Theo VietNamNet, cây sanh cổ có tên “Tiên lão giáng trần” này lần đầu được ra mắt giới cây cảnh vào năm 2018 tại triển lãm sinh vật cảnh tổ chức ở Nam Định. Ngay lập tức, cây sanh đặc biệt này đã gây xôn xao nhờ dáng thế lạ, đến tiểu cảnh đi kèm cũng tinh tế, độc đáo.
Với tuổi đời trên 60 năm, cây sanh đã qua tay rất nhiều đời chủ. Bên cạnh đó, điểm nhấn đặc biệt nhất đi kèm còn phải kể đến chậu cây được dát 5 lượng vàng, trị giá đến 185 triệu đồng ở thời điểm đó.
Cây sanh cổ đặt giữa trung tâm triển lãm khiến ai cũng phải để mắt đến. (Ảnh: VietNamNet)
Được biết, cây sanh cổ có nguồn gốc từ Phú Thượng, Hà Nội, được một người ở Nam Định có được rồi đem bán cho anh N.V.O ở Thái Bình. Sau đó, một doanh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh đã mua lại với giá 10 tỷ đồng.
Cũng trong buổi triển lãm sinh vật cảnh năm 2018, có đại gia nhìn trúng vẻ độc đáo của cây sanh, sẵn sàng chi ra 15 tỷ đồng nhưng chủ nhân vẫn không bán. Vì giá trị quá lớn mà trong suốt những ngày tham gia triển lãm, cây sanh đều có bảo vệ riêng túc trực 24/7, căng dây để ngăn cách với khách tham quan.
Cây sanh có bảo vệ riêng canh gác vì giá trị quá lớn. (Ảnh: Người Đưa Tin)
Mãi về sau, “Tiên lão giáng trần” mới được ông D.V.M ở Thường Tín, Hà Nội mua rồi tiếp tục bán cho nghệ nhân N.V.C với giá 16 tỷ đồng. Hiện tại, cây sanh đã thuộc quyền sở hữu của ông P.V.T ở Phú Thọ sau phi vụ chuyển nhượng lên đến 28 tỷ đồng vào tháng 6/2020.
Đáng nói là dù số tiền bỏ ra vô cùng lớn nhưng ông T. cho biết giá này vẫn còn rẻ và nếu có gấp đôi vẫn sẽ mạnh tay chi trả. Trước vụ mua bán tiền tỷ này, chủ tịch hội cây cảnh huyện Thường Tín đánh giá đây được xem là giao dịch lịch sử giúp phát triển làng cây cảnh Việt.
Lễ rước cây sanh "Tiên lão giáng trần" của đại gia Phú Thọ. (Ảnh: VietNamNet)
Để đưa được cây sanh này về nhà, ông T. ngoài thuê xe tải để chở còn có hàng chục chiếc xe sang khác nối đuôi nhau đưa sanh cổ đi vòng quanh thành phố Việt Trì. Điều này cho thấy ông T. yêu thích và quý trọng gốc cây quý này như thế nào.
Những cây sanh tuổi đời càng cao thì càng có giá trị. Thêm vào đó, sẽ có nhiều nghệ nhân bỏ ra hàng chục năm để tạo dáng, chăm sóc tỉ mỉ nên dù giá trị đắt đỏ vẫn sẽ có người yêu cây mong muốn sở hữu.
Ngoài cây sanh “Tiên lão giáng trần” này, giới cây cảnh Việt Nam còn từng xuất hiện cây sanh cổ hình thuyền rồng ở Vĩnh Phúc có tuổi đời gần 300 năm. Chia sẻ với Dân Trí, chủ nhân hiện tại của cây sanh cho biết, phải qua 8 đời chủ ông mới sở hữu được chậu cây quý này. Từng có người trả 6 tỷ đồng để mua lại nhưng vẫn không nhận được cái gật đầu từ người bán.
Cây sanh được tạo dáng giống thuyền rồng của vua Lý Thái Tổ. (Ảnh: Dân Trí)
Hay giá trị khủng hơn phải kể đến cây sanh “Nham thạch bách niên” của một doanh nhân Thanh Hóa được định giá hơn 20 triệu USD (hơn 460 tỷ đồng) khiến giới chơi cây cảnh choáng ngợp. Với 9 thân vạm vỡ, chắc khỏe, tay tán bông đĩa tỷ lệ hợp lý, cũng không quá ngạc nhiên khi cây sanh lại được nhận định giá trị như vậy.
Cây sanh trị giá hơn 450 tỷ đồng. (Ảnh: 24h)
Giống như lan đột biến, việc giá của những cây sanh này đều từ tiền tỷ cho đến trăm tỷ đồng cũng khiến nhiều người hoài nghi về việc thổi giá. Nhưng không thể phủ nhận, những cây sanh bề thế như vậy đều trông rất đẹp mắt.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
THÚ CHƠI CÂY CỔ THỤ CÓ NÊN ĐƯỢC DUY TRÌ VÀ NHÂN RỘNG?
Việc chơi những loại cây cổ thụ như cây sanh trên đây, thoạt nhìn có vẻ là thú vui rất tao nhã thế nhưng nếu nhìn sâu xa hơn thì nó lại là một trong những tác nhân tàn phá núi rừng.
Những gốc cây cổ thụ quý, dáng đẹp muốn có được phải đưa từ rừng sâu về. Và dĩ nhiên, công cuộc tiếp cận thì không hề đơn giản vì việc chặt phá rừng bừa bãi là không được phép.
Khi chặt một gốc cổ thụ về xuôi, chẳng ai nghĩ đó là hành động phá rừng. Nhưng nếu có đến hàng trăm, hàng ngàn gốc cây bị đào lên thì sẽ khiến các khu rừng trở nên cạn kiệt đến mức nào. Từ đó, liệu thú chơi cây cổ thụ có còn tao nhã như những gì nó vốn được nhìn nhận?