Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các điểm du lịch như Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang,...đã đón một lượng lớn du khách đổ về tham quan, nghỉ ngơi. Trước tình hình này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã bày tỏ một số quan điểm trên VnExpress.
Cảnh tượng đông nghịt người tại biển Vũng Tàu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. (Ảnh: VnExpress)
Cụ thể, ngày 1/5, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, ông khá lo ngại trước việc một số bãi biển lớn có đông người tới vui chơi, trong đó, riêng ngày 30/4, Vũng Tàu đã đón đến 70.000 du khách đến tắm biển. "Nếu trong đám đông đó có người nhiễm bệnh sẽ rất khó truy vết nhanh. Thậm chí, nhiều người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, khó phát hiện", ông Phu chia sẻ.
Vì vậy, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo mọi người nên hạn chế tham dự các sự kiện công cộng trong dịp nghỉ lễ này. Bài học hàng triệu người tham gia lễ hội sông Hằng ở Ấn Độ, sau đó dịch bùng phát với tốc độ lây lan chóng mặt chính là một ví dụ điển hình mà chúng ta cần lấy đó để rút kinh nghiệm. Thực tế, không phải Việt Nam chưa từng có virus "du nhập" từ nước ngoài vào, trước đó, nước ta đã ghi nhận một số chủng virus nguy hiểm như biến thể Anh, Nam Phi và cả Ấn Độ.
Ông Phu nhấn mạnh: "Không loại trừ ổ dịch tại nước ta lần này có liên quan đến chủng lây lan nhanh. Ca bệnh từ Hà Nam cũng có thể liên quan".
Cảnh tượng người Ấn tham gia lễ hội ở sông Hằng trước khi bùng dịch. (Ảnh: AFP)
"Không đợt dịch nào giống nhau. Đặc biệt đợt dịch này rơi vào kỳ nghỉ lễ, trong khi từ ca F0 ở Hà Nam đang có tốc độ lây lan nhanh trong thời gian rất ngắn. Nhiều nước tại Đông Nam Á đang bùng phát dịch bệnh trên diện rộng như Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippines. Tôi rất lo ngại chu kỳ bùng phát mới ở khu vực", ông Phu nhắc nhở.
Cũng theo nguồn tin trên, ông Phu đánh giá Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương đối mặt nguy cơ bùng dịch cao, vì sau nghỉ lễ, mọi người từ các tỉnh thành trở lại làm việc. Để đề phòng, không còn cách nào khác nào ngoài việc cơ quan chức năng tại các địa phương khẩn trương truy vết F0, F1, F2. "Khó mấy cũng phải làm, việc này rất quan trọng vì phải nhanh, chạy đua với dịch", ông Phu nhấn mạnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: VTV)
Theo Sức khỏe đời sống, trang tin chính thức của Bộ Y tế, trong bản tin sáng ngày 2/5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong 12 giờ qua nước ta không ghi nhận thêm bệnh nhân mới, tổng số ca vẫn là 2.942 trường hợp, bao gồm 1.570 ca lây nhiễm cộng đồng.
Một thông tin đáng mừng là trong riêng ngày 1/5, 1.580 người đã được tiêm vaccine phòng virus SARS-CoV-2, nâng số người được tiêm chủng trên cả nước lên thành 511.400.
Mặc dù dịch đang có những chuyển biến khó lường nhưng mọi người cũng không nên quá hoang mang, lo lắng bởi mọi việc vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, điều quan trọng chính là ý thức tự giác phòng dịch của từng cá nhân trong cộng đồng.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ liên tục được cập nhật tại YAN!
CHUYÊN GIA Y TẾ LO SỢ KHI DU KHÁCH KHÔNG ĐEO KHẨU TRANG
Trong dịp lễ 30/4 - 1/5 này, du khách mặc dù đi chơi đông nhưng không phải ai cũng ý thức việc đeo khẩu trang và tuân thủ quy định giãn cách.
Trước tình trạng này, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh) đã chia sẻ quan điểm với VTC News: "Khủng khiếp thật. Hiện nay diễn biến của dịch Covid-19 hết sức phức tạp, đã có hiện tượng lây nhiễm trong cộng đồng từ những ca ở Yên Bái, Hà Nam, TP.Hồ Chí Minh. Chúng ta biết rất nhiều người tiếp xúc là đối tượng F1, F2 đi về các địa phương và đi du lịch. Tụ tập đông người thế này chính là đang "tiếp tay", "cánh tay nối dài" cho dịch lây lan xa hơn".