Dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con, nhất là những người dân sống tại TP.HCM - nơi từng được xem là tâm dịch lớn. Mới đây, theo báo cáo gửi UBND TP.HCM, Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM cho biết, sau khi tiến hành khảo sát trên địa bàn đã ghi nhận thành phố tăng thêm 4.118 hộ nghèo, cận nghèo chỉ trong vòng 10 tháng qua.
Sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, bà con TP.HCM đã bị ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tinh thần. (Ảnh: Thanh Niên)
Thanh Niên đăng tải, mới đây Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM đã gửi báo cáo cho UBND thành phố về kết quả khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, ghi nhận vào ngày 1/1/2021, TP.HCM có 53.901 hộ nghèo, cận nghèo với 212.098 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 2,13%/tổng hộ dân TP.HCM). Cụ thể có 34.953 hộ (với 138.124 nhân khẩu) thuộc hộ nghèo và 18.948 hộ (với 73.974 nhân khẩu) thuộc hộ cận nghèo.
Như vậy, chỉ sau 10 tháng, đến ngày 1/10/2021, TP.HCM đã tăng thêm 4.118 hộ nghèo, hộ cận nghèo (với 15.645 nhân khẩu). Trong đó, hộ nghèo tăng thêm 2.819 hộ (với 10.639 nhân khẩu) và hộ cận nghèo tăng 1.299 hộ (với 5.006 nhân khẩu).
Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca không qua khỏi vì Covid-19 không ngừng gia tăng.
Như vậy, đầu giai đoạn 2021 - 2025 (từ tháng 1 - 10/2021), tổng số hộ nghèo, cận nghèo tại TP.HCM là 58.019 hộ với 227.743 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 2,29%/tổng hộ dân TP.HCM).
Theo phân loại của Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM, có 449 hộ nghèo, cận nghèo (477 nhân khẩu) thuộc diện chính sách ưu đãi người có công; 7.148 hộ (8.154 nhân khẩu) hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.
Trong đó, số người thuộc hộ nghèo, cận nghèo làm tại cơ quan Đảng, nhà nước, các tổ chức là gần 27.000 trường hợp. Cụ thể, cán bộ/công chức, viên chức, người lao động là hơn 5.400 người; đảng viên, thành viên của các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn là hơn 21.500 người.
Bà con gặp khó khăn nhận được hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương. (Ảnh: Nhân Dân)
Thực tế, dù đã quay trở lại công việc thường nhật được 2 tháng nay, thế nhưng đời sống của bà con trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Đến nay, người lao động chỉ có thể nỗ lực từng ngày để kiếm thêm thu nhập, cố gắng vì một cái Tết ấm no, đủ đầy.
Nhận thức được điều đó, vừa qua, ngày 25/11, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội TP.HCM đã trình lên UBND nhân dân thành phố kế hoạch chăm lo đời sống của người dân trên địa bàn thành phố dịp Tết Nhâm Dần năm 2022.
Tuổi Trẻ đăng tải, tổng kinh phí được Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội TP.HCM đề xuất là 870 tỉ đồng, cao hơn năm trước 58 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để giúp đỡ cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hộ nghèo, thuộc diện bảo trợ chính sách...
Bà con, nhất là người lao động đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh gây nên. (Ảnh: Bộ Công Thương)
Hiện nay, việc hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống là một trong những điều được TP.HCM chú trọng. Vì vậy, trong thời gian này, mọi người không nên quá lo lắng, đồng thời hãy tập trung phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ bản thân.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
DỊP TẾT, LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN SẼ ĐƯỢC NHẬN HỖ TRỢ TỪ 1-2 TRIỆU ĐỒNG
Phát biểu tại hội nghị cung cấp thông tin về tình hình công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết sẽ hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn từ 1-2 triệu đồng dịp Tết Nguyên Đán 2022.
Giải thích chi tiết về điều này, ông Hiểu cho biết: “Dự kiến, công đoàn sẽ dành 2.400 tỉ đồng để hỗ trợ tất cả đoàn viên là công nhân lao động trong các doanh nghiệp dịp Tết. Mỗi người sẽ nhận được suất quà trị giá 300.000 đồng. Với những người khó khăn hơn, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm từ 1-2 triệu đồng từ nguồn tài chính công đoàn và từ nguồn xã hội hóa”.