Vụ hàng chục con chó dữ trước đó tấn công bé trai Nguyễn Đắc Ng. (SN 2012) tử vong vào chiều 3/4 ở thôn Đồng Lý, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, Hưng Yên) đã khiến dư luận xôn xao.
Trao đổi với chúng tôi, người dân địa phương cho biết đã nhiều lần cảnh báo chủ đàn chó vì từng cắn nhiều người và gia súc nhưng không được chủ nhà tiếp thu.
Cũng ngay trong chiều 4/4, công an huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên phối hợp với các cơ quan chức năng xuống nhà bà Lê Thị An (chủ đàn chó) để bắt giữ đàn chó này.
Có khá đông công an tham gia bắt và bảo vệ hiện trường. Rất đông người dân tập trung theo dõi vụ việc. Tất cả đều cho rằng cần phải bắt giữ và tiêu hủy đàn chó này để tránh gây nguy hiểm cho người dân địa phương.
Theo ghi nhận đến 17h cùng ngày sau khi vào nhà khảo sát lực lượng chức năng đã tạm hoãn việc bắt đàn chó của gia đình bà An.
Việc này sẽ được thực hiện vào ngày hôm nay (5/4).
Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, trong vụ việc này, dù luật đã có quy định rõ ràng nhưng tất cả đều dựa trên kết quả điều tra từ cơ quan Công an để xem xét trách nhiệm chủ đàn chó tấn công bé trai tử vong.
Theo luật sư Thanh, trong trường hợp chó không có rọ mõm cắn người khác ở nơi công cộng, nơi đông người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe (với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên), thì chủ chó còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2017 với hình phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, chủ chó phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo Điều 603 Bộ luật dân sự quy định về "Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra".
Luật sư Thanh chia sẻ, việc chó chạy rông không có người đi kèm hoặc có người đi kèm nhưng không rọ mõm tại nơi công cộng tạo ra những nguy hiểm tiềm tàng cho người khác.
Trên thực tế, nhiều trường hợp người dân đã bị chó cắn gây thiệt hại đến sức khỏe, tiền bạc và không ít trường hợp còn nguy hiểm đến cả tính mạng. Ngay cả khi không bị chó cắn, thì hình ảnh chó chạy rông cũng gây nên sự lo lắng, sợ hãi đối với nhiều người, khiến họ cảm thấy mất an toàn.
Luật sư Thanh dẫn chứng các Nghị định số 05/2007/NĐ-CP về phòng, chống bệnh dại ở động vật, chủ nuôi chó khi đưa cho ra ngoài nơi cộng cộng phải rọ mõm chó; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định 167/2013/NĐ-CP hay Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính Phủ.
"Mặc dù đã có nhiều chế tài xử lý nhưng tình trạng chó thả rông, không rọ mõm vẫn khá phổ biến. Điều này, có nghĩa là số người bị phạt tiền chưa nhiều đến mức khiến người ta phải nghiêm chỉnh chấp hành", Luật sư Thanh nhận định.
Các tin tức Đời sống - Xã hội sẽ liên tục được cập nhật trên YAN NEWS!