Trong 120 ngày chiến đầu với căn bệnh ung thư xương, nhờ có Sỹ, mà Hồng mới thêm nghị lực để tìm lại sự sống. Giờ đây, dù đã mất đi một chân, nhưng may mắn, Hồng lại có thêm một đôi chân khác vững vàng và chắn chắn hơn, mang tên Nguyễn Phú Sỹ.
Sẽ thật là bình thường, nếu câu chuyện tình yêu của Sỹ và Hồng - sinh năm 1996, được tôi kể bằng 2 năm quen nhau thời đại học, ra trường với dự tình cùng nhau đi du học, rồi sẽ kết hôn, có con… Một mô-típ hạnh phúc cho biết bao cặp đôi. Nhưng rồi một ngày giữa tháng 6, chính xác hơn là 15.6.2017, Hồng được chuẩn đoán bị ung thư xương, gấp gáp trong vòng 4 tháng phải phẫu thuật cắt bỏ chi.
Cuộc sống gần như rẽ sang một hướng mới: Từ cô gái hoạt bát, Hồng bắt đầu sống nhờ những lần truyền máu, hóa trị dài ngày, và có cả những giây phút “thật lòng, em sợ chết”. Cô gái trẻ Nguyễn Lý Mỹ Hồng vẫn tự nhận mình may mắn. Vì những ngày tháng ấy, ở bên cạnh cô, vẫn còn một đôi chân khác vững vàng và chắc chắn – mang tên Nguyễn Phú Sỹ.
120 ngày cùng nhau. Chỉ còn một chân sau phẫu thuật, đòi chia tay vì sợ là gánh nặng, chàng trai từ chối...
Tôi có dịp thăm Hồng vào một ngày cuối tuần trong con hẻm 16/8/8 Lê Trọng Tấn, Q. Tân Phú, TP.HCM. 5 ngày sau khi kết thúc phẫu thuật cắt bỏ chân, mọi việc sinh hoạt của Hồng đều đều dựa dẫm vào Sỹ. Bắt đầu bằng việc đi lại trong cự ly 4m từ phòng ra nhà khách một cách nặng nhọc. Sỹ kê hai cây nạn gỗ dưới nách Hồng, đặt chân nạn chắc chắn cách chân khoảng bước rưỡi. Còn mình đứng sau lưng, tay giữ nạn, tay vịn vai, đôi lúc thở rõ to vì sợ. Đó là những bước đi đầu tiên bằng một chân của cả hai.
Hồng kể lại: Đầu tháng 5, em đã có những cơn đau nhức ngay bẹn đùi. Gần như lúc đó, chân phải đã không còn khả năng gập lại một cách bình thường. Lúc đó, chỉ nghĩ là do làm việc nhiều nên đau mỏi, chỉ cần vài liều thuốc giảm đau là ổn.
Cho đến hôm loạng choạng bị trượt chân ngay bậc cầu thang, lần đó Hồng được vào bệnh viên với tình trạng chân phải đã hoàn toàn không thể cử động. Ban đầu dự tình là bị chấn thương xương đùi, sẽ mất ít tháng uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả hơn. Ngày hôm đó là ngày 8 tháng 6.
- Sau khi xem xong phim chụp X-quang, bác sĩ đã đề nghị được gặp người nhà bệnh nhân. Vì lúc đó chỉ có em với Sỹ đi cùng. Cả hai cũng đã có những dự tính chẳng lành rồi. Nặng nhất em có thể sẽ phải nằm viện bó bột. Ai dè… ung thư xương.
Lần đầu tiên Hồng nghe về căn bệnh quái ác của mình chỉ đơn giản là như thế.
Những ngày sau đó, Hồng lùng sục tất cả những thông tin về bệnh tình của mình. Căn bệnh ung thư xương lầu đầu nghe, lạ đến phát sợ. Tra google chạy dọc những đường link dài mà Hồng chưa bao giờ dám nhấp vô.
- Sỹ chụp qua điện thoại một số đoạn phương hướng điều trị. Đọc qua, em thấy cũng an tâm vì không có tình trạng phải mất mạng cả. May quá vẫn có thể sống, em đã đinh ninh ý nghĩ trong đầu như thế. Mãi đến sau này, khi cố tình tìm hiểu, em mới phát hiện là Sỹ cố tình bỏ đi đoạn cuối. Vỏn vẹn chỉ một dòng: “Hoặc chết, hoặc phải cắt bỏ các chi bị tế bao ung thư ăn tới.”
- Vậy là chỉ có Sỹ biết rõ bệnh tình lúc ấy thôi sao? Tôi gặn hỏi.
- Vâng, em không muốn cô ấy phải suy diễn lung tung. Với lại chết, hoặc mất chân đó cũng chỉ là giai đoạn cuối cùng, em chưa hề nghĩ tới.
Vỏn vẹn 4 tháng, bệnh tình đột ngột khiến Hồng suy sụp hẳn. Từ những đợt hóa trị dài ngày, Hồng vẫn thường lên cơn thiếu máu, rồi choáng, bất tỉnh và thậm chí đã có lúc ngừng thở. Đó là một vòng tuần hoàn mà những người trong cơn bạo bệnh thường hay gọi: cận tử. Giữa những ống dẫn máu, và nhịp thở hổn hểnh, chuỗi ngày nằm lại bệnh viện Sài Gòn gần như dài vô tận. Sỹ vẫn đều đều vào viện, có hôm chạy vạy đi hỏi thăm thêm phương thức cứu chữa, có hôm chỉ biết bấm vào ngón tay để đếm hy vọng.
- Vì lúc ấy, cũng chả còn biết dựa dẫm vào điều gì để có thể thôi sợ.
Lần hóa trị thứ nhất, thứ 2, thứ 3,… cứ nối dài liên tục, đều đặn. Đến lần 4 Hồng bị sốc thuốc. Cô được chuyển gấp qua Singapore điều trị. Đó cũng là lần hy vọng cuối cùng mà chỉ dựa trên một lời đề nghị không rõ ràng: Bên Sing có một bác sĩ giỏi sinh thiết có thể giữ được chân. Trong đầu cả hai vẫn nuôi một sự nhầm lẫn, “có lẽ bệnh viện chuẩn đoán sai, đây chỉ là một trận đau khớp gối do đứng quá nhiều”. Nhưng rồi:
- Họ bảo bệnh đã quá nặng. Và gần như phải cắt bỏ phần chân. Hôm đó, là lần đầu tiên em khóc vì sợ.
- Em cứ ngỡ cô ấy đùa. Vì mới tháng trước bác sĩ Việt Nam vẫn khẳng định là có thể giữ được chân. Cho đến khi cô ấy nhắn những đoạn tin dài, em hiểu chuyện và chỉ biết im lặng…
Những ngày cuối tháng 9, biểu đồ bệnh án của Hồng lại thay đổi chóng vánh, đã đặt ra sự cấp bách loại bỏ một chi hoặc sẽ tiếp tục hóa trị nhưng không lường trước được sự lan tỏa của tế bào ung thư. Đó là những ngày tồi tệ nhất. Hồng không còn khả năng ăn uống, nói chuyện mà chỉ thiêm thiếp trên giường bệnh. Những cơn đau thắt, và thở dốc đến một cách bất định và thường xuyên hơn.
- Em quyết định sẽ cắt bỏ chân. Không thì chết, thế thôi cắt, không giữ nữa. Hồng nói bằng cái giọng khô queo, như một thứ củi mục cũng phải đến lúc người ta bẻ gảy vì cho rằng nó không thể ra hoa. Em còn lo sợ sẽ là gánh nặng cho Sỹ. Em đã đề nghị chia tay.
- Em không hề đồng ý, hôm đó em đã ở lại chờ 5 tiếng cho một cuộc phẫu thuật. May mà mọi chuyện vẫn ổn.
Nói rồi, cả hai lại mỉm cười nhìn nhau.
Lần đó là may mắn, Hồng tỉnh lại. Những dấu hiệu đầu tiên của sự sống bằng nhịp thở đều đều máy oxy đều hơn làm Sỹ nhảy cẩng lên vì sung sướng. Sỹ vẫn nhớ rõ cái ngày đặc biệt hôm đó, tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật, Hồng mất đi một chân. Nó là những ngày đầu tháng 10, Sài Gòn vẫn mưa lớn, bệnh viện Sài Gòn có sự túc trực đều đặn của chàng trai Nguyễn Phú Sỹ.
"Không sao, có anh ở đây mà…"
Những ngày sau khi cắt bỏ một chân, Hồng vẫn còn chưa nghĩ mình sẽ trở nên tàn tật. Đôi lúc vẫn cứ nhìn chiếc xe lăn, hai cây nạng chống ở góc tường, rồi muốn khóc mà đâu thể khóc được nữa, thở dài...
Từng giai đoạn của cuộc đời Hồng vẫn được Sỹ thuật lại với tôi một cách rõ ràng. Sỹ nhớ như in những liệu trình trị liệu, lần Hồng vào thuốc đợt thứ 4 bị sốc thuốc,… và cả lúc đồng tử gần như dãn hết cỡ.
Giờ đây, cả hai chỉ nghĩ đến hiện tại: Hồng sẽ lại nuôi tóc dài, sẽ đi lại được nhờ có Sỹ bên cạnh. Chậm rãi và từ từ. Bước đầu là tự lập, tập đi một chân. Bài học căn bản đầu tiên sau khi xuất viện mà cả hai đã hứa cùng nhau.
Đều đặn, hằng ngày Sỹ vẫn dìu Hồng tập đi một đoạn ngắn. Hồng khó nhọc, tỳ hai tay thật chắc chắn vào cây nạn nhích dần. Sỹ đứng phía sau lưng, tay dựa vai, miệng vẫn liên hồi động viên:
- Không sao, có anh ở đây mà…
Rồi lại vờ thả tay ra khỏi người Hồng, sắp mất thăng bằng lại dựa vai. 15 phút cho một đoạn đường từ phòng ra nhà khách dăm chừng 4m. Bây nhiêu thôi mới thấy được sự khó nhọc và nhẫn nãi cho những bước đi đầu tiên kể từ ngày phải mất đi một chân. Đó là một ngày bình thường của cả hai. Những buổi luyện tập đi lại để thích ứng hơn với cuộc sống mới.
- Em còn may mắn lắm, vì còn có Sỹ bên cạnh, quanh quẩn 24/24 đến nỗi em không còn thời gian để nghĩ ngợi sẽ buồn. Hồng nói với tôi chắc nịch.
Từ những lúc Hồng lở miệng tới cuống họng, Sỹ vẫn chạy đi mua những món dễ ăn, mớm từng ngụm nhỏ cho Hồng đến những đêm Hồng khó thở, ngày phải ở lại viện truyền dịch, Sỹ luôn bên cạnh, lấp đầy đi những khoảng trống bằng những câu chuyện đùa, chỉ đơn thuần để cả hai “quên đi sợ hãi”.
- Nhưng còn đôi chân, em không nghĩ nó sẽ vướng bận cho chuyện sau này sao? Tôi đặt vấn đề.
- Cô ấy đặc biệt thì em cũng sẽ yêu cô ấy một cách khác biệt. Sỹ cầm tay, trao một cái nhìn động viên.
Sau này, à ngay cả lúc đang ngồi cạnh tôi, tôi đã thấy Sỹ và Hồng chỉ còn lại những lần cười cùng nhau. Với cả hai, giờ không còn chỗ cho việc suy tính kỹ càng lâu dài, mà chỉ là tận hưởng những ngày còn có thể bên nhau. Hỏi có ước mơ gì không?
- Có chứ. Cả hai gọn lỏn. Sẽ có một ngôi nhà, không quá gần đường phố để đỡ ồn, gần chợ cho tiện cô ấy đi lại. 2 đứa con thôi cho dễ chăm. .
Căn phòng chiều ấy vẫn nồng nặc mùi thuốc, nhưng tôi nghe cả mùi nồng nàn giữa những lần bâng quơ Sỹ xoa cái đầu trọc lóc của Hồng rồi cười vang. Để ý kỹ mới thấy, Hồng đâu thực sự mất đi một chân? Cô ấy lại vừa mọc thêm một đôi chân mới ấy chứ… từ cậu con trai đứng bên cạnh, chân xếp ngang hàng, dìu dắt cô ấy trên cuộc hành trình từ giường ra nhà vỏn vẹn chỉ 4 mét.
Là con gái như Hồng, dù cuộc đời này có bất công khi bắt cô gái còn quá trẻ, mới sinh năm 1996 đã phải "lãnh" cái gông bệnh tật quái ác, thì đổi lại, cô gái vẫn được nâng niu, yêu thương bằng một thứ tình cảm tuyệt vời, đáng trân trọng từ "đôi chân" bên cạnh kia. Cái cái Hồng liếc nhìn Sỹ rồi cười, phần nào quên đi cơn đau, nỗi sợ hãi bằng một câu nói "Cô ấy đặc biệt thì em sẽ yêu cô ấy theo cách đặc biệt"..., nó khiến tôi cảm thấy ấm áp trong lòng. Bởi vì ngoài kia có là giông bão, thì ở đây, trong căn phòng nhỏ này, hai người rất trẻ kia vẫn nắm tay nhau, dìu nhau qua cái nấc khó nhất của cuộc đời...
Và tôi tin rằng, câu chuyện tình này sẽ có cái kết thật đẹp. Đơn giản thôi, như mong muốn của Sỹ vậy, một căn nhà nhỏ gần chợ tiện cho Hồng đi lại, 2 đứa con thôi cho dễ chăm!