Không cần dùng đến xi măng, vôi vữa, cũng chẳng cần phải có bay xây hay dùi cưa mũi đục, các loài động vật bằng sự tài tình và cần mẫn của mình đã xây nên những nơi trú ẩn an toàn, đồng thời là kiệt tác kiến trúc mà con người phải nể phục.
Chim Vogelkop - Loài chim này được mệnh danh là "nhà kiến trúc đại tài" trong thế giới động vật. Những chú chim trống Vogelkop sẽ thu nhặt cỏ, cành cây nhỏ từ nhiều nơi về xây tổ để... thu hút con mái. Nơi chúng chọn để "đặt móng xây nhà" thường là những nền đất rộng, khô thoáng.
Tổ chim Vogelkop không chỉ thu hút ở bề ngoài ấn tượng mà còn gây bất ngờ với "thiết kế nội thất" hoàn hảo nhất thế giới động vật.
Bên trong "mái nhà", những chú chim trống mang về nhiều loại hoa quả, bọ cánh cứng và các đồ trang trí đầy màu sắc sặc sỡ được sắp xếp có rất nghệ thuật để thu hút bạn tình.
Thiết kế tổ của chim Vogelkop rất thân thiện với thiên nhiên lại bảo vệ môi trường, xứng đáng là "kiệt tác kiến trúc" mà con người phải nể phục.
Dù "ngôi nhà" rực rỡ sắc màu, ấm cúng và tiện nghi như vậy, chim mái loài này lại từ chối dùng làm chỗ nuôi con.
Kiến Weaver (Kiến Thợ Dệt) - Loài kiến này sống ở Trung Phi và Đông Nam Á. Kiến Weaver thường đan những chiếc lá còn xanh tươi lại với nhau và kết chúng lại bằng một loại "keo dính" đặc biệt lấy từ tơ ấu trùng để làm tổ.
Loại "keo dính" này vừa có tính kết dính cao lại vừa mềm mại, co giãn tốt như cao su, do đó tổ kiến Weaver rất chắc chắn mà cũng không kém phần nghệ thuật.
Loài kiến này phân chia công việc dựa trên sự khác biệt về kích thước. Kiến thợ lớn tìm thức ăn, bảo vệ và mở rộng phạm vi lãnh thổ trong khi kiến thợ nhỏ ở lại xây tổ và bảo vệ khu vực quanh tổ.
Chim sẻ Ploiceidae - Loài chim này có hình dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, sinh sống chủ yếu tại bình nguyên khô cằn, nơi tiếp giáp biên giới giữa Nam Phi và Namibia. Chim Ploiceidae thường xây những cái tổ rất lớn để có thể ở chung một đại gia đình nhiều thế hệ lên đến hàng trăm con.
Chúng lựa chọn những nhánh cây hay cột điện chắc chắn để xây bộ khung cho tổ. Sau đó, các thành viên cùng chung tay lợp tổ bằng cỏ khô, lông chim, sợi bông, rơm dạ,... và ngăn thành từng gian nhỏ.
Mỗi gian nhỏ đều có cửa vào riêng và là nơi cư trú của 3-4 chú chim.
Vào mùa đông, nhiệt độ bên ngoài có thể giảm xuống âm độ nhưng trong tổ của chim Ploiceidae vẫn rất ấm, tầm khoảng 21-24 độ C. Còn về mùa hè nóng bức, nhiệt độ trong phòng các chú chim vẫn mát mẻ như thường.
Mối La Bàn - Những "ngôi nhà khổng lồ" xây trùng với từ trường Trái Đất một cách kì lạ của mối La Bàn được tìm thấy ở khu vực phía Bắc nước Úc, trong vườn quốc gia Litchfield, gần thị trấn Batchelor.
Những tổ mối này nhìn từ xa giống các tấm bia mộ nhưng khi tới gần, bạn khó có thể tưởng tượng kích thước của nó lại cao đến 3m.
Về câu hỏi tại sao loài mối này lại xây tổ hướng về phía Nam và Bắc như kim la bàn, một giả thuyết cho rằng "các kiến trúc sư" mối đã khôn ngoan lường trước được khí hậu nóng ngày lạnh đêm ở khu vực mà chọn hướng nhà tốt nhất, phù hợp với khí hậu nơi đây.
Chim sẻ Lò Đỏ Nam Mỹ - Với kĩ thuật "xây nhà" vô cùng độc đáo, loài chim này được mệnh danh là "thợ xây nhà số 1" trong thế giới động vật. Những chiếc tổ trông như lò nướng này được chim sẻ lò đỏ khéo léo đắp dựng từ hỗn hợp bùn, phân bò trộn với rơm, tóc. Sau đó, chúng tận dụng ánh sáng mặt trời để làm khô "tổ ấm" của mình.
Không chỉ "xây nhà" giỏi, loài chim này còn rất tinh tế trong việc tôn trọng sự riêng tư. Mỗi tổ chim thường có vách ngăn, chia thành hai gian gồm gian sinh hoạt chung và buồng sinh nở cho chim cái.
Chim sẻ Thợ Dệt Baya - Loài chim này được tìm thấy chủ yếu ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Chúng thường xây tổ trên những cành cây gai nhọn hoặc treo lơ lửng trên mặt nước để tránh bị thú săn mồi tấn công.
Bên cạnh những cọng cỏ xanh tươi, chim Baya còn tận dụng rơm, cỏ khô làm vật liệu xây tổ.
Những chiếc tổ được đan tỉ mỉ, cẩn thận, không có một cọng rơm thừa của chúng xứng đáng được liệt vào danh sách "kiệt tác nghệ thuật kiến trúc động vật".
Ong Vò Vẽ - Loài vật này thường làm tổ ở nơi lộ thiên, trên cành cây, bụi rậm hoặc ngay trên mái nhà. Chúng lấy bột gỗ kết hợp với nước bọt tạo thành những viên giấy nhỏ đem về nơi chọn làm nhà rồi trải mỏng ra, cứ thế đắp dần thành tổ.
Tổ ong Vò Vẽ trông bên ngoài như một quả cầu với nhiều mái vòm tí hon.
Chim Vàng Anh Montezuma - Tương tự các loài chim khác, Vàng Anh Montezuma cũng xây tổ bằng các loại cỏ và rơm nhặt về. Tuy nhiên, chiếc tổ của chúng có phần thưa và mỏng manh hơn.
Hàng trăm chiếc tổ của chim vàng anh Montezuma treo lủng lẳng trên một thân cây, tất cả do một con chim đực đầu đàn thống trị.
Ong Bắp Cày - Loài động vật khét tiếng hung hãn nhưng đồng thời cũng là một "kiến trúc sư" đáng nể phục. Những chiếc tổ của chúng được xây rất nghệ thuật với nhiều lớp vỏ uốn lượn như một đóa hồng đang e ấp.
Chim Nhạn - Loài này thường làm tổ trong các thành phố, thị trấn và làng mạc. Tổ của chúng khá nông, hình cái chén và được đắp bằng các viên bùn gắn lên tường, mái nhà.
Chim Nhạn gần biển bằng cách đào hang trên vùng đất mềm ven sông hoặc vách đá ven biển. Chúng thường xây tổ gần nhau, liên kết lại trông rất độc đáo.
Hải Ly xây tổ chìm dưới nước nhằm tránh kẻ thù, thường chọn "đặt móng" ở khu vực hai bên bờ sông hay những khu rừng sâu.
Cuối cùng là "ngôi nhà trong mơ" đầy màu sắc của sâu bọ cánh lông, một tác phẩm nghệ thuật được thiết kế như một chiếc áo dạ hội sang trọng ngay trên mình chúng.
(Ảnh: Internet)