Chính quyền lên tiếng vụ hai người không có nhà, sống trong ống cống

17:55 15/09/2021

Những ngày vừa qua, hình ảnh 2 người gồm 1 nam, 1 nữ không có nhà, phải sống tạm trong ống cống đã thu hút sự quan tâm, thương cảm của mọi người. Ngay sau khi nắm được thông tin, cơ quan chức năng và công an huyện Bình Chánh, TP.HCM đã lập tức vào cuộc làm rõ sự việc.

 
Hình ảnh 1 nam, 1 nữ sống trong ống cống thu hút sự quan tâm của mọi người. (Ảnh: K.S.C.)
Hình ảnh 1 nam, 1 nữ sống trong ống cống thu hút sự quan tâm của mọi người. (Ảnh: K.S.C.)

Cụ thể, Báo Lao Động đăng tải, ngày 14/9, nhiều người chia sẻ bài đăng với nội dung, người phụ nữ trong ảnh bị chủ trọ đuổi đi nên phải sống trong ống cống trên một con đường đang thi công liên ấp 5-6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Cùng ngày, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, ông Trần Vũ Hữu Duy cho biết, chính quyền địa phương đã xử lý ngay sau khi biết đến sự việc.

Tuy nhiên, qua xác minh, sự thật về câu chuyện không giống như những gì mạng xã hội đã lan truyền. Ông Duy nói trên Người Lao Động, 2 người này là anh N.Đ.B. (quê tại Thừa Thiên Huế) và chị T.T.K.L. (có người thân ở xã Vĩnh Lộc A nhưng chị không sống chung, hiện đang ở trọ). Trong bức ảnh, người nằm trong ống cống chính là anh B. chứ không phải con chị L. như thông tin trên mạng.

Thời gian vừa qua, do dịch bệnh phức tạp nên chủ trọ nơi chị L. lưu trú nhiều lần nhắc nhở chị không được đưa người ngoài vào, đồng thời báo cáo với ấp trưởng vì lo ngại nguy cơ lây lan dịch. Thế nhưng chị L. vẫn liên tục đưa anh B. về nhà trọ, không những vậy, trong nhiều lần tới đây, người đàn ông này còn gây mất trật tự nên chủ trọ quyết định mời chị L. rời đi.

"Cả hai dọn ra ống cống gần đó để ở tạm thì gặp nhóm thiện nguyện. Họ đã chụp đưa lên mạng xã hội ngay trong hôm đó", Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A nói trên Người Lao Động.

 
Hiện tại ống cống đã được chính quyền địa phương bịt lại. (Ảnh: Người Lao Động)
Hiện tại ống cống đã được chính quyền địa phương bịt lại. (Ảnh: Người Lao Động)

Về thông tin cho rằng chị L. thiếu tiền trọ, không có tiền xoay sở, ông Duy khẳng định, chị L. đã nhận 1,5 triệu đồng từ gói hỗ trợ. Hơn nữa, chính quyền địa phương còn 4 lần tặng lương thực, thực phẩm cùng gói an sinh cho chị, nên hoàn toàn không có chuyện để chị L. rơi vào cảnh khó khăn.

 
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội. (Ảnh: Cắt từ clip)
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội. (Ảnh: Cắt từ clip)

Trước diễn biến dịch phức tạp, tổ công tác đã tuyên truyền về nguy cơ lây nhiễm và vận động 2 người về nhà. Hiện tại, chị L. đã về nhà anh trai tại ấp 1, xã Vĩnh Lộc A, còn anh B. cũng chấp nhận về xã Vĩnh Lộc B sống cùng gia đình.

Ông Duy khẳng định: "Chính quyền địa phương đã nắm tình hình từ lâu và khi phát sinh sự việc 2 người chuyển ra ống cống ở, xã đã nhanh chóng vận động, hỗ trợ để anh B. và chị L. về lại gia đình mình, ổn định cuộc sống."

 
Chị L. thu dọn đồ chuyển về nhà người thân. (Ảnh: Người Lao Động)
Chị L. thu dọn đồ chuyển về nhà người thân. (Ảnh: Người Lao Động)

Qua sự việc trên, hi vọng tất cả chúng ta sẽ tìm hiểu sự việc kỹ càng hơn trước khi chia sẻ. Chỉ nên tiếp nhận và lan toả thông tin khi sự việc đã được xác thực nhé!

Các thông tin đời sống xã hội sẽ liên tục được cập nhật tại YAN!

CHIA SẺ THÔNG TIN SAI SỰ THẬT CÓ THỂ BỊ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Mặc dù người chia sẻ thông tin trên đều xuất phát từ ý tốt muốn giúp đỡ người khác. Song trong một vài trường hợp, nếu đăng tải tin sai sự thật, mọi người có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống,... có thể đối mặt với mức phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng.

Đồng thời, người vi phạm phải gỡ bỏ tất cả thông tin gây nhầm lẫn.

Xem thêm tại đây!