Báo Lao Động cho hay, mới đây Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hai bệnh nhân sốt rét trở về từ Angola. Những năm gần đây, các địa phương thuộc miền Bắc hầu như không còn ca bệnh sốt rét, do đó thông tin về hai trường hợp trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một số ca bệnh sốt rét về từ châu Phi. (Ảnh: Dân Trí)
Trong hai ca bệnh trên có một sản phụ tên H. (32 tuổi, quê Hà Nội), đang mang bầu ở tháng thứ 6. Bệnh nhân làm việc tại Angola được 8 năm và mới về nước được 1 tuần, từng có tiền sử bị sốt rét trong năm 2021. Khi thấy cơ thể xuất hiện các đợt sốt cao rét run thành cơn vào buổi tối và chiều, cùng một số triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, bệnh nhân bắt đầu đi khám tại một phòng khám tư rồi nhập viện. Vì đang mang thai nên chị H. được nhiều bác sĩ chuyên khoa hàng đầu phối hợp điều trị để đảm bảo sức khoẻ cho cả hai mẹ con.
Sản phụ nhập viện trong tình trạng bị sốt cao. (Ảnh minh hoạ: Người Lao Động)
Bệnh nhân còn lại là anh Th. (38 tuổi, quê Hà Tĩnh). Tương tự như chị H., anh Th. làm việc tại Angola đã nhiều năm và mới về nước được 1 tuần. Trước khi nhập viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng rét run, sốt cao, đau đầu nhiều khi sốt.
Nam bệnh nhân sốt rét đang được các bác sĩ tích cực điều trị. (Ảnh: VTV)
Khi đi khám tại cơ sở gần nhà, bệnh nhân vẫn không phát hiện ra bệnh. Chỉ đến khi các triệu chứng chuyển nặng, bệnh nhân mới đến khám ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, sau đó nhập viện tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (thuộc Bệnh viện Bạch Mai). Sau khi tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ xác nhận trong máu của người bệnh có kí sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum.
Plasmodium falciparum là kí sinh trùng xuất hiện trong cơ thể những người nhiễm bệnh sốt rét. (Ảnh: Zing)
Vietnamnet cho biết thêm, mới đây Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) là PGS.TS Đỗ Duy Cường đã có những chia sẻ về bệnh sốt rét. Theo PGS.TS Cường, nước ta đã kiểm soát được căn bệnh này khi có đầy đủ thuốc điều trị, tỉ lệ các ca chuyển biến nặng giảm nhiều... Dù vậy, thời gian gần đây ông bắt đầu nhận được thông tin có bệnh nhân từ châu Phi về nước bị sốt rét, và căn bệnh đó được gọi là sốt rét “nhập khẩu”.
PGS.TS Cường đang tích cực thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại trung tâm. (Ảnh: VTV)
Lý giải về nguyên nhân bệnh xuất hiện tại Việt Nam, ông cho hay, do người dân đi lại nhiều sau một thời gian ảnh hưởng từ dịch bệnh và việc khôi phục lại đường bay quốc tế là cơ hội để người Việt Nam tại châu Phi, đặc biệt là từ Angola về nước gia tăng. Cũng qua đây, vị chuyên gia này khuyến cáo, bà con nếu về nước từ vùng có bệnh sốt rét cần khai báo với cơ quan chức năng; đồng thời phải tiến hành điều tra dịch tễ, xét nghiệm xem trong cơ thể có kí sinh trùng sốt rét hay không.
PGS.TS Cường đưa ra khuyến cáo dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn của mình. (Ảnh: VOV)
Trong quá khứ, các bác sĩ tại Việt Nam từng điều trị nhiều ca bệnh sốt rét nặng. (Ảnh minh hoạ: Báo Chính phủ)
Một lưu ý là các triệu chứng của sốt rét khá giống với Covid-19, sốt xuất huyết hay cảm cúm... nên rất dễ bị bỏ sót. Vì vậy, nếu phát hiện bản thân có biểu hiện sốt cao, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chữa trị kịp thời. Trên thực tế, PGS.TS Cường đã gặp những trường hợp sốt rét phát triển mạnh, đặc biệt nguy hiểm, do đó mọi người không nên lơ là sức khoẻ của mình.
Bệnh nhân về từ những vùng có bệnh sốt rét cần được thăm khám cẩn thận. (Ảnh minh hoạ: Báo Chính phủ)
Hiện, thông tin về căn bệnh sốt rét “nhập khẩu” vẫn đang là chủ đề khiến dư luận quan tâm. Hi vọng người dân sau khi về nước từ các vùng có bệnh sốt rét sẽ không chủ quan và luôn nâng cao ý thức bảo vệ cơ thể.
Cùng đón xem những tin tức mới nhất trên YAN!
Mặc dù chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bệnh sốt rét “nhập khẩu” xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên trên thực tế, Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra cảnh báo về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Ngoài ra, tại nước ta vốn có kinh nghiệm điều trị bệnh từ lâu, do đó mọi người không cần quá lo lắng. Đồng thời, những người về nước sau một thời gian sinh sống tại các quốc gia xuất hiện bệnh sốt rét tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Cùng theo dõi thông tin khác về căn bệnh này TẠI ĐÂY!