Một ngày cũng như mọi ngày, tôi đứng trước gương và nhìn chính mình qua chiếc gương soi. Cà vạt đã được thắt đẹp đẽ. Tôi đến bệnh viện, thời tiết hôm nay khá là đẹp. Tôi mỉm cười chào đồng nghiệp hay đáp lại nụ cười của mấy cô y tá. Tự nhiên, một âm thanh lướt ngang qua làm tôi khựng lại...
Một bé trai tầm 6 7 tuổi đang òa khóc trên tay người cha, còn người mẹ thì cũng ra sức dỗ dành. Cũng dễ hiểu thôi, tôi vừa lướt ngang khoa nhi mà. Ở đây không có tiếng khóc của con nít thì mới là chuyện lạ. Tôi hướng về nơi làm việc của mình mà tiếp tục bước. Lịch trình làm việc cũng vẫn như mọi khi, tôi ngồi xuống bàn làm việc quen thuộc và lật bệnh án của bệnh nhân bắt đầu đọc. Bỗng dưng hình ảnh đứa bé trai lúc nãy làm tôi nhớ lại câu chuyện năm ấy…
Tôi còn nhớ năm đó tôi chuẩn bị vào lớp 2, mặc dù cả bố và ông nội đều là bác sĩ nhưng tôi vẫn không thể tránh được nỗi ám ảnh như bao đứa trẻ khác: tôi sợ kim tiêm. Mùa hè chỉ vừa bắt đầu đến, mấy cơn mưa đầu mùa khiến tôi cảm sốt suốt, mẹ đưa tôi đến bệnh viện. Có lẽ tôi là đứa khóc to nhất chỗ ấy, bố mua cho tôi một cây kẹo ngọt và đưa mẹ đi lấy thuốc còn tôi thì ngồi chơi ở chỗ dành cho trẻ con. Mặc dù cây kẹo ngọt đó tôi rất thích nhưng nó cũng không khiến tôi dừng khóc và quên chỗ vừa bị tiêm. Tôi lại khóc to hơn khi mẹ đi mãi mà chưa trở lại…
- Anh khóc cái gì đấy? Tiêm thuốc xong được kẹo mà vẫn khóc à?
Tôi giật mình với cái giọng nói đâu đó vang bên tai. Sau vài lần dụi mắt, đập vào mắt tôi là một cặp mắt tròn xoe với hai bím tóc vàng. Tôi không khỏi hiếu kì nhìn chăm chăm cái đứa trước mặt mình. Trông nó có vẻ xanh xao và không được khỏe. Có lẽ vì thấy một đứa con gái trước mặt nên tôi cũng vội nín ngay. Ai lại để con gái dỗ bao giờ…
- Bị tiêm nên đau thì mới khóc.
Có vẻ như con bé chẳng để tâm tôi đang nói gì mà giống như nó chờ tôi nói câu đó thì hơn. Tôi trố mắt nhìn nó từ từ kéo hai tay áo lên. Những vết bầm liên chi chít trên tay nó khiến tôi có thoáng run sợ. Tôi vừa bị tiêm một lần thôi đã đau thấu trời thế này rồi. Tôi còn chưa kịp mở miệng, nó bật cười:
- Anh can đảm lắm đó. Mấy đứa khác vừa nhìn thấy đã che mặt lại hoặc khóc y như anh lúc nãy rồi.
- Em bị ốm nặng à? Sao lại tiêm nhiều thế?
- Em không biết nữa. Mẹ em nói em phải ngoan ngoãn để bác sĩ tiêm thuốc thì mới có thể mau khỏi bệnh. Thế thì em mới có thể trở lại trường học. Em nhớ các bạn lắm. Anh bị bệnh gì thế?
- Anh bị sốt. Còn em?
- Thế là không giống em rồi. Em bị ung thư.
Tôi vẫn còn nhớ y nguyên vẻ mặt của con bé ấy. Bản thân là con nhà nghề, cho dù chỉ mới là đứa trẻ lên 7, tôi vẫn lờ mờ hiểu được căn bệnh đó rất nguy hiểm. Nhiều lần tôi thấy bố trầm ngâm trên bàn ăn cơm. Tôi nghe mẹ kể lại, đó là khi một bệnh nhân mà bố điều trị không cứu được nữa. Thấy tôi cứ nhìn nó, còn nó thì nhìn cây kẹo của tôi. Sau khi tôi đưa cho nó nếm thử, nó nói:
- Nếu mà em lần nào cũng được kẹo ngon như anh, em sẽ không khóc đâu.
- Vậy lúc nãy em nói em không khóc.
- Thì là chuyện bây giờ thôi. Lúc bắt đầu tiêm em cũng khóc nhiều lắm.
Tôi chạy theo con bé đi chơi mỗi ngày. Bởi vì nhà của tôi rất gần bệnh viện và lần nào tôi cũng đều mang kẹo cho nó. Tuy nhiên, điều ấy không kéo dài được lâu. Bố tôi chính là người điều trị của con bé và căn bệnh của nó đã đi đến giai đoạn xấu.
Mùa hè đối với người khác thì sao tôi không biết, tôi chỉ nhớ mùa hè năm nào đối với tôi cũng dài và tôi luôn nhớ trường nhớ lớp suốt quãng đời học sinh. Duy chỉ mùa hè năm ấy, tôi cảm thấy sao mọi thứ trôi qua quá nhanh và quá ngắn.
Tôi nhớ những ngày sau đó, con bé thậm chí đã không còn có thể tự chạy nhảy trên đôi chân của mình. Cho dù gặp nó, tôi thậm chí còn phải đeo khẩu trang. Dù căn bệnh của con bé không lây nhiễm nhưng khi đó tôi vẫn chỉ còn là một đứa trẻ với sức đề kháng yếu nên bố muốn giữ cho tôi an toàn trước môi trường trong bệnh viện. Tóc của nó vốn không phải màu vàng. Thực sự tóc của nó đã rụng hết vì những đợt điều trị đau đớn này. Lúc đó, nó đã không ăn kẹo được nữa, tôi ngồi cạnh nó, nó ngồi trên xe lăn, chúng tôi cùng nhìn về cái khu vui chơi dành cho trẻ em trong bệnh viện: nào là xích đu, nào là cầu trượt rồi cả cái bãi cát tha hồ xây lâu đài nữa... Thú thật thì ai đến đây mà cảm thấy vui chứ, chỉ có trẻ con là không lo nghĩ, cho dù đến đây với một căn bệnh nhẹ hay cơ thể đang mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, chỉ cần còn đủ sức khỏe, chúng lại vô tư tươi cười trước những nguồn vui giản đơn như thế.
Tôi hỏi nó:
- Nếu bác sĩ không chữa trị khỏi thì em có trách họ không?
Con bé nhìn tôi một hồi lâu, có nhiều lúc tôi không nghĩ nó chỉ là một đứa trẻ 6 tuổi. Ánh mắt của nó vẫn khiến tôi ấn tượng đến ngày hôm nay. Nó lắc đầu:
- Em tin bác sĩ sẽ chữa khỏi cho em. Sau này lớn lên, em cũng muốn làm bác sĩ.
- Ngày mai anh sẽ đến trường, sau giờ học, anh mang tập đến dạy cho em nhé.
- Anh dạy em hả?
Tôi vẫn còn nhớ câu nói đó, ánh mắt hồ hởi khi nó nghe tôi nói rằng tôi sẽ đến. Tôi vốn cũng chỉ là đứa trẻ 7 8 tuổi, quá nhỏ để hiểu trọng lượng và trách nhiệm của lời hứa. Ba tháng hè trôi qua khiến tôi nhớ mấy đứa bạn kinh khủng. Tôi liên tục cả tuần không đến bệnh viện vì phải đến trường mỗi ngày, tan học thì lại chạy đến nhà chúng nó. Cho mãi đến cuối tuần, tôi lại đòi bố đưa tôi đến bệnh viện. Ông không nói gì cả, ông chỉ im lặng và đội mũ lên cho tôi…
Mấy tháng trời chỉ đến đây chơi khiến tôi thuộc đường đi nước bước. Tôi chạy đến phòng của con bé ấy nằm. Nhưng mà lạ chưa, sao lại là người khác chứ? Tôi chạy ra cửa nhìn lại số phòng rồi lại chạy vào. Tôi đâu có đi sai chỗ đâu. Lúc này bố tôi mới bước vào, nhìn gương mặt ngơ ngác của tôi, bố cũng chỉ lặng im:
- Bạn con đâu rồi bố? Bạn nằm ở giường ngay cửa sổ ấy.
Bố không nói gì, ông chỉ bế tôi lên rồi đưa tôi ra khỏi chỗ đó. Tôi vẫn liên lục lặp lại câu hỏi đó cho đến khi bố dừng lại, ông đặt tôi xuống một cái khuôn viên nhỏ. Tôi nhìn thấy có một tượng Thánh giá và những cái tượng thiên thần. Mắt tôi bắt đầu ửng đỏ lên. Tôi nhớ ánh mắt này của bố, đó là những khi mẹ nói một bệnh nhân nào đó của bố lại không cứu được. Bố cúi xuống giữ chặt hai vai tôi giọng ôn tồn:
- Con trai, chúng ta hãy nghĩ rằng, người bạn đó của con đã đi gặp những thiên thần khác. Sau một trận chiến đầy quả cảm... hẳn là bạn cũng đã mệt mỏi rồi.
- Thiên thần ở chỗ nào hả bố?
- Mỗi khi con nhớ bạn ấy, hãy nhìn lên trời, như con thấy đấy, bầu trời thì lúc nào cũng đẹp, lúc nào bạn cũng sẽ nhìn thấy con. Giống như mỗi ngày bạn đó chờ con đến chơi với bạn vậy.
- Có phải vì mấy ngày liên tục con không đến nên bạn ấy giận con không?
- Con không đến trễ. Bạn ấy chỉ có hẹn với thiên đường sớm hơn chúng ta mà thôi.
Tôi đã khóc rất lâu. Mãi sau này, tôi mới hiểu, căn bệnh của con bé vốn đã không cứu được. Ngày cuối cùng nó và tôi ngồi nói chuyện với nhau, tối hôm đó nó đã ra đi rồi. Mặc dù nỗi buồn đó cũng dần dần phai phôi, tuy nhiên, nó lại khiến tôi dần có động lực và khát vọng trở thành một bác sĩ khoa Ung bướu. Cho đến hiện tại, năng lực của bác sĩ hay khả năng của Y học vẫn chưa thể hoàn toàn chiến thắng được căn bệnh hiểm nghèo mà khi xưa con bé đó mắc phải. Tôi hiểu rằng có những thứ chúng ta đã làm hết sức và số phận của người đó chỉ dừng lại có vậy. Giờ đây, khoác trên mình chiếc áo blouse, tôi vẫn còn nhớ lời của con bé năm đó. Tôi muốn trở thành một bác sĩ để cứu người, nếu không thể cứu họ, ít nhất tôi có thể dùng hết khả năng của mình mà giữ họ lại lâu hơn với những dở dang của trần thế.
Rảo bước quanh khuôn viên năm đó, những bức tượng đã nhuốm màu thời gian mặc dù mọi thứ vẫn y nguyên đây. Tôi lấy trong túi ra một cây kẹo mút và đặt cạnh một cái tượng thiên thần:
- Ở trên đó em thế nào rồi? Anh đã trở thành bác sĩ, sẽ tiếp tục thay em viết nên giấc mơ cứu người. Em có thấy được không? Anh là người vô thần, suốt đời chỉ tin vào khoa học. Nhưng mỗi khi nghĩ về em, anh lại có niềm tin mãnh liệt vào Chúa, anh tin rằng, ở trên tầng mây trắng kia.. thực sự nơi đó có thiên đường...