Chuyện "yểu mệnh" của gameshow Việt hay là sự "cả thèm chóng chán" của khán giả?

14:56 20/05/2015

Tuổi thọ của các gameshow Việt thường khá ngắn ngủi. Có nhiều gameshow chỉ tồn tại vỏn vẹn được vài mùa, bất chấp khi mới ra đời, nó từng nhận được thành công vang dội cũng như vô số lời khen ngợi từ khán giả.

Tính tới thời điểm hiện tại, trong "rừng" chương trình truyền hình thực tế, chỉ có Vietnam Idol là gameshow thuộc dạng "trường thọ" nhất - nhưng cũng chỉ rơi vào quãng 10 năm tuổi. Tuy nhiên, con số khá khiêm tốn ấy cũng đã là niềm mơ ước của đa số những nhà sản xuất gameshow - những người luôn thường trực mối lo âu liệu chương trình của mình có còn "sống sót" qua mùa tới.

Sự cả thèm chóng chán từ khán giả

Thỏa mãn được khán giả được coi là tiêu chí quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của một gameshow. Tiếc rằng, đây lại là điều khó khăn và phức tạp được liệt vào bậc nhất. Khán giả bao gồm đủ mọi thành phần, độ tuổi và nghề nghiệp, bởi vậy nên tìm ra một cách thỏa mãn chung cho nhu cầu giải trí của họ là điều không thể. Những thứ gây cười "bình dân" có thể không được lòng khán giả khó tính, những thứ nghệ thuật mang tính chuyên môn cao lại không phải "gu" của khán giả bình dân. Không quá lời nếu như nói việc chinh phục khán giả còn khó hơn cả làm dâu trăm họ, bởi khán giả luôn nhiều hơn con số "trăm" gấp ngàn lần.

Khác nhau về sở thích, sự lựa chọn, nhưng đám đông lại rất giống nhau ở một điểm: Sự cả thèm chóng chán. Một chương trình dù hay ho tới mấy, nhưng chỉ cần kéo dài tới năm thứ 2, thứ 3, y như rằng sự quan tâm từ người xem sẽ ít nhiều sụt giảm. "Không có gì mới à?" hay "Lại vẫn mấy chiêu cũ mèm diễn đi diễn lại" là một trong nhiều nhận định quen thuộc về các chương trình giải trí "trót" ra tới kỳ 2...

Để đối phó với sự "cả thèm, chóng chán" này, những người làm gameshow phải gồng mình để tạo ra những sự thay đổi. Từ luật chơi, khách mời, thí sinh cho tới những thứ ngoài lề khác, tất cả cũng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là làm hài lòng thượng đế. Có điều, nỗ lực là một chuyện, thượng đế có hài lòng hay không lại là chuyện khác. Chẳng thế mà Trò chơi âm nhạc - một gameshow có tiếng lâu đời của VTV đã trải qua không ít lần "thay máu".

Nhà tổ chức và chuyện "bí bách" nhân tố mới

Đối với các gameshow tập trung vào tìm kiếm một tài năng vượt trội hoặc đào tạo ra một ngôi sao ăn khách (Vietnam Idol, The Voice, Học viện ngôi sao...), khó khăn nhất họ phải đối mặt là tìm ra một ngôi sao thưc sự. Những thí sinh ôm mơ mộng trở thành ngôi sao có rất nhiều, nhưng người có tiềm năng để trở thành ngôi sao lại vô cùng hãn hữu. Chưa kể, nếu có xuất hiện, thí sinh đó cũng dễ dàng bị chương trình đối thủ "hớt tay trên", nếu không kịp nhanh tay.

Một loạt chương trình sở hữu thí sinh là "sao bự" như Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ lại phải đối mặt với một khó khăn khác: Hết vốn "sao". Với số lượng lên tới cả chục ngôi sao xuất hiện trong một mùa giải, chỉ cần tới mùa thứ 3, họ đã phải đối mặt với vấn đề "bí" ngôi sao. Những ngôi sao có tên tuổi, có sức hút với khán giả không hề đông đảo và có mời được họ hay không cũng là cả một vấn đề nan giải. Chính vì vậy, tới mùa thứ 3 thứ 4, người xem đã bắt đầu thấy những ngôi sao ít tiếng tăm hơn, thậm chí gần như "vô danh" cũng được xuất hiện tại các sân chơi dành cho "sao bự". Hiệu quả thu hút khán giả giữa họ khác biệt nhau ra sao, có lẽ cũng chẳng cần phải nói nhiều...

Giám khảo cũng "bí" chiêu trò

Cùng với những ngôi sao ngồi ghế thí sinh, những cái tên "hot" trên ghế nóng cũng là một phần không thể thiếu làm nên sức hút của gameshow Việt. Nói không quá, đôi khi sự xuất hiện của họ trên băng ghế giám khảo còn mang lại sức hút đôi khi vượt trội hơn cả màn trình diễn của các thí sinh. Những cái tên như Mỹ Tâm, Hà Hồ, Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh hay Lê Hoàng luôn nhận được sự chờ đợi rất lớn từ người xem mỗi khi xuất hiện tại các gameshow.

Vốn kiến thức phong phú, uyên bác hay sự thông minh, hài hước trong lời nhận xét của các giám khảo đã làm nên sức hút riêng cho họ. Đối với những ngôi sao nữ, sức hút ấy còn có thể đến nhờ nhan sắc xinh đẹp, gu thời trang nổi trội mỗi khi họ "thượng đài". Tuy nhiên, dù có nỗ lực thay đổi, làm mới mình tới đâu thì sự xuất hiện với tần suất dày đặc của những ngôi sao giám khảo cũng khiến họ mất đi ít nhiều hấp dẫn.

Lê Hoàng chẳng hạn. Vốn kiến thức, ngôn từ cũng như khả năng ăn nói của ông thuộc dạng hiếm có tại làng giải trí, nhưng việc ông xuất hiện liên tục tại vô số cuộc thi đã khiến khán giả có vẻ bị "bội thực" phần nào. Chất chua ngoa, đanh đá, dí dỏm của ông giống như một thứ gia vị đặc biệt - chỉ nêm nếm chút ít sẽ tăng hương vị cho món ăn, nhưng khi bỏ quá nhiều lại rất khó nuốt trôi.

Tài năng như Lê Hoàng còn bị khán giả "quay lưng" chỉ vì xuất hiện quá nhiều, thì những ngôi sao giám khảo khác cũng không thể là ngoại lệ. Cùng với vấn đề "bí thí sinh" của ban tổ chức, "bí điểm nhấn" của các thí sinh, các giám khảo trên ghế nóng có lẽ cũng đang đau đầu với việc "bí chiêu trò" nhằm làm mới cho mỗi lần xuất hiện của mình tại gameshow Việt.

Sự cạnh tranh quá lớn từ những "người mới tới"

Cứ mỗi năm, lại có hàng loạt gameshow mới toanh được ra đời. Thường thì những "người mới" này luôn nhận được sự ưu ái, quan tâm nhất định từ khán giả - những người luôn sở hữu sự háo hức thường trực với những "món lạ", thay vì trung thành với những thứ đã cũ mèm. Những chương trình mới như Người đi xuyên tường, Chết cười hay Gương mặt thân quen nhanh chóng nổi lên như hiện tượng vào những mùa giải đầu tiên, đem lại sức ép không hề nhỏ dành cho những gameshow cũ.

Dù rằng bước vào mùa 2, mùa 3, những "người mới" đó cũng sẽ trở thành "người cũ" và tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn y hệt những người đi trước, nhưng đó là chuyện của năm sau. Đối với không ít nhà sản xuất, hãy cứ làm thật tốt công việc của năm nay, việc của năm sau, năm sau tính. Tính toán có phần "ăn xổi" đó đã khiến không ít những gameshow mới được ra đời như nấm sau mưa, bất kể năm sau chúng có tồn tại nữa hay không...

Trên thực tế, đã có những chương trình sau một mùa giải đã phải cân nhắc chuyện có... tiếp tục sản xuất mùa 2 hay không, như Vietnam's Got Talent chẳng hạn. Sự hạn chế về tài năng của các thí sinh cũng như lối chơi không mấy ăn khách của gameshow từng nổi tiếng khắp thế giới này khi về tới Việt Nam đã khiến nó suýt nữa trở thành "gameshow một mùa", như nhiều lời đồn đại. Rất may, cuối cùng điều này cũng không trở thành hiện thực, tuy nhiên mùa giải thứ 2 của chương trình truyền hình thực tế này cũng chẳng "đột phá" là bao so với mùa giải đầu tiên. Và có lẽ, những nhà sản xuất Vietnam's Got Talent lại phải đối mặt với một câu hỏi quen thuộc khi mùa thứ 2 kết thúc: Dừng tại đây hay... cố nốt mùa 3?

Gameshow vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ bậc nhất của làng giải trí. Lợi nhuận nó thu được khả quan hơn rất nhiều những cách thức "đầu tư nghệ thuật" khác, và không khó hiểu khi đứng trước cả núi khó khăn, rất nhiều chương trình mới vẫn nhăm nhe được tung ra. Thị trường 80 triệu dân của Việt Nam, với phần nhiều là người trẻ tuổi cũng đang là miền đất hứa cho những chương trình truyền hình thực tế. Chính vì vậy, dù thực tế cuộc chiến giành thị phần và quyền sống còn giữa các gameshow có khốc liệt tới mức nào, khán giả vẫn hoàn toàn có thể yên tâm vào một điều: Quyền lựa chọn bật tivi mỗi tối vẫn đang thuộc về mình. Có thể chương trình hay gameshow này sẽ bị kết thúc hay gián đoạn, nhưng rất nhanh thôi, chúng sẽ lập tức có những "kẻ thế chân"...