Chợ hormone ở Thái và những tâm sự nghẹn lòng của người chuyển giới

07:00 25/02/2016

Để sống thật với bản thân mình, những người chuyển giới ở Thái phải trải qua khó khăn, hiểm nguy, đôi khi bất chấp cả tính mạng.

Tuy là quốc gia có tỉ lệ người chuyển giới cao nhất nhì thế giới, nhưng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới ở Thái Lan còn rất hạn chế. Rất nhiều người đã đến các khu chợ đen để tìm hormone và thực hiện quá trình tự chuyển giới với rất nhiều rủi ro chết người.

Câu chuyện về anh Chalit Pongpitakwiset - một nhân viên phần mềm tại Băng Cốc, là một ví dụ điển hình. Ngay từ khi sinh ra, Chalit luôn nghĩ rằng mình là nam giới, và năm nay, khi đã 25 tuổi, Chalit muốn được mọi người công nhận mình là một người đàn ông thực thụ. Tuy nhiên, không giống như đại đa số người chuyển giới ở châu Á – chủ yếu tự sử dụng hormone mà không có bất kì sự hỗ trợ nào, Chalit đang tiến hành quá trình chuyển giới nhờ tiêm hormone tại một trung tâm y tế có uy tín. Chalit nói: “Tính mạng của tôi giờ đây nằm trong tay bác sĩ”.


Anh Chalit Pongpitakwiset, một người đang trong quá trình chuyển giới. (Ảnh: AFP)
Anh Chalit Pongpitakwiset, một người đang trong quá trình chuyển giới. (Ảnh: AFP)

Chia sẻ về câu chuyện của mình, anh Chalit nói: “Tôi không tự mình muốn tiêm sao thì tiêm mà nhờ bác sĩ nên chuyện này cũng không đến nỗi nguy hiểm lắm”. Vài ngày sau mũi tiêm hormone đầu tiên, Chalit trở lại trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới của Hội Chữ Thập Đỏ có tên Tangerine để kiểm tra máu. Trung tâm này là một chương trình thí điểm với hi vọng sẽ được nhân rộng ra khắp châu Á, để chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới tốt hơn.

Thái Lan là một trong những đất nước có số người chuyển giới đông đảo nhất thế giới, đồng thời là điểm đến phổ biến dành cho những người có mong muốn phẫu thuật chuyển giới. Nhưng cũng giống như các quốc gia khác ở châu Á – Thái Bình Dương – khu vực có số người chuyển giới lên đến con số 9 triệu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn cho đối tượng này thật sự là một nhu cầu cấp thiết, không chỉ với Thái Lan.


Chalit Pongpitakwiset và bạn gái. (Ảnh: AFP)
Chalit Pongpitakwiset và bạn gái. (Ảnh: AFP)

Trung tâm này là một trong số những nơi hiếm hoi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn, về cả sinh lí và tâm lí cho những người từng trải qua phẫu thuật chuyển giới, nhằm giảm thiểu khả năng bị nhiễm trùng hay biến chứng cho bệnh nhân. Bác sĩ Nittaya Phanuphak tại trung tâm Tangerine cho biết: “Rất nhiều trung tâm phẫu thuật chuyển giới hiện nay chỉ chăm sóc bệnh nhân trong một khoản thời gian ngắn mà thôi”.


Tangerine là một trong số những nơi hiếm hoi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn, về cả sinh lí và tâm lí cho những người từng trải qua phẫu thuật chuyển giới. (Ảnh: Bangkok Post)
Tangerine là một trong số những nơi hiếm hoi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn, về cả sinh lí và tâm lí cho những người từng trải qua phẫu thuật chuyển giới. (Ảnh: Bangkok Post)

Hormone “lậu”

Ở Thái Lan, các loại hormone được bán rộng rãi trên mạng và các nhà thuốc. Hầu hết những người muốn chuyển giới tìm mua chúng qua lời giới thiệu của bạn bè, hoặc thành viên trên mạng xã hội, diễn đàn. Đó là trường hợp của Benyapon Chimsud, một cử nhân mới tốt nghiệp, đã sử dụng hormone để trở thành một cô gái trong suốt 2 năm qua chỉ thông qua tham khảo bạn bè.

Hàng tháng, Benyapon đến một phòng khám khá thô sơ gần khu mình sống để tiêm hormone estrogen. Việc này thực chất là đã sai so với quy định chuẩn của ngành y tế, vì bệnh nhân dễ nhận được lời khuyên không chính xác và phải đối mặt với nguy cơ sử dụng hormone quá liều, khi vội vã muốn có kết quả nhanh.


Loại hormone này giúp Chalit rũ bỏ tất cả những đặc tính sinh lí của nữ giới, dần trở thành một người đàn ông. (Ảnh: AFP)
Loại hormone này giúp Chalit rũ bỏ tất cả những đặc tính sinh lí của nữ giới, dần trở thành một người đàn ông. (Ảnh: AFP)

Quay lại câu chuyện của Chalit, trước khi tiêm mũi hormone đầu tiên, anh phải gặp một bác sĩ tâm thần để chuẩn bị về mặt tâm lí cho bệnh nhân. “Bác sĩ hỏi tôi rằng tôi muốn trở thành đàn ông trong bao lâu, rồi bạn bè và những người xung quanh có chấp nhận sự thay đổi này không” Chalit kể lại.

Giờ đây, cứ mỗi hai tuần, Chalit lại phải tiêm hormone một lần. Loại hormone này làm dừng kinh nguyệt, thay đổi giọng nói, kích thích mọc râu và ria mép, phát triển cơ bắp. Loại hormone này giúp Chalit rũ bỏ tất cả những đặc tính sinh lí của nữ giới, dần trở thành một người đàn ông.


Chalit và bạn gái. (Ảnh: AFP)
Chalit và bạn gái. (Ảnh: AFP)

Việc theo sát cả về sinh lí và tâm lí giúp Chalit tránh được nguy cơ ảnh hưởng dến sức khỏe, tính mạng do dùng sai liều hormone, thậm chí là lây nhiễm HIV nếu sử dụng chung kim tiêm.

Joe Wong – một nhân viên thuộc mạng lưới người chuyển giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Transgender Network) cho rằng cộng đồng y tế chính thống đang lãng quên vấn đề chăm sóc sức khỏe dành cho người chuyển giới: “Không hề có tài liệu hướng dẫn chính thức về việc sử dụng và quản lí hormone ở người chuyển giới”.

Vẫn còn phân biệt đối xử…

Mặc dù Thái Lan đã có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề chuyển đổi giới tính nhưng nhiều tầng lớp trong xã hội vẫn còn bảo thủ sâu sắc. Chẳng hạn như đối với các “ladyboy” – từ dùng để chỉ những người đàn ông chuyển giới thành phụ nữ, thường phải phục vụ trong ngành công nghiệp tình dục và giải trí. Mặt khác, những người có học thức cao cũng phải rất chật vật để giữ vững vị trí, hoặc thăng tiến tại chốn công sở. Hôn nhân đồng tính vẫn không được công nhận về mặt pháp lí, thậm chí, mãi cho đến năm 2012, người ta mới không còn xem đồng tính là một căn bệnh nữa.


Theo bác sĩ Nittaya tại trung tâm Tangerine, sự phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe, dẫn đến những rào cản không đáng có cho người chuyển giới. (Ảnh: Internet)
Theo bác sĩ Nittaya tại trung tâm Tangerine, sự phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe, dẫn đến những rào cản không đáng có cho người chuyển giới. (Ảnh: Internet)

Chalit là một trong số ít những người ý thức được sự nguy hiểm của việc tự mình sử dụng hormone không theo liều lượng của bác sĩ, đồng thời đã cam kết liệu pháp tiêm hormone dài hạn để chuyển giới. Được biết, vài ngày trước khi quá trình chuyển giới bắt đầu, Chalit đã xăm hình phân tử hormone testosterone lên cánh tay. “Tôi sẽ phải tiêm hormone cho đến hết đời, và hình xăm này chắc chắn sẽ theo tôi cũng chừng ấy thời gian” Chalit chia sẻ ý nghĩa của hình xăm đặc biệt này.


“Tôi sẽ phải tiêm hormone cho đến hết đời, và hình xăm này chắc chắn sẽ theo tôi cũng chừng ấy thời gian” . (Ảnh: AFP)
“Tôi sẽ phải tiêm hormone cho đến hết đời, và hình xăm này chắc chắn sẽ theo tôi cũng chừng ấy thời gian” . (Ảnh: AFP)