"Đại gia quận 9" xây nhà cổ hàng chục tỉ, cho đoàn phim mượn miễn phí

17:00 22/11/2021

Trong ký ức của nhiều người từng sống ở TP.HCM, quận 9 (nay là TP. Thủ Đức) vốn được ví như vùng quê, có một số khu du lịch nghỉ dưỡng kiểu miệt vườn. Thế nhưng, ít ai biết rằng nơi đây cũng có các biệt thự lớn hoặc nhà cổ.

Trong số đó là căn nhà cổ của ông Đ.V.D, nơi từng được sử dụng làm bối cảnh cho những bộ phim như Tiếng Sét Trong Mưa, Ngọc Cỏ Gió Lùa, Lòng Dạ Đàn Bà,....

 
Căn nhà cổ của "đại gia quận 9", thường được làm bối cảnh phim. (Ảnh: Thanh Niên)
Căn nhà cổ của "đại gia quận 9", thường được làm bối cảnh phim. (Ảnh: Thanh Niên)

Thanh Niên đăng tải, năm 2000, ông D. về vùng ven quận 9 mua 3ha đất. Ông kể, hồi đó quận 9 hoang vắng nên đất rẻ, nên việc mua bán cũng rất thuận lợi. Tới năm 2003, ông mua thêm một căn nhà cổ đầu tiên ở Bình Dương (100 năm tuổi), đưa về quận 9 rồi dựng lại như nguyên bản, riêng chi phí giao dịch là 2 tỉ đồng. Từ năm 2003 đến 2006, ông D. mua thêm vài căn nhà khác rồi lắp ghép vào mô hình đầu tiên, tạo nên một khu biệt phủ hoàn chỉnh.

Do xây dựng theo hướng nhà Nam Bộ thời xưa nên hầu hết đồ dùng trong nhà của ông D. đều khá cổ. Từ bộ bàn ghế gỗ, lọ lộc bình phong thủy, tới cột kèo đều toát lên sự quyền thế. Ngoài việc trang trí bên trong ngôi nhà, ông D. còn chú ý tạo cảnh quan bằng cây cảnh, hòn Nam Bộ,... Những món đồ mà vị đại gia này sử dụng để trang trí hầu hết đều là có sẵn, sau đó được sắp xếp hài hòa, đẹp mắt. Số tiền để ông thực hiện đam mê ước tính khoảng 50 tỉ đồng. 

 
Một khung cảnh của ngôi nhà được góp mặt trong Lòng Dạ Đàn Bà. (Ảnh: M.L)
Một khung cảnh của ngôi nhà được góp mặt trong Lòng Dạ Đàn Bà. (Ảnh: M.L)

Vào năm 2006, ông bắt đầu cho đoàn phim mượn nhà cổ làm bối cảnh, nhưng không thu bất kỳ chi phí nào. Tới năm 2008, khi được đạo diễn Hồ Ngọc Xum năn nỉ, ông D. mới quyết định nhận tiền để tu sửa và xây thêm một vài khu vực, giúp bối cảnh trở nên đa dạng hơn. Hầu hết các bộ phim sử dụng khu nhà cổ của ông D. làm bối cảnh đều rất ăn khách, thu hút sự quan tâm của khán giả mê điện ảnh.

Đáng chú ý, người đàn ông sở hữu ngôi nhà 50 tỉ đồng này vốn không phải dân kiến trúc, chỉ thi thoảng đi theo học hỏi các đàn anh. Thế nhưng, bên cạnh xây dựng thành công biệt phủ của riêng mình, ông còn từng góp mặt trong dự án thiết kế khu nhà cổ trong Làng cà phê Trung Nguyên.

 
Hình ảnh vườn quê an bình trong căn nhà cổ 50 tỉ đồng. (Ảnh: Thanh Niên)
Hình ảnh vườn quê an bình trong căn nhà cổ 50 tỉ đồng. (Ảnh: Thanh Niên)

Tại miền Bắc cũng có một ngôi nhà cổ hơn 200 năm, từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm điện ảnh, đặc biệt là Lời Nguyền Huyết Ngải. Báo Xây Dựng có viết, căn nhà cổ này nằm tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm và thuộc quyền sở hữu của dòng họ Nghiêm Xuân.

Điều gây ấn tượng nhất là căn nhà có từ đường 8 mái, bên trong nhà thờ chứa nhiều bức thiều châu dát vàng và thêm 2 bia đá chữ Hán Nôm, có lưu lại tên tuổi của những người đỗ đạt trong dòng họ. Khuôn viên của căn nhà còn được phủ một màu xanh tươi mát của cây ăn quả, cau,... tạo không gian xưa cũ đầy bí ẩn. Bên cạnh khu vực thuộc sở hữu của dòng họ Nghiêm Xuân, làng Tây Mỗ cũng có nhiều ngôi nhà khác vẫn giữ lại nét đẹp cổ kính với mái lợp ngói đỏ, cổng gỗ, chum nước,...

 
Căn nhà cổ thuộc sở hữu của dòng họ Nghiêm Xuân. (Ảnh: Báo Xây dựng)
Căn nhà cổ thuộc sở hữu của dòng họ Nghiêm Xuân. (Ảnh: Báo Xây dựng)

Xã hội càng phát triển, nhà cổ không còn xuất hiện nhiều như trước nhưng vẫn thu hút đông đảo mọi người quan tâm. Với những căn nhà vừa được giới thiệu, bạn có cảm nhận như thế nào? Hãy cùng chia sẻ nhé!

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

CĂN NHÀ CỔ ĐƯỢC ĐƯA LÊN SÂN THƯỢNG Ở HÀ NỘI

Vừa qua, dân mạng còn "mắt chữ O, miệng chữ A" với hình ảnh căn nhà cổ được đưa lên sân thượng của gia đình chị Liên (trú tại phố Hoàng Liên, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Theo chủ nhân chia sẻ, căn nhà có chiều rộng khoảng 460m2, tuổi đời hơn 100 năm và mới được tu sửa lại. Từ cột kèo, tường gạch hay mái ngói đều có màu sắc, chất liệu mang cảm giác mộc mạc, gần gũi. Ngoài ra, khu vực sân trước còn được trồng nhiều cây xanh, giúp căn nhà thêm thoáng đãng.

"Nhà mình 4 đời làm nghệ thuật rồi, ông là hoạ sĩ, bố chồng là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật, mẹ chồng là nhà điêu khắc, bản thân hai vợ chồng cũng có công ty mỹ thuật và hoạt động được 20 năm trong nghề. Thế nên hai vợ chồng mình cũng luôn tâm niệm gìn giữ, tu sửa những gì cha ông để lại chứ không muốn phá bỏ. Bên cạnh đó bọn mình cũng tôn trọng nhu cầu, mong muốn của ông bà, cô chú nên là đã quyết định sửa sang cho căn nhà cổ thêm đẹp hơn" - chị Liên, chủ nhân căn nhà tâm sự.