Khó hoàn lại diện mạo di tích cổ, ê-kíp phim tự ý vẽ bẩn nhận phạt

18:50 10/11/2021

Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin, ngày 10/11, ông Phan Văn Hòa, chủ tịch UBND xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã có quyết định xử phạt đối với ông Trương Đức Thắng - họa sĩ đoàn làm phim tô vẽ lên giếng cổ tại Làng cổ Đường Lâm.

Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, ông Trương Đức Thắng sẽ bị phạt 2 triệu đồng cho hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

 
Giếng cổ sau khi bị đoàn phim tự ý tô vẽ màu lên. (Ảnh: VietNamNet)
Giếng cổ sau khi bị đoàn phim tự ý tô vẽ màu lên. (Ảnh: VietNamNet)

Cùng với đó, chủ tịch UBND xã yêu cầu ông Thắng cùng đoàn làm phim khắc phục hậu quả, khôi phục lại hiện trạng ban đầu của giếng cổ bên đình làng Mông Phụ, Làng cổ Đường Lâm.

Ông Phan Văn Hòa cho biết, đây là biện pháp răn đe đối với các đoàn làm phim, tổ chức, cá nhân khác khi đến Làng cổ Đường Lâm thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật không được phép tự ý tác động, vi phạm vào di tích.

Trước đó vào ngày 7/11, đoàn làm phim hài Tết đã đến làng cổ để quay phim và người trong ê-kíp đã tự ý tô vẽ màu lên giếng cổ nằm trong khuôn viên Di tích quốc gia. Đáng nói hơn, giếng cổ này thuộc khu vực bảo vệ cấp 1, phải được bảo vệ nguyên trạng và mặt bằng và không gian, tuân thủ theo Luật di sản văn hóa.

 
Vẻ cổ kính ban đầu của di tích trong Làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Báo Văn Hóa)
Vẻ cổ kính ban đầu của di tích trong Làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Báo Văn Hóa)

Việc làm này đã khiến rất nhiều người sinh sống gần đó bức xúc, kéo đến địa điểm quay phim và đề nghị đoàn dừng ngay hoạt động xâm phạm di tích.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị G.V.A. ở thôn Mông Phụ cho biết, đoàn làm phim này đã nhiều năm quay hài Tết tại Làng cổ Đường Lâm nên lần này chỉ “xin phép mồm” với chủ tịch xã. Thế nhưng đoàn lại tự ý tác động lên giếng cổ khi chưa được phép trong khi bà con nơi đây bao năm qua vẫn luôn cố gắng giữ lấy vẻ cổ kính, quý giá cho giếng cổ.

"Ở đây người dân muốn đổ một xe cát cũng khó khăn, phải trình bày, xin phép. Vậy mà họ từ đâu tới, ngang nhiên tự tiện làm biến dạng di tích quốc gia vốn bình thường phải được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phê duyệt mới được động vào.” - một người dân bức xúc nói.

 
Mọi người đang gột rửa đi lớp màu vẽ trên thành giếng. (Ảnh: Lao Động)
Mọi người đang gột rửa đi lớp màu vẽ trên thành giếng. (Ảnh: Lao Động)

Báo Lao Động có viết, từ tối ngày 7/11, nhiều người đã có mặt để cọ rửa thành giếng cổ nhưng do các vết vôi màu trộn keo sữa bám dính rất chắc nên việc tẩy rửa khá khó khăn. Bên cạnh đó, việc cọ mạnh để bay hết màu cũng làm mất luôn dấu vết rêu phong trên thành giếng.

Trưởng ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm - Nguyễn Đăng Thạo nói: “Cũng phải mất một thời gian nữa, hiện trạng di tích mới có thể phục hồi được như cũ. Việc xâm phạm này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề bảo tồn di tích ở Đường Lâm."

 
Bà con bức xúc vì có tẩy rửa cũng không thể lấy lại ngay hiện trạng của giếng cổ. (Ảnh: Lao Động)
Bà con bức xúc vì có tẩy rửa cũng không thể lấy lại ngay hiện trạng của giếng cổ. (Ảnh: Lao Động)

Sự việc xâm phạm di tích giếng cổ của đoàn làm phim những ngày qua đã nhận được sự chú ý lớn của dư luận. Bạn thấy sao về mức xử phạt hành chính này cho vi phạm trên, hãy chia sẻ cho chúng tôi biết nhé.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM: MIỀN QUÊ “MỘT ĐẤT HAI VUA” CỔ KÍNH

Ở nơi thủ đô luôn nhộn nhịp, xô bồ vẫn còn tồn tại một ngôi làng cổ đậm chất cổ kính, chứa đựng nét văn hóa độc đáo của làng quê Bắc Bộ ngày xưa. Đó chính là Làng cổ Đường Lâm nằm tại thị xã Sơn Tây.

Là quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền nên nơi đây còn thường được gọi là “một đất hai vua”. Bên trong làng cổ vẫn còn hơn 900 ngôi nhà mang lối kiến trúc truyền thống, có cây đa, bến nước, sân đình, cổ kính mà thanh tịnh.

Năm 2006, Làng cổ Đường Lâm chính thức được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Những địa điểm nổi tiếng trong làng có thể kể đến đình làng Mông Phụ, cổng làng Mông Phụ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, chùa Mía và những ngôi nhà thờ cổ.

Xem thêm tại đây!