Báo Thanh Niên đưa tin, tại họp báo do Thành ủy UBND Thành phố Hà Nội tổ chức, ông Chử Xuân Dũng, phó chủ tịch UBND thành phố đã chính thức thông báo, 20/9 là ngày cuối cùng của đợt giãn cách thứ 4. Từ 6h sáng ngày 21/9, địa phương sẽ có những định hướng mới trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Ông Dũng nhận định, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn, nhất là các chùm ca bệnh, một số khu vực mật độ dân cư đông, ngõ chật hẹp… Do đó, việc nới lỏng các hoạt động sau giãn cách phải thực hiện rất chặt chẽ.
Người di chuyển trên đường sẽ không còn bị yêu cầu kiểm tra giấy đi đường. (Ảnh: VTC)
Định hướng lớn sau 21/9, Hà Nội sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển trên địa bàn thành phố. Đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát việc di chuyển, không phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Những điểm đang bị phong tỏa trong thành phố vẫn sẽ tiếp tục duy trì. Việc truy vết các F0 phát sinh phải được thực hiện thần tốc, cách ly các nguồn lây trong cộng đồng.
Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo phòng chống dịch theo yêu cầu của thành phố. Những nơi là ổ dịch, nguy cơ cao sẽ điều chỉnh hoạt động, bám sát thực tiễn để linh hoạt giữa Chỉ thị 15, 16 và 19.
Hoạt động bán hàng ăn đã mở trở lại và chỉ bán mang về. (Ảnh: Báo Giao Thông)
Mặt khác, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội tham mưu tiếp tục duy trì 23 chốt tại cửa ngõ Thủ đô để kiểm soát người ra vào thành phố. Việc kiểm tra vẫn sẽ tiến hành chặt chẽ như hiện tại.
Trong nội đô, vận tải hành khách công cộng đi và đến Hà Nội cũng như trên địa bàn Hà Nội chưa được hoạt động trở lại. Song chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa với vận chuyển hàng hóa để đảm bảo chuỗi cung ứng, phối hợp với Sở Công thương để phục vụ lưu thông hàng hóa bán lẻ cho đời sống.
Shipper công nghệ dự kiến cũng sẽ hoạt động trở lại. (Ảnh: Thương Trường)
Sở Giao thông vận tải đang nghiên cứu cho phép một số shipper công nghệ làm việc trở lại với số lượng phù hợp, song song cùng shipper của các công ty bưu chính, sàn thương mại điện tử, các siêu thị. Điều này là để giải quyết vấn đề công ăn việc làm cũng như phù hợp với việc bán hàng mang về.
Dù đã mở lại nhiều hoạt động nhưng thành phố vẫn khuyến cáo mọi người chỉ nên ra ngoài khi thực sự cần thiết. Không tập trung đông người và phải thực hiện nghiêm túc 5K.
Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội từ ngày 24/7 và đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực. Nếu trong đợt đầu giãn cách, trung bình mỗi ngày ghi nhận 71,2 ca mắc mới thì sang đến đợt giãn cách thứ 4, con số giảm xuống còn 25-27 ca/ngày.
Những khu vực đang phong tỏa vẫn sẽ duy trì. (Ảnh: Vietnamplus)
Đến ngày 15/9, thành phố đã đạt tỉ lệ 93% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Hơn 4 triệu người được xét nghiệm để tách F0 ra khỏi cộng đồng và tỉ lệ ca mắc ngoài cộng đồng giảm xuống còn dưới 10%.
Thông tin Hà Nội chính thức kết thúc đợt giãn cách thứ 4 khiến dân tình sinh sống ở thủ đô vô cùng phấn khích, vui mừng. Hi vọng mỗi người sẽ tự nâng cao ý thức phòng chống dịch để tình hình ngày càng trở nên khả quan hơn trong thời gian tới.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
NHỮNG ANH HÙNG TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH: VÌ DÂN QUÊN MÌNH!
Tại tọa đàm "Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu", Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - Phó Giáo sư Phạm Thị Thanh Bình đã nhắc tới con số 2.380 nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 trong quá trình hỗ trợ điều trị và chăm sóc F0. Theo bà Bình, con số này có lẽ còn tăng.
Rất nhiều nhân viên y tế trong quá trình làm việc phải rời xa gia đình để nỗ lực cống hiến. Nhiều khi nhớ nhà, nhớ người thân đến phát khóc nhưng họ luôn tâm niệm, đã chọn nghề này thì phải chấp nhận hi sinh.
Thậm chí khi gia đình có chuyện, người thân ra đi, họ cũng chỉ có thể nén nỗi đau để tiếp tục công việc. Còn rất nhiều người cần họ chăm sóc nên các y bác sĩ, nhân viên y tế luôn cố gắng mạnh mẽ, lạc quan để chiến đấu với dịch bệnh.