Theo các chuyên gia, Trái đất sẽ bước vào thời kì tồi tệ nhất lịch sử hình thành chỉ trong vòng 12 năm nữa nếu con người không nỗ lực hơn các chiến dịch ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Dù các phương tiện truyền thông đại chúng ngày ngày ra rả về vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng xem ra, đó vẫn là khái niệm có phần... xa lạ đối với đa số người dân sống trên Trái đất này. Đó là điều khó trách, bởi tâm lí con người thường bàng quan với những hệ quả nằm ở tương lai xa khi họ chưa mắt thấy tai nghe.
Các chuyên gia môi trường khẳng định, nếu thái độ thờ ơ với môi trường vẫn tiếp tục diễn ra thì chỉ trong vòng 12 năm tới, con người sẽ đưa Trái đất bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của đại họa. Cụ thể, vào ngày 8/10 vừa rồi, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã báo cáo tình hình của hành tinh xanh đang gói gọn trong 3 chữ "rất tồi tệ". Vào đầu năm 2030, Trái đất sẽ ấm nóng hơn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Băng tan do nền nhiệt toàn cầu tăng, chú gấu đáng thương đang mất dần đi nơi sống
Bạn cho rằng 1,5 độ C không nhiều, cùng lắm chỉ như mùa hè nóng hơn một chút?
Trên thực tế, nền nhiệt trung bình tăng lên 0,5 độ C cũng đã kéo theo một loạt hệ lụy khủng khiếp, liên quan tới mực nước biển dâng, nguồn nước ngọt và lương thực tại nhiều quốc gia nhiệt đới bị sụt giảm, kéo theo việc thiếu lương thực của cả trăm triệu người. Bạn thấy đấy, hậu quả của nó lớn tới mức đa số chúng ta đều không đủ sự sâu rộng trong kiến thức để lường được hết.
Trong báo cáo tại Liên Hợp Quốc, các chuyên gia khẳng định, 1,5 độ C chính là câu chót cho "tối hậu thư" gửi tới con người. Chúng ta chỉ còn 12 năm để làm mọi cách nhằm ngăn chặn sự thay đổi khí hậu khủng khiếp này.
Nếu Trái đất nâng nền nhiệt trung bình thêm 1,5 độ C, những đợt nắng nóng cực điểm như mùa hè vừa rồi (nhiệt ngoài trời cao tới mức chảy nhựa đường, chảy lốp ô tô, nướng chín cả thịt...) sẽ kéo dài hơn. Băng tan, nước biển dâng lên nhưng làm suy giảm lượng nước ngọt, dẫn tới hạn hán kéo dài vì mưa ít. Một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ kéo tới, như trận mưa bão kinh hoàng ở Harvey và Florence (Mỹ) chẳng hạn.
Vào năm ngoái tại Anh, nhựa đường chảy ra "nhão nhoẹt" tới mức người ta viết cả chữ "hot" lên mặt đường nhựa ở phố Duke, thành phố Castlefield
Báo cáo cũng vạch ra rằng lượng khí CO2 do con người thải ra sẽ phải giảm khoảng 45% vào năm 2030, lùi về mức 0 vào năm 2050. Thế nhưng với tình hình công nghiệp hóa như hiện nay, diễn biến tươi đẹp nào sẽ tới với Trái đất, hay nói cách khác, là thế hệ sau của chúng ta?
Tham khảo UN