Chuyên gia bàn về đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn"

10:10 25/11/2021

Ngày 21/11 vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức hội thảo giáo dục với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo".

VnExpress đưa tin, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) đã nêu quan điểm cá nhân khi phát biểu tham luận. Cụ thể, ông nói: "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".

 
"Tiên học lễ, hậu học văn" là khẩu hiệu đã có từ bao đời nay tại Việt Nam. (Ảnh: Báo Đồng Khởi)
"Tiên học lễ, hậu học văn" là khẩu hiệu đã có từ bao đời nay tại Việt Nam. (Ảnh: Báo Đồng Khởi)

GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, để con người có thể chủ động hơn, cần khởi đầu từ việc thay đổi quan niệm cũ, không sử dụng các cách biểu đạt có tính thụ động, ví dụ như cụm từ "con ngoan trò giỏi" (ngoan mang nghĩa "dễ bảo, vâng lời", giỏi mang nghĩa "thuộc bài").

"Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo... Chừng nào còn đề cao chữ ‘lễ’ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển", ông nhấn mạnh.

Ngay lập tức, ý kiến của vị GS trên nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Bàn về quan điểm này, VnExpress cho hay, ThS. Phan Thế Hoài (thầy giáo Ngữ văn tại TP.HCM) nhận định, cần hiểu chữ "lễ" theo quan điểm hiện đại.

 
Dạy lễ nghĩa cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ là điều ngành giáo dục luôn thực hiện. (Ảnh: Pinterest)
Dạy lễ nghĩa cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ là điều ngành giáo dục luôn thực hiện. (Ảnh: Pinterest)

Thầy Hoài cho biết, Trần Trọng Kim đã có những lí giải về chữ “lễ” một cách thâm thúy qua tác phẩm Nho giáo. Theo đó, lễ làm cho mọi sinh hoạt trong đời sống xã hội trở nên quy củ: Đạo đức nhân nghĩa, nếu không có lễ sẽ không thành; dạy bảo, sửa đổi phong tục, nếu không có lễ không đủ; trong vấn đề xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không thể quyết được; vua tôi, trên dưới hoặc cha con, anh em trong nhà, không có lễ không định; còn khi học làm quan, thờ thầy, nếu không có lễ sẽ không thân.

Từ đó, người thầy này khẳng định, Nho giáo và chữ Lễ không "trói buộc con người" như những gì GS Trần Ngọc Thêm nhìn nhận. Bên cạnh đó, lễ cũng không phải là nguyên nhân làm nảy sinh bệnh thành tích hay trói buộc tư duy của người học, người dạy…

Mới đây nhất, chia sẻ với Dân Trí, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, cá nhân ông không đồng ý với quan điểm bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ông nhận định, cái gốc cơ bản ở trong mỗi người là “đức”. Ở đây, có thể hiểu “lễ” chính là đức hạnh. Người không có đức nghĩa là người không giữ được mối quan hệ tốt đẹp với xung quanh.

 
Chân dung PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. (Ảnh: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam)
Chân dung PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. (Ảnh: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam)

Do đó, trong triết lí giáo dục của khá đông gia đình hiện nay, điều trước tiên họ muốn các con học được là biết hiếu nghĩa, giữ đức hạnh với ông bà, cha mẹ. Và dù người đó có giỏi thế nào, nếu không có đạo đức cũng sẽ không toàn vẹn. Cuối cùng, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" luôn đúng, dù ở bất kì thời đại nào.

Về vấn đề phản biện của học trò trong giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, muốn đổi mới ngành giáo dục, điều quan trọng nhất là phải hiểu được nội hàm của vấn đề. Ở đây là cần nắm rõ nội dung chương trình giảng dạy và cách thức truyền đạt của giáo viên.

“Nếu muốn đổi mới giáo dục thì phải đổi mới những vấn đề này, thay vì đòi thay đổi khẩu hiệu. Nói cách khác, muốn khuyến khích học sinh gia tăng kĩ năng phản biện, không cần bỏ khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ mà người thầy phải áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới mẻ hơn…”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết.

Hiện, quan điểm bỏ khẩu hiệu đã gắn bó lâu đời với ngành giáo dục Việt Nam của GS Trần Ngọc Thêm vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Bạn có suy nghĩ gì, hãy chia sẻ cho YAN biết nhé!

QUAN ĐIỂM CẢI TIẾN CHỮ QUỐC NGỮ GÂY RA NHIỀU TRANH LUẬN

Trong quá khứ, từng có một đề xuất nhận về nhiều ý kiến tranh cãi từ cộng đồng mạng. Cụ thể, PGS.TS Bùi Hiền (Nguyên Hiệu phó trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) cho rằng, nên cải tiến chữ quốc ngữ dựa trên tiếng nói văn hóa của TP.Hà Nội về âm vị cơ bản và 6 thanh điệu chuẩn.

“Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương kí nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỉ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lí, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…”, PGS.TS Bùi Hiền chia sẻ.