Phía sau cánh cổng trường thi đóng kín, là bóng dáng của những phụ huynh đứng ngồi không yên, thấp thỏm chờ “tin” từ con, em mình.
Kì thi THPT Quốc gia được xem là kì thi quan trọng nhất và có tính chất quyết định cho cánh cửa bước vào tương lai của mỗi học sinh. Thế nên, không chỉ có nhà trường và thí sinh tất tả chạy đua cùng mùa thi, mà cả những phụ huynh có con, em đi thi cũng mất ăn, mất ngủ vì lo lắng.
Khác với mọi năm phải dự thi tập trung ở các thành phố lớn, năm nay kì thi được tổ chức tại các cụm ở địa phương, điều này giúp cho cả phụ huynh và thí sinh nhẹ nhàng hơn trong việc sinh hoạt, đi lại trong suốt quá trình kì thi diễn ra.
Ngang qua các địa điểm trường có tổ chức thi THPT Quốc gia, sẽ bị ấn tượng mạnh với cảnh rất nhiều phụ huynh đang đứng đợi con. Ở bên ngoài cánh cổng, khi con bắt đầu giờ làm bài, cũng là lúc bố mẹ bắt đầu hồi hộp. Người đứng, người ngồi, người đi lại... cảnh tượng này, tâm lý này dường như đã trở nên quá quen thuộc mỗi độ mùa thi đến.
Là quan tâm hay đang gây áp lực?
Phụ huynh đứng đợi con trước điểm thi Trường ĐH Văn Lang (Quận 1, TP.HCM). (Ảnh: Anh Thư)
Phụ huynh chờ con là quan tâm hay đang gây áp lực? Đã từng có nhiều câu hỏi tương tự như thế, và cũng đã vài lần vấn đề này bùng lên tranh cãi.
Phải, họ cũng đang lo lắng không kém các sĩ tử bên trong kia. Khuôn mặt hằn lên sự căng thẳng, ai nấy chỉ chờ đến lúc giờ thi kết thúc để mà hỏi han, quan tâm con, em mình.
Thí sinh được phụ huynh dặn dò trước khi vào thi. (Ảnh: Anh Thư)
Sau khi con vào trường, nhiều phụ huynh không về mà ở lại đợi. (Ảnh: Anh Thư)
“Sau khi đưa con đến trường, con vào thi, tôi vẫn ở ngoài đợi. Chỉ cần hết giờ làm bài, con bước ra khỏi cổng trường và nhìn thấy mẹ, là đủ tiếp thêm động lực cho cháu”, chị Trịnh Phương Thảo bày tỏ quan điểm khi đang đứng đợi con ở điểm thi trường ĐH Văn Lang.
Dù mưa lớn, nhưng phụ huynh vẫn mặc áo mưa đứng đợi chứ quyết không đi tìm chỗ trú. (Ảnh: Anh Thư)
Đứng đợi con dưới cơn mưa lớn Sài Gòn trong buổi thi chiều ngày 23/6, anh Lê Thanh Hùng (phụ huynh thí sinh ở THPT Nguyễn An Ninh) cho biết, “Hôm nay là thứ 6, mình vẫn phải đi làm bình thường nhưng kì thi của con quan trọng hơn cả nên mình xin nghỉ từ hôm qua để đưa con đi thi. Nhìn con người ta có bố mẹ đưa đón, chờ đợi, mà con mình không có thì tội lắm”.
Nhiều phụ huynh không giấu được sự lo lắng trên gương mặt. (Ảnh: Anh Thư)
Hết giờ, có người lái xe vào cả bên trong trường để đón con. (Ảnh: Anh Thư)
Dù được khuyên vào trú mưa nhưng cô Loan có con thi tại cụm THPT Nguyễn An Ninh, vẫn nhất quyết đứng đợi con ngoài mưa: “Cô đứng ở đây được rồi. Chỉ còn một tí nữa là chúng nó ra. Cô đợi ở đây để nó thấy mà đón. Chứ ra khỏi cổng mà không thấy người thân đâu thì tội quá”.
Bên cạnh quan điểm đứng chờ con trước cổng chính là tiếp sức tinh thần, thì một số phụ huynh khác lại cho rằng điều này có thể vô tình gây áp lực cho con. Thế nên có nhiều phụ huynh sau khi dặn dò kĩ càng, nhìn con bước vào cổng trường thì quay về.
Bác Trần Việt Dân (phụ huynh của thí sinh tại điểm trường ĐH Văn Lang, TP.HCM) cho biết: “Tôi không ở lại đợi đến khi con thi xong là vì không muốn gây áp lực cho cháu. Tâm lí mình cũng vậy, cứ thả tự do cho thoải mái tinh thần, kèm cặp quá mức đôi khi lại gây phản tác dụng”.
Thí sinh nói gì về chuyện có bố mẹ chờ ở cổng trường thi?
Đa phần khi được hỏi về vấn đề này, các thí sinh đều đồng tình với việc bố mẹ không cần phải đứng đợi con suốt thời gian làm bài thi. Bởi khi các thí sinh đã bước vào giờ thi, trừ trường hợp khẩn cấp, thì phụ huynh không thể can thiệp thêm, việc đứng chờ đợi chỉ khiến họ vất vả hơn.
Thí sinh ra về sau khi hoàn thành xong bài thi. (Ảnh: Anh Thư - Duy Anh)
Vừa kết thúc bài thi môn Tiếng anh, em Hoàng Ly (điểm thi trường THPT Nguyễn An Ninh) khá thoải mái chia sẻ khi đang đợi phụ huynh đến đón: “Em nghĩ khi đã bước vào phòng thi là phụ thuộc vào việc học hành của bản thân. Việc bố mẹ đứng trước cổng trường đợi dưới nắng nôi, mưa gió cũng không thể giải quyết được vấn đề gì”.
Còn với bạn Duy Lộc, việc có bố mẹ chờ trước cổng trường là điều gây áp lực thi cử lớn, “Nhiều bạn thì thích, nhưng riêng với em, có bố mẹ đứng đợi suốt ngần ấy tiếng đồng hồ trước cổng sẽ tăng thêm áp lực. Em là đứa thích thoải mái, cứ để tự do có khi “chém” đề tốt hơn”. (cười)
Tuy nhiên, cũng có không ít bạn chia sẻ rằng cảm thấy yên tâm hơn khi có bố mẹ đứng đợi trước cổng trường. Vì chỉ cần có sơ suất gì là có thể nhờ viện trợ ngay, hoặc ít ra là nguồn cổ vũ, động viên lớn để làm bài. “Bước ra khỏi cổng trường mà nhìn thấy mẹ là em cảm thấy dễ chịu vô cùng”, bạn Mai Lan chia sẻ.
Có nên đợi con trước cổng trường suốt quá trình làm bài thi?
Nhìn chung, việc phụ huynh đứng đợi con trước cổng trường mang đến những ảnh hưởng tâm lý nhất định đối với các thí sinh. Tuy nhiên, điều này có tác động tích cực hay tiêu cực đến cả thí sinh và phụ huynh như thế nào thì cần phải xem xét theo nhiều hướng vấn đề cụ thể.
Giao thông gần như tê liệt trên tuyến đường chạy ngang qua trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Nha Trang. (Ảnh: Duy Anh)
Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh vẫn mặc định rằng, đợi con trước cổng trường sẽ giúp thí sinh thêm phần yên tâm để làm bài hơn. Điều này cũng đúng với tâm lý nhiều thí sinh nhưng không phải là hoàn toàn. Bởi có không ít thí sinh bày tỏ sự áp lực khi có bố mẹ đứng đợi trước cổng trường trong thời gian làm bài thi.
Thiết nghĩ, bố mẹ có thể hỏi xem con có muốn được mình đứng đợi đến khi thi xong hay không, hoặc chính các em có thể tự chủ động bày tỏ cảm nhận của mình về vấn đề này. Khi đã có câu trả lời, chắc chắn giữa phụ huynh và thí sinh sẽ có sự tương tác tốt hơn về mặt tâm lý.
Một phụ huynh mệt mỏi chờ con trước cổng trường. (Ảnh: Anh Thư)
Việc phụ huynh lo lắng cho con trong một kì thi quan trọng là điều không có gì quá khó hiểu. Nhưng hơn lúc nào hết, các ông bố, bà mẹ cần giữ cho mình một sức khỏe tốt để có thể chăm sóc con mình trong suốt những ngày thi dài. Bố mẹ khỏe mạnh cũng là một yếu tố quan trọng để các con yên tâm bước vào phòng thi với tinh thần tốt nhất.
Đây là cột mốc đánh dấu những bước đi trưởng thành đầu tiên cho các cô cậu học trò sắp sửa “rời tổ”, thế nên, các bậc phụ huynh cũng đừng quá lo lắng, mà hãy để các em tập dần tính tự lập cho những sự kiện quan trọng của cuộc đời mình.