Thời gian gần đây, nước ta liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới. Trong số đó, lượng người cách ly tại nhà và khu cách ly tập trung, có nhu cầu cần các gói thuốc điều trị Covid-19 không ngừng tăng cao, nhất là tại TP.HCM.
Đáng nói, hiện nay cũng có rất nhiều người đang hiểu nhầm rằng chỉ cần là F0 thì sẽ phải dùng thuốc. Vì vậy, để bà con hiểu đúng hơn, mới đây các chuyên gia đã đưa ra lời khẳng định cụ thể.
Nhân viên y tế hướng dẫn F0 sử dụng túi thuốc đúng cách, đảm bảo an toàn. (Ảnh: TTXVN)
Tuổi Trẻ đăng tải, hiện nay tại TP.HCM, số lượng F0 cách ly tại nhà và khu cách ly tập trung, nhu cầu cần các gói thuốc điều trị Covid-19 là hơn 70%. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào trong số đó cũng cần thiết phải dùng thuốc.
Giải thích kĩ hơn, các chuyên gia cho biết, hiện nay thuốc điều trị tại nhà gồm 3 gói: A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng; B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông; C là thuốc kháng virus được sử dụng theo Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế.
Mỗi gói lại được sử dụng cho các nhóm đối tượng khác nhau tuỳ thuộc vào diễn tiến bệnh. Cụ thể, trong hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế TP.HCM có ghi rõ, nếu ca bệnh đủ điều kiện cách ly tại nhà nhưng không có triệu chứng thì phát gói A, còn có triệu chứng nhẹ thì cấp gói A-C.
TP.HCM yêu cầu cấp túi thuốc cho F0 trong vòng 24 giờ.
Trong vòng 24 giờ sau khi nhận danh sách F0, cơ quan quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà sẽ được phân công tiếp cận đánh giá điều kiện cách ly. Riêng với những F0 có triệu chứng nhẹ, bác sĩ của cơ sở quản lý người nhiễm tại nhà phải đánh giá tình trạng sức khỏe của ca F0 này. Người nào được chỉ định dùng thuốc, nhân viên phải để họ ký cam kết trước khi cấp phát gói C cho F0.
Nếu F0 nào có những biểu hiện bệnh nghiêm trọng như khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 dưới 96%) phải liên hệ ngay với cơ sở đang quản lý người F0 để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Khi đánh giá xong tình trạng bệnh, nếu phải nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng một liều duy nhất (gói B) trước khi chuyển viện.
Những túi thuốc được phân loại cẩn thận trước khi phát cho F0. (Ảnh: HCDC)
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một giám đốc trạm y tế ở trung tâm TP.HCM cho biết hiện tại, túi thuốc C khá khan hiếm. Thậm chí có phường chỉ còn 6 - 7 túi, trong khi một ngày phát sinh hàng chục ca bệnh. Còn về quy trình phát thuốc, sau khi nhận được thông báo từ bà con, trạm y tế sẽ nhanh chóng cử lực lượng xuống test nhanh, nếu dương tính sẽ phát luôn túi thuốc A. Còn túi C sẽ chỉ được phát khi bác sĩ của trạm lưu động kiểm tra tình trạng sức khỏe thấy đủ điều kiện cần thuốc.
Tuy nhiên, vị giám đốc cũng cho biết: "Thực tế nhiều người F0 không có triệu chứng gì cả, chưa đến mức phải uống gói thuốc C nhưng vẫn yêu cầu có bằng được thuốc để uống ngay".
Ngoài cấp thuốc, F0 cách ly tại nhà sẽ được nhân viên y tế theo dõi sức khoẻ thường xuyên. (Ảnh: Báo Chính Phủ)
TP.HCM là địa phương đầu tiên sử dụng Molnupiravir (gói C) trong điều trị có kiểm soát cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ. Kể từ tháng 8, thành phố đã tiếp nhận khoảng 116.000 liều. Tuy nhiên, đến giữa tháng 11, số thuốc còn lại là chỉ còn 2.000 liều. Hiện, Sở Y tế thành phố đang đề nghị Bộ Y tế xem xét cấp bổ sung.
Một đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết: "Hiện nay tỉ lệ chuyển nặng và không qua khỏi thường nằm vào nhóm lớn tuổi, do đó nếu có Molnupiravir thì sẽ an tâm hơn nhưng mọi việc vẫn đang chờ". Hiện, ngành y tế địa phương sẽ tập trung ưu tiên thuốc cho nhóm cao tuổi.
Molnupiravir là thuốc điều trị Covid-19 được dùng trong gói C. (Ảnh: Lao Động)
Hiện nay, phần lớn các F0 tại Việt Nam đều đang cách ly, điều trị tại nhà. Vì vậy, mọi người cần phải hiểu đúng cách dùng của từng loại thuốc, từ đó mới nhanh chóng khỏi bệnh, sớm hồi phục sức khoẻ.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
F0 ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ CÓ THỂ CHỌN BÁC SĨ Y TẾ TƯ NHÂN
Trong phương án Sở Y tế TP.HCM vừa trình UBND thành phố có đề xuất thí điểm cơ chế cho y tế tư nhân tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19. Cụ thể là để cơ sở y tế tư nhân tham gia chăm sóc F0 tại nhà, F0 chọn bác sĩ tư nhân chăm sóc, tự thanh toán tiền khám, chi phí đi lại cho nhân viên y tế. Phương án này không chỉ giúp thuận tiện hơn cho F0 mà còn góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn.
Hiện tại, hệ thống y tế tư nhân tại TP.HCM có 64 bệnh viện, 215 phòng khám đa khoa, 6.223 phòng khám chuyên khoa và hơn 9.000 nhà thuốc. Vì vậy, nếu có thể huy động và kích hoạt được hệ thống này sẽ góp phần không nhỏ vào việc tăng cường hiệu quả trong công tác phòng chống dịch giai đoạn hiện nay.