Dân mạng mủi lòng trước cuộc đời buồn của chú xe ôm bị tai biến

11:00 12/04/2017

Không gia đình, không tiền bạc, lại mang thêm căn bệnh quái ác trong người… Rất nhiều đêm, người đàn ông này lầm lũi trở về nhà mà không một xu dính túi.

Dạo quanh một vòng mạng xã hội những ngày gần đây, không khó để bắt gặp hình ảnh chú xe ôm già miệng cười méo xệch, mắt nhìn xa xăm trong ánh đèn hiu hắt trước cổng bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM). Chú – một tài xế lỗi thời giữa trào lưu “xe ôm thời công nghệ”. Chú- một gã trung niên chẳng còn đủ rắn rỏi để bắt đầu lại, với một công việc mưu sinh khác. Và cứ thế, những tháng ngày vực dậy sau cơn tai biến bỗng đẩy người đàn ông này vào cuộc sống lầm lũi, cô độc, quẩn quanh.


Câu chuyện buồn về cuộc đời của chú xe ôm bị tai biến được cư dân mạng truyền tay nhau trong những ngày gần đây. (Ảnh: chụp màn hình)
Câu chuyện buồn về cuộc đời của chú xe ôm bị tai biến được cư dân mạng truyền tay nhau trong những ngày gần đây. (Ảnh: chụp màn hình)

Có thể, câu chuyện cuộc đời chú chẳng mấy đặc biệt so với hàng trăm hàng ngàn kiếp người ngoài kia, nhưng ánh mắt sâu thẳm chất chứa nỗi niềm đã níu tôi dừng lại hồi lâu với một bài chia sẻ trên mạng xã hội. Và tôi quyết định đến tìm chú.

Trời bắt đầu về chiều, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cũng vào giờ thăm bệnh. Người ra kẻ vào tấp nập, quầy hàng ăn uống rôm rả mời chào. Nghiệp đoàn xe ôm trước cổng bệnh viện cũng bắt đầu vào giờ “cao điểm” đưa đón khách. Thế nhưng, giữa ồn ào chen chúc, một người đàn ông với bước đi run rẩy, chậm chạp chào mời khách bằng giọng nói ú ớ chẳng tròn vành rõ chữ: “Anh/chị đi về đâu, tui lấy rẻ cho” bỗng trở thành một hình ảnh đặc biệt.

Dân mạng mủi lòng trước cuộc đời buồn của chú xe ôm bị tai biến

Những suất cơm từ thiện được phát miễn phí là bữa ăn hằng ngày của chú.Những suất cơm từ thiện được phát miễn phí là bữa ăn hằng ngày của chú.

Chú là Nguyễn Ngọc Minh (sinh sống tại xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh). Trước đây chú đạp xích lô rồi chuyển dần sang nghề xe ôm, "thường trực" tại cổng Bệnh Viện Nhi Đồng 1 cũng đã 16 năm nay rồi. Trước đây, chú có một chân trong nghiệp đoàn xe ôm, thế nhưng sau chứng tai biến thập tử nhất sinh khiến sức khỏe tuột dốc, kinh tế kiệt quệ, chú chỉ lẳng lặng "đứng ké" sân đón khách mỗi chiều vì không có tiền đóng bến bãi.

Theo chú Thanh Thủy – “đồng nghiệp” của chú Minh kể lại: “ổng tốt bụng nhưng trời chẳng thương, đã không vợ con lại còn thêm căn bệnh tai biến. Mà đây có phải đầu tiên đâu, lần thứ 2 rồi chứ. Hôm đó, anh em xe ôm đang rôm rả nói chuyện, ổng đột nhiên lớ ngớ, miệng méo xệch, lưỡi thụt vô. Anh em thấy tình hình không ổn, khuyên ổng về nhà nghỉ ngơi đi. Thế là ổng một mình chạy mười mấy cây số về Bình Chánh, mua bậy bạ mớ thuốc rồi chui rúc trong nhà tự chăm sóc bản thân. Độ khoảng nửa tháng sau, chúng tôi thấy ổng quay trở lại nhưng chân đi xiêu vẹo, nói chuyện ú ớ, tinh thần cũng chẳng còn minh mẫn nhanh nhẹn như trước”.

Dân mạng mủi lòng trước cuộc đời buồn của chú xe ôm bị tai biến

Niềm vui mỗi ngày của chú là chiếc ti vi nhỏ để theo dõi tin tức, thế nhưng thời gian gần đây khi không có tiền trả tiền cáp, nhà mạng cũng cắt luôn.Niềm vui mỗi ngày của chú là chiếc ti vi nhỏ để theo dõi tin tức, thế nhưng thời gian gần đây khi không có tiền trả tiền cáp, nhà mạng cũng cắt luôn.

Tưởng đâu đã liệt nửa người vì di chứng của tai biến, thế nhưng sau những ngày "mất tích", người ta lại thấy chú Minh chậm chạp chạy chiếc xe nép vào một góc trước cổng bệnh viện, mắt đờ đẫn ngó tìm khách. “Ngày trước, mấy hôm mưa gió, buôn bán ế ẩm, tôi với chú có dừng trú mưa dưới mái hiên rồi nghe chú tâm sự chuyện đời mình. Ngày trước chú đẹp trai lắm, mắt sâu, lông mi dài cong vút, dáng người cao to, điều này thì mọi người ở đây ai cũng đều công nhận. Trước nay, tôi chỉ nghe nói “hồng nhan bạc phận” mà giờ nghiệm lại, chắc cũng đúng với đàn ông… biết đâu đời chú vì thế mà truân chuyên. Chú có 2 người vợ và 1 người con gái, nhưng giờ cũng có ai ở lại với chú đâu. Để giờ già rồi, vẫn lầm lũi một mình đó thôi” – chị Phương Anh (1988) chia sẻ.

Những ngày chứng bệnh tai biến của chú tái phát, kinh tế vốn đã eo hẹp giờ lại càng khó khăn hơn. Bởi chẳng có “thượng đế” nào dám giao sinh mạng của mình cho một người chân run, tay lái không còn vững, trí nhớ suy giảm. Và những hôm băng mười mấy cây số từ Bình Chánh lên Bệnh Viện Nhi Đồng 1 chờ đón khách đến tận tối mịt mà chẳng thu được đồng nào, đâu còn là điều hiếm hoi với chú. “Thế nhưng cũng có lần may mắn, gặp được người khách tốt bụng, thấy tôi chạy xe được nửa đường rồi không yên tâm, bắt tôi dừng xe tấp vào lề và bảo tôi ngồi yên sau để người đó chở. Đến nơi, người khách còn móc ví cho tôi 1 triệu đồng bảo tôi khám bệnh mua thuốc uống”- chú Minh chia sẻ.


Chứng tai biến đã khiến chú không còn khỏe mạnh minh mẫn để bám trụ với nghề.
Chứng tai biến đã khiến chú không còn khỏe mạnh minh mẫn để bám trụ với nghề.

Và những khó khăn cũng dần qua, sức mạnh của mạng xã hội đã phần nào giúp cuộc đời người đàn ông này mở sang một trang mới. Những ngày này, điện thoại chú liên tục rung chuông bởi những cuộc gọi động viên giúp đỡ, thậm chí nhiều người còn nhiệt tình đến tận cổng bệnh viện trao cho chú những món quà như mì, sữa, bánh ngọt... Người cho vài kí gạo, người biếu chú phong bì để dành lo thuốc thang.

Và hôm nay, ngày 12/4, được một mạnh thường quân tài trợ, chú Minh sẽ đến bệnh viện điều trị chứng tai biến của mình. Chú khoe, trong số những món quà được bà con gửi tặng, điều làm chú bất ngờ nhất là được cầm trên tay chiếc điện thoại smartphone. Có nó, chú có thể tập làm quen với công việc "xe ôm thời công nghệ", kết nối với khách dễ dàng hơn. Rõ ràng, tình người vẫn là một món quà muộn mà cuộc đời đã ưu ái ban tặng cho chú, sau những tháng ngày cùng cực đã qua.

Dân mạng mủi lòng trước cuộc đời buồn của chú xe ôm bị tai biến


Nhờ mạng xã hội, câu chuyện của chú đã được nhiều người biết đến, mang lại cho chú nhiều sự giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần.
Nhờ mạng xã hội, câu chuyện của chú đã được nhiều người biết đến, mang lại cho chú nhiều sự giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần.