Cuộc hôn nhân của "hai người phụ nữ" và gian bếp đẫm tình thương sau gần một thập kỷ biệt ly
Hạ Phong - Theo yan.thethaovanhoa.vn | 20/11/2018
Hạ Phong - Theo yan.thethaovanhoa.vn | 20/11/2018
Trong khuôn cảnh ngôi nhà với đồ đạc lỉnh kỉnh, không thể ngăn vách để phân biệt giữa bếp, giường ngủ, nơi tiếp khách, tôi được cô Ngân mời ngồi trên một chiếc ghế đỏ nhỏ và thấp. Chuyến đi này cốt để ghé thăm, trò chuyện và hiểu về đôi vợ chồng này, xin được phép gọi "ông - bà" bằng sự ngưỡng mộ và yêu thích.
Bà tên Lê Thị Kim Ngân năm nay đã 67 tuổi , ông tên là Ngô Văn Sang (tên đi hát là Ngô Văn Sang) 78 tuổi. Hằng ngày, cuộc sống của họ bắt đầu từ lúc chập choạng 5 giờ sáng mỗi ngày, khi ấy ở ngoài Sài Gòn người ta đôi khi chắc chỉ vừa chợp mắt cách đó đôi giờ. Vậy mà từ căn nhà bé nhỏ đã nồng nàn mùi khói bếp, mùi cơm. Tất cả là từ một người vợ tất bật chuẩn bị cơm cho chồng mình đi bán vé số.
Ông Sang kể thời đó, lúc còn nhỏ ông sống cùng bố mẹ ở quận 1 (TP.HCM). Lẽ ra, cũng như rất nhiều người khác, ông sẽ có cuộc sống êm đềm cùng với gia đình, nhưng đến năm 14 tuổi ông Sang bắt đầu nhận ra bản thân có những cảm nhận khác lạ. Lúc nào, ông cũng khao khát trở thành phụ nữ. Thế nhưng, vào những năm người ta còn đội mũ xung phong trước thế sự, ranh giới giữa gái và trai, phụ nữ và đàn ông rất rõ ràng, vì điều này trước mặt mọi người, ông luôn cố gắng sống “là một người khác”.
“Quãng thời gian năm 14 tuổi, tôi nhận thức được tình cảm của mình. Lúc đó, tôi thấy cuộc sống của tôi không bình thường. Tôi luôn muốn trở thành phụ nữ và dành tình cảm cho phái nam. Hồi xưa, người ta kỳ thị lắm. Thành ra, tôi phải gồng mình”
Bà Ngân kể lúc trước, ông Sang đang học trung học thì bố mẹ ông mất. Vì vậy, ông phải tự lập vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống của mình. Ông Sang quyết định rời quê hương tham gia nghĩa vụ quân sự, rồi làm việc ở Cần Thơ. "Chiến cuộc ngã ngũ" thân phận ông chẳng biết bám vào đâu, nói đến đây ông Hai mới thừa nhận: “Quả thật tôi còn có một mình, không tìm bà ấy thì tìm ai.”
Vậy là ông trở về Sài Gòn và sống với bà Ngân, bà nhớ, năm ấy là vào năm 1978. Ngày ông Sang trở về, ông bà quyết định lấy nhau, một “đám cưới” diễn ra, nói đám cưới chằng qua là một sự an ủi lớn lao chứ ai lại nghĩ ngày trọng đại nhất của đời người con gái lại diễn ra trong vòng "chưa đầy'' một cái gật đồng đầu ý của bà. Không hoa, không trầu, cau, không nhẫn. Hôn nhân cứ thế dưới sự chứng kiến của bản thân mỗi người và trách nhiệm với một nửa đi cùng họ hết hành trình còn lại.
Bà sinh con gái đầu lòng. Bà Ngân nói với chúng tôi rằng quãng thời gian sống với ông Sang đến khi bà sinh được đứa con gái lớn rất vui, vợ chồng chẳng cãi vã. Tính ông Sang chu toàn, rất thẩm mỹ, bà hiểu nên bà luôn cư xử đúng và thuận lòng ông.
Con gái lớn học lớp 5, ông Sang có những thay đổi về tính nết rõ rệt, còn bà Ngân thì luôn tin tưởng chồng mình.
Tôi đột nhiên quay về phía ông Sang thấy ông quay đi, kéo chú cún nhỏ ôm vào lòng.
Ông Sang thở nhẹ, hơi thở hắt hiu gần như khiến tôi hiểu ý, rằng đây là điều ông không hề muốn.
Bà Ngân đứng lên lấy cho ông Sang cái khăn vắt ở đầu võng để ông lau mặt, rồi kể tiếp, bà nói hằng đêm ông đều đi ra ngoài đến sáng hôm sau mới về. Bà đã quen và luôn nghĩ rằng chồng mình đi xoay sở, kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Thế nhưng, khi ông bắt đầu thay đổi cử chỉ, hành động thậm chí là không có những sự gần gũi, quan tâm bà, bà mới nghĩ chắc ông đã có người phụ nữ khác.
Có lẽ sự bao dung, chấp chứa của bà Ngân đã ở một mức độ của cao cả. Mỗi người phụ nữ, cơ bản luôn có những phỏng đoán và linh cảm chuẩn xác dù là rất ít, điều đó giúp họ cảm nhận được những người bên cạnh mình có những thay đổi gì.
Rồi cái kim cuối cùng chẳng thế giấu mãi được trong bọc, trong một lần ông Sang về muộn, đi tìm chồng ở nhiều nơi, bà Ngân bắt gặp chồng mình tình tứ với một người khác:
“Lúc đầu tui giận lắm nhưng sau đó khi lại gần tui lại phát hiện người này là con trai, tui không hiểu sao chồng tui lại tay trong tay với một người đàn ông khác. Lúc đó, tôi buồn và không biết mình phải nói gì với chồng. Tôi không biết ông ấy bị sao vì hồi xưa đâu có vụ đồng tính luyến ái gì đâu". Ông Sang nói giữa cuộc trò chuyện của tôi và bà Ngân, ông bảo đó chỉ là một sự giải thoát: “Chúng tôi không chia tay nhưng không ở với nhau nữa. Bà ấy muốn làm gì thì làm. Tôi không trách bà ấy. Bà ấy không hiểu, không đồng cảm với tôi”, ông Sang nói.
Vậy là, vào một đêm mưa gió, ông Sang đã bỏ đi.
Không lâu sau, bà cùng con bỏ về quê ở Chợ Lớn hồi đó. Ở đây, bà Ngân làm thêm, hai mẹ con bà Ngân lặn lội sống qua ngày, rồi đứa con gái cũng lớn và lập gia đình để lại bà nặng lòng với sự chờ đợi người chồng biền biệt.
Ông Sang đi hát quen biết nhiều rồi được giới thiệu vào một gánh hát loto ở huyện. Đi diễn một thời gian ông đổi tên họ, cuộc hành trình nay đây mai đó diễn ra đến năm ông 43 tuổi, ông quyết định thay đổi và ăn mặc như một người phụ nữ, ông xăm chân mày, tiền đi diễn ông đổ dồn vào việc chăm chút bản thân.
Tôi nghĩ nếu mọi thứ không được bao dung thì cái không gian hôm nay vẫn còn là một sự xa cách vĩnh viễn bị chặn lại.
Bà Hai kể: “Ổng còn có một mình, thêm cái bệnh trong người, người ta không cho ổng ở trọ một mình, tui đi kiếm một cái phòng nhỏ nhỏ ở ngoài ven này, để tiện đón ổng về chăm sóc!”
Vậy ông ấy về, cô có vui không?
“Tui cũng mừng, vì tìm ông ấy mấy chục năm nay, tui tìm từ lúc ông mới đi, đứa con gái còn nhỏ, cho tới khi dựng vợ gả chồng, yên bề gia thất cho nó, tui cũng không đi thêm bước nữa, sợ người ta dị nghị rồi đánh giá con gái giống mẹ lấy hai đời chồng. Lúc ổng đi, tui với ổng cũng có nói một lời nào đâu, cô vẫn coi ổng là chồng”.
Tôi không biết có cách nào để bù đắp lại sự thiệt thòi mấy mươi năm mà một người đàn ông đã để lại cho người phụ nữ tin tưởng và chờ đợi họ bằng cả cuộc đời không. Hay chỉ bằng sự ca ngợi đức tính người phụ nữ được lưu truyền từ mấy chục năm đến thời điểm hiện tại rồi mọi thứ cũng thành một dấu hỏi bỏ lửng. Nhưng dù sao cũng không trách được vì cách để người ta có được hạnh phúc xứng đáng nhất đó chính là tôn trọng hệ giá trị của người khác.
Cuối cùng sức sống mãnh liệt, đam mê đã khiến ông Sang chú ý, lắng nghe và quyết định bỏ đi. Ngày ông đi, bà ngày nào cũng trông ngóng, tìm cách liên lạc, gọi điện, thư từ, hỏi đầu trên xóm dưới dù không có tin tức gì về ông, bà vẫn hi vọng.
“Mãi đến khi nghe được tin ông ấy đi theo đoàn loto trên tỉnh, cô mới yên lòng”, bà Ngân nhớ lại rồi nói trong sự chấp nhận của mình.
Tôi hỏi về hành trình “sở cầu” của ông Sang bằng một sự ngưỡng mộ, dĩ nhiên không phải để cổ vũ bước chân biền biệt mười mấy năm trời ông Sang bỏ đi ấy, mà là sự ngưỡng mộ về lòng can đảm: lắng nghe và chấp nhận chính bản thân mình.
Ông Sang kể: “Tui mê diễn lắm, tui được giới thiệu vào đoàn đi diễn từ Bắc vào Nam, tiền có được tui dành để mua đồ trang điểm, trang phục để biểu diễn, đoàn nghèo không hỗ trợ được tui phải tự mua”.
Trong cái thẳng thắn, bộc trực của ông Sang khi nói về hành trình kia khiến tôi tin rằng ông rất nghiêm túc với ước mơ và đam mê của mình.
Ông Sang kể, ngày xưa mong ước trở thành một người phụ nữ thực thụ, ông đã dành tiền đi tiêm silicon để làm giả ngực, vào thời ấy công nghệ không phải triển được như bây giờ, nên người ta chấp nhận đánh đổi để đua với thời gian.
Chính vì điều này, trong những người bạn của ông Sang có một vài người kém may mắn đã mất mạng vì tiêm silicon.
Ông Sang nói với tôi:
“Người ta sống chỉ có một lần, con người có thể có hoặc có thể không có đam mê, nhưng một khi có, phải theo đuổi và có trách nhiệm với nó". Ông bảo chúng tôi còn trẻ, vẫn có thể làm được điều chúng tôi muốn.
Rồi ông Sang tiếc nuối và kết thúc câu chuyện của ông bằng căn bệnh tai biến.
Bà Ngân kể, năm 2013, trong lúc đi hát, ông Sang đột ngột phát bệnh nằm viện ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), bác sĩ kết luận rằng ông bị tai biến hệ quả là ông bị liệt một phần cơ thể. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, bà lấy hết can đảm gửi ra Nha Trang cho ông Sang 2 triệu đồng chi trả tiền thuốc men, viện phí và lo vé tàu xe trở về để bà tiện chăm sóc.
“Tui biết, ổng không còn ai, cha mẹ, anh em cũng không còn, tui nghĩ tình nghĩa vợ chồng, không giận ổng một ngày nào, chỉ buồn", bà Ngân nói.
Họ xa nhau rất nhiều năm. Màu mắt, màu chân mày trên gương mặt ông Sang đã từ từ trôi và nằm gọn vào một nửa thế kỷ dài.
Ông Sang về bắt đầu lại cuộc sống cùng bà Ngân. Mỗi ngày, vào lúc 5 giờ sáng bà lại lật đật nấu cơm cho ông ăn, ông Sang bán vé số ở gần đó vì người liệt không thể đi xa. Còn bà Ngân được nhận giúp việc nửa ngày cho một gia đình trẻ. Trưa về, bà lo cơm nước. Hôm nào bán chạy thì ông Sang về sớm, hôm nào bán chậm thì bà phải chờ, có hôm mưa lớn bà sốt ruột tựa cửa đợi.
"Đợi ổng, tui cũng quen. Nhưng khi trời mưa trời gió đợi lâu tui sốt ruột rồi lo lắm."
Bà Ngân chỉ chúng tôi vết sẹo trên tay mấy năm nay rồi kể trong một lúc đi làm bà bị xe quẹt ngã ra đường đầu đập xuống đất, bà phải khâu tay mấy mũi, để lại sẹo to trên cánh tay hiện tại: “Đụng tui xong nó chạy mất tiêu, tui nằm ra đường, bà con lại đỡ lên, cũng may chỉ bị ở cánh tay, tui nghĩ chắc bị ở đầu không biết tui còn may mắn sống đến giờ không nữa” Nói rồi bà cười.
Tôi nghĩ vẫn chưa có một cái kết nào hoàn mỹ để dừng buổi nói chuyện hôm nay. Nhưng tôi nghe từ ông Sang: "Mấy đứa còn trẻ, rất trẻ để mong muốn và thực hiện đam mê, sở thích của mình nhưng cũng nhớ sức khỏe là quan trọng nhất".
Đây là lần thứ 2 ông nhấn mạnh với chúng tôi điều này, tôi nghĩ thông điệp này vừa được chia sẻ với sự kiêu hãnh và ngọt ngào. À không! Đúng hơn là ông Sang đã thực sự "sống" và chứng minh điều đó bằng cả 1 thập kỷ qua.
Mà, sống là cả một hành trình dài nhưng đôi khi chỉ nằm trong một sự chọn lựa. Từ đôi mắt, đôi mày, cử chỉ của ông Sang, tôi biết khi tôi quyết định sống thì phải "sống" là chính bản thân mình. Còn lại, nếu có một định nghĩa nào cho sự bao la, cao cả thì xin được phép gọi đó là bà Ngân.