"Thước đo của cuộc đời không phải là thời gian mà là sự cống hiến" - Peter Marshall
33 tuổi, sống tại TP. HCM, chị Giang Thị Kim Cúc đang điều hành nhóm “Mai táng 0 đồng” để hỗ trợ bà con trong mùa dịch. Và cô con gái Gia Hân 14 tuổi của chị, người luôn trực tiếp chứng kiến mẹ đi vào điểm nóng, cũng đã trải qua nhiều cảm xúc đặc biệt ở những ngày này.
Chị Cúc và cô con gái bé nhỏ - Ngọc Hân.
Điểm tựa chiến binh hôm nay sẽ cùng trò chuyện với “chiến binh nhí” này về những gì diễn ra phía sau công việc của chị Cúc.
Với mình, mẹ là cả bầu trời
* Được biết, việc làm từ thiện của mẹ Cúc luôn có sự đồng hành và ủng hộ từ bạn. Hành trình đó diễn ra thế nào?
Cách đây 5 năm, mẹ mình tham gia làm từ thiện bằng các hoạt động như: tặng cơm, quần áo, hỗ trợ học phí, dựng nhà cho người nghèo… Sau đó, mẹ trở thành một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức Trash Packers (Người đi nhặt rác) để nhân rộng phong trào bảo vệ môi trường trên cả nước.
Thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP.HCM, mẹ đảm nhận vai trò trưởng nhóm cứu trợ những gia đình không may có F0 qua đời và thường xuyên lái “xe cứu thương 0 đồng” đưa đón bệnh nhân. Rồi, mẹ cũng gắng tìm kiếm các hoàn cảnh khó khăn đểtrực tiếp giúp đỡ hoặc kết nối họ với nhiều nhà hảo tâm khác.
Với Hân, mỗi lần làm việc thiện, mẹ luôn hăng hái và nhiệt huyết. Ngay cả trong trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay, Hân cũng chưa bao giờ thấy mẹ chần chừ khi tới các điểm phong toả hay gặp gỡ những F0…
Chị Giang trên chiến xe thiện nguyện, chuẩn bị đi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
*Cảm xúc của Hân khi thấy mẹ được nhiều người coi là một Mạnh Thường Quân của Sài Gòn?
Từ lâu, Hân đã theo chân mẹ đến các địa phương lân cận để làm từ thiện. Sau mỗi lần gặp gỡ, giúp đỡ các trường hợp cần cứu trợ, chứng kiến giọt nước mắt xúc động và lời cảm ơn từ họ, Hân càng thêm trân trọng và tự hào về điều mẹ làm. Mẹ có thể vẫn còn nhỏ bé ở ngoài xã hội, nhưng với một cô bé 14 tuổi như Hân, bà là cả bầu trời.
Hân cũng rất vui khi ở địa phương, ai cũng biết đến cái tên Kim Cúc. Biết mẹ thường xa nhà để đi hỗ trợ bà con, mình luôn được hàng xóm hỏi han, động viên. Với họ, việc quan tâm tới cô con gái nhỏ như mình là một cách ủng hộ sứ mệnh của mẹ Cúc.
Động lực để chị Cúc cố gắng là sự tin tưởng và đồng lòng của cô con gái nhỏ ở phương xa.
Mẹ hiểu hết những gì mình nghĩ
*Việc sống xa mẹ với một cô gái chỉ mới 14 tuổi có gặp nhiều trở ngại không?
Mình đang ở độ tuổi gặp khá nhiều bất ổn về tâm lý nên cũng khó tránh khỏi những cảm xúc không mấy tích cực. Hân từng phải đón nhiều sinh nhật vắng mẹ, hoặc không có bà ở cạnh lúc ốm đau. Hồi đó, mình tủi thân nhiều, lần nào gọi điện cũng bật khóc nức nở. Thú thật, dù luôn nói con ổn, nhưng bên trong Hân vẫn có những cảm xúc của một cô bé mới lớn.
Nhưng, mỗi ngày trôi qua, Hân dần hiểu về sứ mệnh mẹ đang theo đuổi. Từ đó, mình luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan. May mắn là bất kì khi nào có thời gian rảnh, mẹ đều cố bù đắp cho Hân cả về tinh thần lẫn vật chất. Tuy không quá giàu sang do phần lớn tiền bạc đều dành để gửi tặng người dân, song bà chưa bao giờ để con gái thiếu thốn điều gì. Hân cũng luôn tự nhủ phải gắng trưởng thành sớm để làm chỗ dựa vững chắc cho bà yên tâm giúp đỡ cộng đồng.
Bộ đồ bảo hộ quen thuộc của chị Cúc cùng các cộng sự trong những ngày dịch bệnh bùng phát.
*14 tuổi đã phải tự lập, Hân có thể kể về một khoảnh khắc khiến mẹ an lòng trong khoảng thời gian xa nhau?
Từ khá lâu rồi mình luôn sống tự lập, bởi đây là cách duy nhất giúp mẹ bớt vướng bận gia đình, chú tâm đi làm thiện nguyện.Mới đây, cụ mình qua đời khi mẹ đi chống dịch không thể về, chính Hân là người thay bà thắp hương, khấn vái, cùng gia đình lo đám tang chu toàn cho cụ. Thấy cô bác buồn, Hân cũng ở bên động viên, chăm sóc vì tin rằng, nếu mẹ ở nhà, bà cũng sẽ làm những điều tương tự.
Nói chung, cố gắng nhiều thành quen, bây giờ việc học tập đến rèn luyện, làm việc nhà… mình đều có thể tự thực hiện mà không cần ai giúp đỡ. Việc “cố trưởng thành” sớm với một cô bé đang học cấp 2 quả thực khó, nhưng không có gì là không thể nếu ta cố gắng.
Ngọc Hân luôn ở phía sau ủng hộ mẹ.
*Ngày biết mẹ lên đường vào “điểm nóng” chống dịch, cảm xúc của Hân ra sao?
Trước khi quyết định vào tâm dịch, bà hỏi mình có bằng lòng xa mẹ vài tháng hay không. Giây phút đó Hân rất buồn, nước mắt rơi liên tục nhưng vẫn gật đầu cố mỉm cười.
Ngày lên đường, hai mẹ con ôm chặt nhau khóc rất nhiều. Mẹ nói thương và yêu con gái vô cùng, nhưng cũng rất nặng lòng với những người vô gia cư, người lang thang, cơ nhỡ… ngoài kia. Con gái của mẹ may may mắn có cha và ông bà ở bên, nhưng cuộc sống của họ thì vô cùng bấp bênh. Nếu chính quyền địa phương và mọi người không kịp biết đến và giúp đỡ, họ sẽ vất vả nhiều lắm.
Thấy số ca F0 cộng đồng tại TP.HCM tăng lên mỗi ngày, tỉ lệ người tử vong cũng đáng báo động, Hân và gia đình đều lo lắng. Nhưng mỗi lần gọi điện, mình chỉ có thể nhắn nhủ “Mẹ gắng lên, đi là phải về, con yêu mẹ!”. Chẳng biết nói gì hoa mỹ, nhưng chắc chắn rằng, mẹ hiểu hết những điều Hân đang nghĩ. Và vì thương con, Hân tin mẹ sẽ cố gắng bảo vệ bản thân, không để dịch bệnh đánh gục.
Mẹ Cúc luôn cố bù đắp cho Hân khi có thời gian.
“Điểm tựa” để lan tỏa yêu thương
*Có vẻ như mẹ đã truyền năng lượng và sự mạnh mẽ cho Hân. Việc thiện nguyện của mẹ có giúp Hân có nhiều thay đổi trong suy nghĩ?
Thật may mắn vì mình và mẹ rất thân thiết và thường xuyên trao đổi, trò chuyện với nhau. Hân còn nhớ về một lần được theo mẹ đi khảo sát địa điểm để dựng nhà từ thiện. Thấy một bé gái tỏ ra thích chiếc túi mình đang đeo, mẹ đã động viên mình tặng bé, dù khi đó mình nhỏ nên không muốn xa rời món đồ thân yêu. Mẹ ở bên, giải thích rằng cho đi yêu thương sẽ được nhận lại yêu thương. Và đúng vậy, sau khi nghe lời mẹ, Hân được tặng lại 3 trái ổi mà khi ăn, nước mắt mình rơi không ngừng vì cảm nhận được tình cảm gửi gắm qua món quà giản dị.
Nhìn chung, suốt tuổi thơ, được mẹ giảng giải từ từng chuyện đơn giản như vậy, nhân sinh quan của Hân đã mở rộng hơn để biết trân trọng những giá trị đẹp trong cuộc sống. Khi đã trưởng thành hơn, chắc chắn mình sẽ tiếp bước con đường của mẹ.
Được đồng hành cùng mẹ, với Hân là niềm hạnh phúc.
* “Yêu thương trao đi là yêu thương còn mãi” - Hân có lời nhắn nhủ gì đến mẹ và các nhà hảo tâm đang ngày đêm lan tỏa thông điệp này trong mùa dịch?
Dịch bệnh xuất hiện khiến cuộc sống của không ít gia đình bị đảo lộn, nhất là những lao động tự do và người vô gia cư, Mình mong rằng mẹ và nhiều nhà hảo tâm khác sẽ luôn giữ tinh thần, vững bước và mạnh mẽ trên con đường đã chọn, để ngày càng có nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ. Dẫu biết còn nhiều mệt mỏi và nguy hiểm, nhưng cả cộng đồng – trong đó có mình – sẽluôn sát cánh để những người như mẹ dựa vào mỗi khi mỏi mệt!
Cảm ơn những chia sẻ của bạn!
Ảnh: NVCC
Đôi lời người viết:
Chúng ta có thể lựa chọn việc mình muốn làm, nhưng những người trực tiếp lao vào tâm dịch luôn được cộng đồng trân trọng. Và phía sau họ, những người thân đang ngày đêm hi sinh thầm lặng, họ cũng rất xứng đáng để ngưỡng mộ.
Covid là một cuộc chiến không dài nhưng cũng chẳng ngắn, và để chiến thắng, những điểm tựa ấy cũng là vô giá.