Tìm hiểu truyền thuyết lễ Vu Lan và cách bày mâm cúng rằm tháng 7 thế nào cho đúng

14:35 14/08/2019

Cúng rằm tháng 7

Theo truyền thuyết dân gian, Rằm tháng 7 hằng năm là ngày Xá tội vong nhân (Ngày các vong linh được thả khỏi cổng ngục để quay về trần gian), cũng là ngày Vu lan báo hiếu. Chính vì thế Rằm tháng 7 là một trong những ngày quan trọng nhất năm trong văn hoá thờ cúng của người Việt. Vào ngày này, hầu hết các gia đình sẽ bày mâm cúng Phật, gia tiên và chúng sinh để bày tỏ lòng tưởng nhớ ông bà, cũng như để cầu cho gia đình bình an.

Dù đã rất phổ biến và trở thành một trong những truyền thống của người Việt Nam từ rất lâu, nhưng cúng Rằm tháng 7 thế nào cho đúng không phải ai cũng biết.

 
Hình minh họa: Mâm cơm cúng gia tiên trong ngày Rằm tháng 7
Hình minh họa: Mâm cơm cúng gia tiên trong ngày Rằm tháng 7

Chi tiết mâm cúng rằm tháng 7 và một số lưu ý cần thiết

Từ những điển tích khác nhau mà ngày lễ Vu Lan báo hiếu và Xá tội vong ân đều được tổ chức vào ngày Rằm tháng 7, vì thế vào ngày này các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng Phật, cúng gia tiên trong nhà và chúng sinh ở ngoài.

  • Mâm cúng Phật: chỉ gồm đồ chay, chè hoặc hoa quả đơn giản, không quá cầu kỳ. 

  • Mâm cúng gia tiên: có thể đồ mặn hoặc đồ chay, cùng tiền vàng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cường (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam), trong những ngày này, các gia đình không nên đốt quá nhiều vàng mã, mà chỉ nên hóa 9 lễ tiền vàng và thấp nhất là 3 lễ, một bộ quần áo, để đổi lấy sự yên tâm, thanh thản trong tâm hồn. (Trích dẫn)

  • Mâm cúng chúng sinh: thường các gia đình sẽ cúng chúng sinh/cô hồn vào xẩm tối ngày 14/15 âm lịch trước sân nhà hoặc cửa nhà chính. Và mâm cúng bao gồm những lễ vật sau:

  1. Muối gạo: 1 đĩa 
  2. Cháo trắng nấu loãng: 12 chén nhỏ 
  3. Hoa quả: 5 loại 
  4. Đường thẻ: 12 cục
  5. Quần áo chúng sinh 
  6. Bỏng ngô, bánh kẹo, tiền vàng 
  7. Nước: 3 ly 
  8. Nhang: 3 cây 
  9. Nến: 2 cây

Sau khi đã bày mâm cúng đầy đủ, gia chủ thắp hương và đọc các bài văn khấn hoặc tùy tâm mà khấn. 

 
Hình ảnh minh họa: Mâm cúng chúng sinh
Hình ảnh minh họa: Mâm cúng chúng sinh

*Lưu ý: 

  • Không dùng đồ mặn cúng vì theo tín ngưỡng sẽ khơi dậy tham, sân, si của chúng sinh.
  • Trên mâm cúng, tiền vàng được rải ra 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương.
  • Tuyệt đối không nên để trẻ em, phụ nữ mang thai và người già đến gần lễ cúng để tránh bị chúng sinh quấy rối, trêu chọc.
  • Khi lễ cúng kết thúc, gạo và muối được vãi từ sân rồi ra đường để tiễn cô hồn, sau đó đốt vàng mã.
  • Ở một số địa phương, vào thời điểm cúng chúng sinh, sẽ có trẻ em đến giật đồ cúng (gọi là giật cô hồn), nếu đang cúng mà bị giật thì đây là điềm may của gia chủ.

>>> Bạn có biết: Sau khi cúng cô hồn có được ăn không?

Vậy vì sao ngày lễ Vu Lan và ngày Xá tội vong ân lại diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 hằng năm? Cùng YAN tìm hiểu điển tích dưới đây để hiểu rõ hơn.

Tìm hiểu truyền thuyết ngày lễ Vu Lan

Sự tích xa xưa kể lại rằng, Đại Đức Mục Kiền Liên khi đã tu luyện được nhiều phép thần thông thì nhớ đến người mẹ đã qua đời - Thanh Đề và muốn biết hiện giờ bà ở đâu, như thế nào. 

Thế là ông đã dùng mắt phép nhìn khắp thế gian thấy mẹ mình đang ở cõi quỷ bị đói, khát khổ sở vì nghiệp báo. Sau đó, ông đã mang cơm đến dâng cho mẹ, nhưng vì lâu ngày đói khát mẹ ông đã dùng tay che bát cơm để tránh cô hồn khác tranh cướp, vì thế bát cơm đã hóa thành lửa đỏ khi đưa lên miệng.

Tìm hiểu truyền thuyết lễ Vu Lan và cách bày mâm cúng rằm tháng 7 thế nào cho đúng

Đại Đức Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để giúp mẹ mình. Theo lời Phật dạy: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm như lời dạy, Mục Kiền Liên đã cứu được mẹ.

Cũng theo lời Phật: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Vì thế lễ Vu Lan ra đời và được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (cũng như tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Tìm hiểu truyền thuyết lễ Vu Lan và cách bày mâm cúng rằm tháng 7 thế nào cho đúng

Vào ngày này, ngoài việc cúng mâm cỗ tại nhà, các gia đình thường đến chùa để dự lễ Vu Lan. Trong lễ Vu Lan, có ý nghĩa dành cho mẹ, ai còn mẹ sẽ cài bông hồng đỏ trên áo, ai mất mẹ sẽ cài bông hồng trắng, tới chùa cầu kinh để linh hồn mẹ được an lành, siêu thoát.

>>> Xem thêm: Là người Việt, nhất định bạn phải biết những điều này trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu

 
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”

Truyền thuyết ngày Xá tội vong ân

Có nhiều chuyện kể khác nhau về nguồn gốc của ngày Xá tội vong ân vào Rằm tháng 7 hằng năm. Theo tín ngưỡng dân gian, vào ngày này các vong hồn vất vưởng nơi trần thế sẽ được bắt cầu siêu độ. Cũng có ý kiến, đây là ngày cõi âm mở cửa ngục để các linh hồn có thể siêu thoát.

Tìm hiểu truyền thuyết lễ Vu Lan và cách bày mâm cúng rằm tháng 7 thế nào cho đúng

Còn có một truyền thuyết khác là: Khi phật A Nan Đà đang ngồi trong tịnh thất, thì có một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) đến báo rằng 3 ngày nữa người sẽ chết và thành quỷ đói. Còn chỉ rõ để sống, ngài chỉ có thể cho quỷ đói thức ăn. Ngoài ra, ngài còn được Phật truyền cho bài chú tụng trong ngày lễ cúng là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni".

Qua bài viết này chắc hẳn các bạn đã biết cúng Rằm tháng 7 thế nào cho đúng rồi nhỉ, hy vọng đã cung cấp một số thông tin có ích cho bạn. Dù xuất phát từ truyền thuyết nào, Rằm tháng 7 là một trong 4 ngày rằm lớn bên cạnh Rằm tháng giêng, Rằm tháng 4 (lễ Phật Đản), Rằm tháng 8 (Trung Thu), có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, thể hiện tấm lòng của con cháu hướng về cha mẹ, ông bà, cũng như tấm lòng nhân ái dành cho chúng sinh/cô hồn không nơi nương tựa, không người thân. Vì thế dù bận rộn đến đâu, bạn cũng hãy dành ít thời gian bên gia đình để chuẩn bị chu đáo cho ngày này.

Nguồn ảnh: Internet

Những ngôi chùa nổi tiếng bạn có thể tham dự lễ Vu Lan 2019

1.Chùa Bái Đính, Ninh Bình

2. Chùa Côn Sơn, Hải Dương

3. Chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM

4. Chùa Bà Thiên Hậu, Bình Dương

6. Chùa Đại Tòng Lâm, Bà Rịa - Vũng Tàu

7. Chùa Xá Lợi, TP.HCM

Các bạn đừng quên theo dõi YAN để cập nhật những sự tích và cách bày mâm cúng những ngày lễ lớn trong năm nhé!