Khu nghĩa trang đặc biệt dành riêng cho chó mèo này nằm trong khuôn viên resort rộng hơn 2000m2 của ông Nguyễn Bảo Sinh, ngụ trên phố Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội.
Người bạn Ami cho tôi tất cả
Nghĩa địa chó mèo đầu tiên và duy nhất ở Hà Nội nằm sâu trong một con ngõ phố Trương Định. Bao gồm các dịch vụ từ siêu thị, khách sạn, phòng khám y tế, phòng thẩm mỹ... với quy mô như một resort.
Nhưng đặc biệt hơn cả là khu đất dành cho hơn 1000 phần mộ chó mèo. Từ sáng sớm đến tối mịt, nơi đây đều văng vẳng tiếng kinh cầu siêu, khói hương phảng phất.
Khuôn viên nghĩa trang dành cho vật nuôi của ông Sinh
Với tình yêu thương đặc biệt dành cho vật nuôi, cùng quan niệm “động vật cũng như con người, chết đi linh hồn cần chốn quay về”, cách đây gần 30 năm ông Sinh đã dựng lên khu nghĩa địa này.
Trên mỗi bia mộ đều ghi rõ tên, ngày sinh, ngày mất của mỗi con vật
Vào sâu trong khu nghĩa địa, nhiều người không khỏi chú ý về một ngôi mộ có tấm bia lớn nhất ghi “Mộ tổ Ami (1978 – 1990)” nằm tại chính giữa nghĩa trang. Nhẹ nhàng gạt bụi tàn hương, nhìn di ảnh chú chó Becgie, ông Sinh nói: “Ami tiếng Pháp nghĩa là người bạn và bạn của tôi đã yên nghỉ ở đây". Dù Ami không phải con chó đầu tiên ông Sinh nuôi nhưng lại là chú chó ông có nhiều tình cảm nhất. Khi Ami qua đời, ông bắt đầu xây dựng khu nghĩa trang này.
“Ami tôi nuôi được coi là chó tổ của ngành kinh doanh chó cảnh ở nước ta từ 1978 đến nay. Vì nó từng phối giống cho hàng ngàn con chó cái. Con, cháu, chắt của nó có thể đã lên tới cả triệu. Toàn bộ cơ nghiệp tôi có trong tay hiện này đều do Ami mà có. Thời kỳ những năm 1980, mỗi một lần phối giống cho becgie giá 1 chỉ vàng. Có tháng, Ami đem về cả cây vàng, số vàng này đủ để xây một ngôi khang trang vào thời điểm đó”.
Ông Sinh kể, thời bao cấp đời sống còn khó khăn nhiều mặt, nên việc nuôi chó cảnh chẳng khác gì việc không tưởng. Thậm chí nhiều tiền cũng không mua nổi. Để tìm mua được con Becgie đầu tiên – mẹ của Ami, ông Sinh đã rất vất vả nhờ người quen ở trường Cảnh khuyển trong suốt gần 1 năm mới có được. “Ở nước ngoài chó Becgie được ăn thịt bò, thịt lợn. Trong khi ở thời điểm đó cuộc sống nước ta còn khó khăn, cho chó ăn ngon cũng là một cái tội. Vì thế phải rất khó khăn mới giữ được con chó lại bên mình", ông Sinh kể.
Ngôi mộ của Ami được đặt ở chính giữa và gọi là mộ tổ
“Những năm tháng Ami sống với gia đình chúng tôi nó tận tụy, trung thành với tôi lắm, nhiều khi đến mức thái quá. Thấy người lạ lại gần chạm vào người tôi, nó có thể tấn công ngay lập tức”. Ông Sinh kể.
Sống được 12 năm, con chó Ami qua đời sau trận ốm nặng. Ông Sinh ngồi gục, khóc thương bên xác của “người bạn” suốt một ngày. Đến nửa đêm, ông phủ một vuông vải trắng, lặng lẽ đưa xác Ami ra khu vườn chôn cất.
Bỏ tiền triệu để “an táng” thú cưng
Ông Bảo Sinh chia sẻ, khu chôn cất dành riêng cho chó mèo đến năm 2000 mới được nhiều người biết đến. Ban đầu, khi quyết định lập nghĩa trang này, ông Sinh bị gia đình và người thân phản đối gay gắt, hàng xóm xung quanh cũng dị nghị “lời ra tiếng vào”. Nhưng chính tình yêu thương động vật đã trở thành động lực để ông duy trì nghĩa trang này suốt hàng chục năm qua.
Từ khi nghĩa trang được mở ra đã hoàn thành hàng ngàn lần tổ chức mai táng cho chó mèo. Đám tang của con vật được tổ chức có đầy đủ hoa quả, vòng hoa, hương nến, cờ... Thậm chí có cả người làm lễ, đọc lời cầu nguyện. Giá trọn gói dịch vụ này giao động từ 2,5 – 10 triệu đồng tùy theo yêu cầu về nghi lễ, hình thức mà chủ nuôi chọn tiến hành.
Nghĩa trang là nơi để ông Sinh chia sẻ với những người có cùng tình yêu thương động vật như ông
Ông Sinh cho biết đến hiện tại có khoảng hơn một nghìn ngôi mộ chó mèo đã được chôn cất tại đây, đó là chưa kể những người chủ nuôi “hỏa táng” rồi mang “tro cốt” con vật về.
Tại nghĩa trang có hai hình thức an táng cho chó mèo là: hỏa táng và địa táng. Trong đó, địa táng là con vật được chôn cất dưới đất, sau đó xây mộ dựng bia. Giá cả loại hình này giao động từ 6 – 10 triệu phụ thuộc vào các nghi lễ, hình thức mà chủ nuôi chọn tiến hành. Trong khi đó, an táng theo hình thức hỏa thiêu có giá rẻ hơn chỉ từ 2,5 - 4 triệu/1 lần.
Ở khu nghĩa trang này có hẳn hai tòa hỏa táng ở góc vườn được xây bằng gạch theo hình chóp. Việc hỏa táng được thực hiện bằng củi chứ không phải bằng điện hay gas vì theo ông Sinh như vậy mới đúng theo nghi thức.
Thực tế, “lễ an táng” cho chó mèo nghe có vẻ lạ nhưng không thể phủ nhận nó đã mang đến cho mọi người cái nhìn khác về những con vật nuôi trong gia đình.
Theo quan điểm của ông Sinh, chuyện yêu thương thú cưng là hết sức nhân đạo. bản thân ông luôn tin rằng, nếu giáo dục một người yêu động vật thì ngoài ý nghĩa là trân trọng vật nuôi, nó còn gián tiếp giáo dục tình yêu thương con người.
"Đến con vật mình còn đối xử tốt được thì tại sao lại không đối xử tốt với mọi người xung quanh được. Những người đưa chó, mèo đến đây an táng đều là người có trái tim nhân hậu, sống phúc đức và cái tình của họ làm tôi thấy thêm tin yêu hơn vào cuộc sống này", ông Sinh nói thêm.
Với ông Sinh vạn vật đều là chúng sinh, do đó yêu chó có nghĩa là yêu cả kiếp sau của con vật trung thành ấy!