Cụ bà 72 tuổi nhặt ve chai nuôi chú chó 4 năm trời: Coi như cháu ruột

16:30 14/04/2022

Khi mặt trời khuất sau những tòa nhà cao tầng, đó cũng chính là lúc những mảnh đời nghèo khó gặp nhau. Thời khắc ánh đèn đường sáng lên trên cầu Ông Lãnh, tôi bắt gặp được hai "bà cháu". Người bà ngồi mệt mỏi dựa vào lan can, kế bên là chú chó màu vàng tên Sushi đang hí hửng làm trò cho bà vui. Hai gam màu đối lập nhau nhưng hòa quyện vào lại điểm thành bức tranh cuộc đời đẹp đẽ đến lạ. 

 
Cặp "bà cháu" đang âu yếm nhau trên cầu Ông Lãnh giữa trời đêm Sài Gòn điểm chút lạnh.
Cặp "bà cháu" đang âu yếm nhau trên cầu Ông Lãnh giữa trời đêm Sài Gòn điểm chút lạnh.

Người phụ nữ già có đôi mắt ấm áp đang ngồi dựa vào thành cầu ấy là bà Hoa, năm nay đã 72 tuổi. Bà chọn nghề nhặt ve chai để mưu sinh do bị viêm khớp nặng, không thể làm những việc cần nhiều sức. Bà vừa kể vừa cười, chỉ có chúng tôi là mang chút chạnh lòng. Thật sự ở độ tuổi này, điều mà bà lão đáng ra phải nhận được là sự yên ấm bên gia đình, con cháu vây quanh, chứ không phải lang thang trên từng nẻo đường để kiếm sống ngày qua ngày.

 
Do bị khớp và bị thương ở chân, bà Hoa chỉ có thể mưu sinh bằng việc nhặt ve chai.
Do bị khớp và bị thương ở chân, bà Hoa chỉ có thể mưu sinh bằng việc nhặt ve chai.

"Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo", người ta vẫn hay nói vui như vậy nhưng thật sự nếu đã từng một đêm chứng kiến những người nhặt ve chai lê mỗi bước chân nặng trĩu trong đêm dài lạnh lẽo bao trùm từng góc phố, ta mới phần nào hiểu được cái "lệ", cái sự cô đơn mà Sài Gòn luôn âm ỉ. Trớ trêu thay khi bà Hoa lại phải lâm vào tình cảnh này khi đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời, nhưng cũng thật may mắn thay khi bên bà còn có Sushi.

 
Thật may mắn khi số phận vẫn chưa đến nỗi cho bà phải chịu cảnh cô đơn vì luôn có một "đứa cháu" bên mình.
Thật may mắn khi số phận vẫn chưa đến nỗi cho bà phải chịu cảnh cô đơn vì luôn có một "đứa cháu" bên mình.

Được người khác tặng lại khi "cậu nhóc" này mới lọt lòng tại Vĩnh Long, đến nay bà Hoa cùng Sushi đã bên nhau kề cạnh được 4 năm. Đó cũng là khoảng thời gian mà nỗi cô đơn như vơi bớt trong lòng người phụ nữ già. Lúc nào hai bà cháu cũng quấn quít có nhau đi qua bao nẻo đường của Sài Gòn. Bà Hoa thương "đứa cháu" 4 chân này lắm, toàn phải theo sát, sợ "thằng nhỏ" đi lạc hoặc kẻ gian bắt mất.

 
Bà Hoa lúc nào cũng sát bên "đứa cháu" nhỏ 4 chân của mình.
Bà Hoa lúc nào cũng sát bên "đứa cháu" nhỏ 4 chân của mình.

Không thể phỏng vấn chú chó nhưng chúng tôi phần nào cảm nhận được sự vui vẻ khi được ở cạnh bà của Sushi. Nhìn cái bộ "chàng" ta thè lưỡi, rối rít chạy tới chạy lui khi có người đến gần, lâu lâu lại quay sang "hôn" nhẹ bà Hoa một cái, trông chẳng khác nào đứa cháu nịnh bà khi khách tới thăm.

 
Sushi vui vẻ mỗi khi ở cạnh và được bà vuốt ve, ôm ấp.
Sushi vui vẻ mỗi khi ở cạnh và được bà vuốt ve, ôm ấp.

 
Sushi rất biết nghe lời, lúc nào cũng theo sát xe ve chai của bà Hoa.
Sushi rất biết nghe lời, lúc nào cũng theo sát xe ve chai của bà Hoa.

Đôi khi chúng ta sống cả đời chỉ mong rằng, khi mình già đi sẽ có con có cháu để nương tựa, coi là niềm vui tuổi xế chiều. Một thân một mình bà lại chỉ có thể cầu cạnh bên chú chó nhỏ. Nhưng có lẽ với bà lão ve chai, bấy nhiêu cũng đã là hạnh phúc. Bà nói mùa dịch này ai cũng khó khăn cả, Sushi nó biết nên ngoan lắm, nó dễ nuôi, cho gì thì ăn nấy rồi cứ vậy mà cùng bà sống qua những ngày Sài Gòn "đổ bệnh".

 
"Đứa cháu" 4 chân bên bà Hoa trong suốt thời gian Sài Gòn "đổ bệnh".
"Đứa cháu" 4 chân bên bà Hoa trong suốt thời gian Sài Gòn "đổ bệnh".

Chúng tôi nhìn ra rất rõ niềm vui nhỏ này từ bà cụ 72 tuổi. Cứ mỗi khi nói về Sushi, mắt bà sẽ lại ánh lên niềm hạnh phúc khó tả, ánh mắt mà chắc nhiều người từng nhìn qua được khi ông bà kể về mình cho những bà hàng xóm nghe. "Cứ len lén là lại 'hun' bà ngoại. Ngồi gần cứ 'hun' hoài sao bà ngoại chịu" - bà vừa kể vừa cười hiền, chú chó như cũng hiểu được bà trêu nên thè lưỡi, ngoe nguẩy đôi tai, xoay đầu về phía bà để được cưng nựng.

 
"Nói người ta cho quà nhớ hun người ta là chạy tới hun liền" - bà Hoa vui vẻ nói về Sushi cùng sự tự hào hiện rõ trong ánh mắt.
"Nói người ta cho quà nhớ hun người ta là chạy tới hun liền" - bà Hoa vui vẻ nói về Sushi cùng sự tự hào hiện rõ trong ánh mắt.

 
"Người ta trả 10 triệu nhưng mình không bán. Nghèo thì nghèo thiệt nhưng mà nuôi nó mỗi ngày thành quen rồi" - bà Hoa nhất quyết không bán đi chú chó mình xem như người thân.
"Người ta trả 10 triệu nhưng mình không bán. Nghèo thì nghèo thiệt nhưng mà nuôi nó mỗi ngày thành quen rồi" - bà Hoa nhất quyết không bán đi chú chó mình xem như người thân.

Con người thường định nghĩa hạnh phúc như một thứ gì đó rất khó tìm, khó chạm tới rồi từ đó mà điên cuồng tìm kiếm niềm vui hão huyền xa xôi. Nhưng đối với các cụ ông, cụ bà, hạnh phúc đối với họ đôi khi chỉ đơn giản là lúc họ mệt mỏi về tuổi già nhất, buồn bã nhất sẽ có một người bạn, không nói cũng được, cạnh họ là được.

Cảm ơn người bạn nhỏ 4 chân đã luôn ở cạnh bà những lúc khốn cùng. Cầu mong 2 bà cháu sẽ luôn vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc như vậy!

Xem thêm những câu chuyện cổ tích đời thường khác tại YAN.

GIÁNG SINH BUỒN CỦA CỤ GIÀ 51 NĂM LÀM NGHỀ CHỤP ẢNH SÀI GÒN

Thời điểm mùa Giáng Sinh gần tới vừa qua, song song với sự rực rỡ hiện đại của những ánh đèn lấp lánh tại khu trung tâm thương mại là những con người mang theo những chiếc máy ảnh cũ kỹ lặng lẽ lưu giữ lại từng nhịp thay đổi của Sài Gòn.

Trong cái thời tiết lạnh se se và không gian dày đặc những ánh đèn rực rỡ tô điểm cho không khí ấm cúng và vui vẻ của đêm Giáng sinh, đâu đó trên những con đường tấp nập, phía trước trung tâm thương mại chúng tôi bắt gặp bác Liêm - người đàn ông đã gần 80 tuổi nhưng vẫn gắn bó không rời với công việc chụp ảnh dạo, cống hiến hơn 51 năm sống trên đời cho nghiệp lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp đẽ của Sài Gòn.