Thời gian gần đây, trên mạng xã hội tràn lan các đoạn clip review phim ngắn. Qua đó, người dùng chỉ cần xem 5-10 phút tóm tắt phim là đã hiểu hết nội dung mà không cần mất nhiều tiếng đồng hồ theo dõi hết diễn biến. Tuy nhiên thực chất, hình thức tóm tắt phim này chính là hành vi vi phạm pháp luật.
Những đoạn review phim này thu hút từ vài trăm ngàn đến cả triệu lượt theo dõi. (Ảnh: Chụp màn hình)
Cụ thể, theo Zing News, ông Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM cho biết, việc tài khoản mạng xã hội cắt ghép phim dưới hình thức review thực chất là vi phạm quyền bảo toàn sự toàn vẹn của tác phẩm. Nghiêm trọng hơn, đa số những người này khi sử dụng hình ảnh tác phẩm đều chưa xin phép chủ sở hữu và gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của tác phẩm.
Ông Tuấn nhấn mạnh: "Bản chất pháp lý của việc này không khác gì vào rạp phim quay lén cả. Hành động này vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật". Bởi theo pháp luật Việt Nam quy định, những trường hợp sau đây được xem là xâm phạm quyền tác giả:
- Dịch, chuyển thể, phóng tác,...tác phẩm mà chưa được tác giả cho phép.
- Sử dụng tác phẩm khi chưa được chủ sở hữu cho phép.
- Không phân chia quyền lợi, trả thù lao, nhuận bút, tiền bản quyền,...cho người sở hữu theo quy định.
Nhiều người dùng mạng thích xem những đoạn tóm tắt phim ngắn vì nó nhanh gọn lại miễn phí. (Ảnh: Pháp Luật Việt Nam)
Nhất là trong thời điểm này, lĩnh vực phim ảnh gặp khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch, các rạp phim không thể mở cửa cũng không có nhiều phim được phát hành,...thì hành vi tóm tắt bị cho là một trong những nguyên nhân khiến các nhà sản xuất, rạp phim cũng như các ứng dụng xem phim có trả phí bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng hơn.
Không chỉ trên nền tảng Facebook, mà hiện nay trên YouTube, có nhiều người cũng đang sử dụng hình thức tóm tắt phim này để thu tiền quảng cáo. Ông Ngô Thanh Phong, người sáng lập chuyên trang đánh giá phim chia sẻ trên Zing News: "Những nội dung video tự nhận là review phim thực chất kể lại toàn bộ nội dung của phim. Điều này khiến người xem không cần đến rạp vẫn có thể nắm được toàn bộ cốt truyện, gây tổn thất lớn cho các đơn vị làm phim".
Liên quan đến câu chuyện bản quyền phim ở nước ta, theo Công an Nhân dân, ngày 19/8 vừa qua, Công an TP.HCM đã quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến website phim “lậu” lớn nhất Việt Nam - Phimmoi để điều tra về vấn đề "Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan".
Đã nhiều lần Phimmoi quay trở lại bằng cách thêm rất nhiều chữ "z" vào đằng sau tên miền. (Ảnh: Chụp màn hình)
Theo cơ quan chức năng, người đứng đầu nhóm đối tượng đứng sau web phim này là N.T.T., ngụ tỉnh Lâm Đồng. Từ năm 2014 đến nay, T. đã thuê 2 người có trình độ về công nghệ thông tin là C.T.L. và C.D.A., cùng ở Đồng Nai để lập trình, vận hành, phát triển website chiếu phim trực tuyến miễn phí trên mạng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, nhóm đối tượng đã sao chép, khai thác, sử dụng và truyền đạt các bộ phim điện ảnh khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu nhằm thu lợi bất chính. Không những vậy, website này còn lấy các video phim có phụ đề tiếng Việt phi thương mại rồi đăng lên mà không có sự đồng ý của tác giả.
Với mức độ truy cập cực lớn, ước tính lợi nhuận quảng cáo của Phimmoi thu được mỗi năm lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Dù biết đây là các trang phim lậu, nhưng nhiều người dùng vẫn truy cập vì tâm lý được "miễn phí". (Ảnh: Zing News)
Còn tại Nhật Bản, hồi tháng 6 vừa qua, tại tỉnh Miyagi, đã có 3 người bị bắt vì đăng tải video tóm tắt phim lên YouTube. Theo Zing News dẫn tin từ NHK cho biết, Hiệp hội Phân phối Nội dung Nước ngoài (COFA) đã gửi lệnh yêu cầu cung cấp danh tính người đăng clip tóm tắt lên tòa án ở Mỹ. Sau khi nhận được thông tin, cảnh sát tỉnh Miyagi đã xác định và bắt giữ 3 người này.
Được biết, đa số video tóm tắt do nhóm đối tượng thực hiện có thời lượng khoảng 10 phút, bằng 10% thời gian bộ phim. Phía Cảnh sát điều tra cho rằng, nhóm đã kiếm tiền từ quảng cáo và làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng phim.
Để những hành vi như trên không còn cơ hội lan rộng, thiết nghĩ bản thân mỗi người dùng mạng nên tự nâng cao ý thức, chủ động loại trừ những sản phẩm vi phạm bản quyền. Chỉ khi chúng ta quay lưng thì những hành vi xấu mới không thể tiếp diễn.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ liên tục được cập nhật tại YAN!
VI PHẠM BẢN QUYỀN BỊ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm, sao chép tác phẩm có thể bị xử phạt như sau: Người nào sao chép tác phẩm mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm phải khắc phục hậu quả bằng cách dỡ bỏ bản sao chép trên môi trường Internet, kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang chứng.
Trong khi đó tại Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây hại đến danh dự và uy tín của tác giả có thể bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Đồng thời buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin truyền thông, dỡ bỏ tác phẩm vi phạm.