thì có khả năng bạn đã bị tiểu đường. Tình trạng này xảy ra vì một mao mạch bị chảy máu do các mạch máu, da và dây thần kinh quá yếu.
Tập thể dục
Những người thực hiện các bài tập nặng và thường xuyên tập tạ có thể vô tình gây chấn thương cho bản thân. Việc tập luyện nhanh và mạnh cũng tạo áp lực lên các cơ bắp và làm vỡ các mạch máu nhỏ rồi gây bầm.
Lão hóa
Trong quá trình lão hóa, việc sản sinh collagen giảm và lớp chất béo bảo vệ da cũng mất đi. Sau tuổi 60, bạn có thể dễ dàng bị bầm dù chỉ là ấn nhẹ lên da.
Rối loạn máu
Với những người mắc bệnh chảy máu kéo dài, máu khó đông thì một va chạm nhẹ cũng có thể gây bầm. Ngoài ra các vết bầm không rõ nguyên nhân còn có thể là dấu hiệu của ung thư máu. Do đó nếu bị bầm thường xuyên bạn nên đi gặp bác sĩ.
Thuốc
Nếu bạn dùng quá liều các loại thuốc như aspirin, thuốc tránh thai, steroid... thì đây cũng có thể là một nguyên nhân làm xuất hiện các vết bầm.
Xuất huyết do bệnh da liễu
Với căn bệnh này, máu rỉ ra từ các mao mạch nhỏ, gây ra các vết bầm tím li ti, có thể gây ngứa trong một số trường hợp. Để tránh trình trạng này bạn có thể dùng kem chống nắng hoặc thuốc bôi được kê đơn.
Thiếu vitamin C
Vitamin C rất quan trọng trong việc chữa lành các vết thương và hình thành collagen. Thiếu vitamin C sẽ dẫn đến các mạch máu nhỏ bị vỡ gây ra bầm tím. Việc thiếu hụt loại vitamin quan trọng này cũng là một nguyên nhân chính gây ra các vết bầm.
Nhìn chung, nếu bạn thường xuyên bị bầm không rõ nguyên nhân thì hãy đi khám bác sĩ để đảm bảo, vì sức khỏe chính là điều quan trọng nhất của mỗi người.