Cuộc đời thăng trầm của nữ Trạng nguyên duy nhất lịch sử phong kiến

13:50 14/09/2021

Thời phong kiến của Việt Nam, chỉ có đàn ông mới có quyền tham gia thi cử. Chính vì vậy, câu chuyện về nữ Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa bảng - bà Nguyễn Thị Duệ, cùng mối tình say đắm với vua Mạc Kính Cung là giai thoại được hậu thế nhắc mãi về sau.

 
Khu vực thờ bà Nguyễn Thị Duệ ở Hải Dương. (Ảnh: Báo Tin tức)
Khu vực thờ bà Nguyễn Thị Duệ ở Hải Dương. (Ảnh: Báo Tin tức)

Nữ cải trang nam từ nhỏ để theo nghiệp đèn sách

Zing News cho biết, bà Nguyễn Thị Duệ sinh năm 1574 ở vùng đất Chí Linh, Hải Dương ngày nay. Theo thông tin từ Hải Dương phong vật chí, tên gốc của bà là Nguyễn Thị Ngọc Toàn. Lớn lên trong gia đình nhà nho nghèo, bà Nguyễn Thị Duệ bộc lộ tài năng đặc biệt của mình ngay từ khi còn nhỏ. Tương truyền, khi mới 4 tuổi, bà đã có thể viết văn, làm thơ. Tuy nhiên, do quan niệm trọng nam khinh nữ thời bấy giờ, bà phải giả nam để theo nghiệp đèn sách.

 
Bà Nguyễn Thị Duệ đóng giả nam để tiện đi học. (Ảnh minh hoạ: Việt sử giai thoại)
Bà Nguyễn Thị Duệ đóng giả nam để tiện đi học. (Ảnh minh hoạ: Việt sử giai thoại)

Nguyễn Thị Duệ sớm lộ ra nhan sắc xinh đẹp dù chỉ mới 10 tuổi. Thời điểm đó, không ít gia đình hào môn trong làng ngỏ ý xin cưới, song bà Duệ đều một mực từ chối. Những năm tháng chiến tranh, nhà Mạc bị thất thế, phải bỏ lên Cao Bằng. Bà cũng theo cha lên sinh sống tại đây. Đến khi nhà Mạc mở khoa thi cử để tìm nhân tài giúp nước, bà Duệ cũng hăng hái dự thi, lấy tên Nguyễn Ngọc Du. Trong kỳ thi Hương, thi Hội và Đình, bà đều đứng đầu bảng và trở thành Trạng nguyên. 

Lọt mắt vua sau vài lần gặp gỡ

Sách Những người thầy trong sử Việt cho hay, khi được mời vào cung dự yến tiệc, tân Trạng nguyên là người đầu tiên diện kiến trước vua. Tất cả văn võ bá quan trong triều đình đều không giấu nổi ngạc nhiên trước vẻ tuấn tú, cùng dáng đi khoan thai của bà. Chỉ đến khi được ban rượu, vua Mạc Kính Cung mới nhận ra tân Trạng nguyên mặt hoa da phấn, đôi mắt long lanh, thân hình yểu điệu mang dáng dấp của phận nữ nhi. Lúc này, nhà vua ngờ vực hỏi chuyện, mới biết thực chất người trước mắt là phụ nữ.

Nghe đáp án, tất cả quần thần tại điện đều vô cùng bất ngờ, bởi việc giấu giếm triều đình là trọng tội. Dù vậy, vua Mạc Kính Cung không trừng phạt, thậm chí còn tỏ ra quý trọng tài năng và nhan sắc của người trước mắt, cho dùng lại tên cũ, giao cho bà chức vụ Lễ quan trong cung để chỉ dạy lễ nghi, chữ viết cho cung tần, thị nữ.

 
Tài sắc của bà đã khiến Mạc đế vô cùng sủng ái. (Ảnh minh hoạ: Pinterest)
Tài sắc của bà đã khiến Mạc đế vô cùng sủng ái. (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Theo thời gian, sau mỗi lần tiếp xúc và gặp gỡ, Mạc đế càng cảm thấy ấn tượng trước vẻ tài hoa của bà Nguyễn Thị Duệ, liền đưa bà vào hậu cung, ban danh hiệu Tinh phi. Kể từ đó, Tinh phi được vua Mạc hết lòng yêu thương, sủng ái; được gắn với danh hiệu “Bà chúa Sao Sa", ngụ ý người phụ nữ đẹp mang vẻ ngoài sáng như sao sa trên trời.

Cả cuộc đời làm quan đều nghĩ về giáo dục

VnExpress từng đăng tải, vào năm 1625, quân Trịnh tiến đánh nhà Mạc ở Cao Bằng. Khi bị bắt, Tinh Phi vẫn vô cùng trấn định, tìm cách uy hiếp binh lính đưa đến gặp chúa Trịnh. Với khả năng đối đáp xuất sắc, bà thoát tử tội, thậm chí còn được chúa Trịnh phong là Nghi ái quan.

Đảm nhận chức vụ mới, nữ Trạng nguyên đặc biệt chú trọng việc bồi dưỡng nhân tài. Để thúc đẩy phong trào hiếu học, bà cùng nhiều cao nhân nổi tiếng thường xuyên dành thời gian đến các địa phương khác để kiểm tra, tổ chức thi cử. Cách làm này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại những khu vực xa đất Kinh thành. Song song với đó, bà xin triều đình ban hành các chính sách để hỗ trợ, ủng hộ sĩ tử nghèo vượt khó.

 
Công trình "Tinh Phi cổ tháp" tri ân bà Nguyễn Thị Duệ. (Ảnh: Chí Linh quê tôi)
Công trình "Tinh Phi cổ tháp" tri ân bà Nguyễn Thị Duệ. (Ảnh: Chí Linh quê tôi)

Bước sang tuổi 70, bà Nguyễn Thị Duệ về quê đọc sách, sống cuộc sống bình dị, ngày ngày dạy học cho bà con trong làng. Sau khi trút hơi thở cuối cùng, vị Tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử được người dân thương tiếc, dựng lên ngọn tháp “Tinh phi cổ tháp” để tưởng nhớ công đức.

Sinh ra trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, bà Nguyễn Thị Duệ vẫn hoàn thành được lý tưởng giúp dân, giúp nước của mình. Đây cũng là điều hiếm người phụ nữ phong kiến nào thực hiện được. Còn bạn, bạn có cảm nhận gì về vị Tinh phi của vua Mạc? Chia sẻ cho YAN biết nhé!

CUỘC ĐỜI ĐẦY THĂNG TRẦM CỦA NỮ HOÀNG ĐẾ DUY NHẤT TẠI TRUNG HOA

Trên thế giới cũng có nhiều người phụ nữ vừa giỏi giang, xinh đẹp, lại có nhiều đóng góp cho lịch sử. Trong đó, không thể không kể đến nữ Hoàng đế duy nhất của Trung Hoa – Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên vốn nổi tiếng là người phụ nữ tài giỏi, mưu lược không thua kém bất kỳ bậc quân vương nào; lại sở hữu khí chất cao ngạo và nhan sắc ấn tượng.

Tuy tài giỏi nhưng Võ Tắc Thiên cũng được hậu thế nhận xét là có tính cách tàn nhẫn. Vì lý do này mà bà có vô số kẻ thù. Đáng chú ý, cuối đời bà dường như buông xuôi mọi thứ, không còn bị những tranh đấu làm ảnh hưởng đến cuộc sống.

Đón xem chi tiết tại đây.