Đã hơn 20 năm nay, nơi che mưa che nắng của vợ chồng ông Đực chỉ là một chiếc ghe cũ ở chân cầu Rạch Bàn 2.
Con thuyền gỗ mục nát đã ngót nghét hơn 20 năm tuổi nằm dưới chân cầu Rạch Bàn 2 ngay bên cạnh những tòa nhà cao ốc trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 là nơi cư ngụ của ông Lê Văn Đực (55 tuổi) cùng vợ và con gái 8 tuổi. Ông Đực quê ở Cù Lao Bình Đại, Bến Tre. Ngày trước, ông tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam bị bom đạn cướp mất một bên chân trái. Sau khi xuất ngũ, ông trở về quê lấy vợ rồi sinh được 5 người con. Nhưng khi 5 đứa con chưa kịp lớn, vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo qua đời sớm. Ông Đực một mình ngày đêm kéo lưới để nuôi con.
"Sau này khi chúng nó lớn, có thể tự nuôi bản thân đã lần lượt rời tôi đi nơi khác sinh sống, tôi còn lại cô độc một mình trên ghe", ông chia sẻ. Rồi ông gặp 1 người đàn bà và về sống với nhau. Ở với nhau hơn 20 năm, mãi đến năm 2007, hai người mới có đứa con gái. "Ở cái tuổi như hai vợ chồng tui không ai nghĩ còn có con, may ông trời thương nên mới ban phước", người đàn ông 55 tuổi tâm sự.
Ông Đực ngồi trong "căn nhà chiếc ghe" và kể về cuộc sống lắm khó khăn mỗi khi nắng chiếu, mưa tạt, gió thổi vào căn nhà của mình và chính ông cũng không biết chính xác gia đình mình còn có thể ở đây đến lúc nào.
Ông cụ hơn 70 tuổi với người vợ từng bị chấn thương sọ não và đứa con mới chỉ 8 tuổi tâm sự rằng những mẩu bánh mì này chính là vật cứu đói của cả nhà khi tiền làm hàng ngày không đủ để mua gạo, chính nó cũng là thuốc chữa đau dạ dày cho ông.
Bàn tay của ông Đực đã làm thay luôn công việc của đôi chân ông, một tay hàng ngày bán vé số mưu sinh, một tay chống gậy để bước từng bước vững vàng giữa dòng đời tấp nập. Cứ thế ngày qua ngày, đôi tay ấy là điểm tựa của cả gia đình.
"Ngày nào không làm việc nặng nhọc thì tôi chịu không được, chắc tại thành thói quen rồi, một phần vì cũng già rồi mà còn trách nhiệm với gia đình nên lúc nào cũng phải gồng gánh mà làm. Làm mới thấy mình còn sức, còn khỏe, còn sống được" - ông Đực tâm sự.
Vì người vợ hiện tại của mình từng bị chấn thương sọ não nên không còn được minh mẫn như bình thường, vậy nên ông dành dụm tiền mở một cái quán nhỏ bên đường đối diện cao ốc quận 7 để bà buôn bán hàng nước và lo việc nhà.
"Cứ mỗi lúc nước lên hay gió thổi là mùi của rác, của cây mục bốc lên, hôi chịu không nổi, nên lúc rảnh tôi thường tranh thủ cắt bớt cây cối cho thoáng mát, ăn ở cũng thoải mái hơn", ông chia sẻ.
Trên chiếc ghe nhỏ chẳng có gì ngoài mấy cái chén bát, mấy cuốn tập vở, vài mẫu bánh mì và có lẽ tài sản quý giá nhất đó là cái bếp lửa. Hàng ngày, vợ ông vẫn tần tảo bên bếp lửa chuẩn bị cơm nước cho cả nhà từ những kí gạo mua đổi từng ngày.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ông Đực luôn sống lạc quan, đầy hi vọng, gia đình ông cũng được nhiều người quan tâm, san sẻ, nhiều người hay cho nhà ông cơm thừa để nuôi chó, cho ve chai để bán kiếm thêm thu nhập, cho củi gỗ để nấu ăn. Ông bảo lúc rảnh ông hay lên núi hái thuốc từ rễ, lá cây để về cho mọi người chữa bệnh vì ông có hiểu biết về dược liệu và nhận thấy rằng uống thuốc tây rất có hại cho sức khỏe.
Bữa cơm gia đình đạm bạc nhưng ông và vợ cảm thấy vui vì vẫn còn sống, còn làm, còn ăn và hàng ngày vẫn còn được đưa đón con đi học.
Người đàn ông suốt 20 năm sống trên "ngôi nhà chiếc ghe"
Nỗi lo lắng nhất của ông bây giờ đó là đứa con gái mới lên 8 của mình, vì ông và vợ cũng đã già, không biết chăm sóc con đến được lúc nào. Thương con vì gia đình khó khăn, xung quanh không có bạn bè chơi, về nhà chỉ biết chơi với chó mèo trong nhà, vậy nên ngoài là cha, ông còn là bạn, là một người thầy giáo cho con gái mình.
Hàng ngày, ông thường đưa đón con đến trường vì tuổi con còn quá nhỏ và ông mong muốn con gái không cảm thấy cô đơn.