Sự việc cháy rừng ở Úc không chỉ khiến người dân đất nước này lo lắng, mà còn khiến người dân khắp nơi trên thế giới quan tâm và không khỏi hoang mang. Bắt đầu từ cuối tháng 9/2019 kéo dài cho đến tận hiện tại, diễn biến của đợt cháy rừng này ngày càng phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cháy rừng kinh hoàng ở Úc (Ảnh: BBC)
Bầu trời nhuốm một màu đỏ chết chóc (Ảnh: BBC)
>> Xem thêm: Leonardo DiCaprio bị tổng thống Brazil đổ lỗi vụ cháy rừng Amazon
Nước Úc tan hoang trước thảm hoạ cháy rừng
Cháy rừng ở Úc bắt đầu bùng lên từ tháng 9/2019 và lây lan trên diện rộng. Tất cả các thành phố, trị trấn ở miền đông nam xứ sở chuột túi đang bị đe doạ nghiêm trọng. Nhiệt độ trung bình trong ngày hiện lên tới mức 40 độ C kèm theo gió lớn. Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, khói mịt mù khắp nơi, bầu trời chìm trong màu đỏ quạch chết chóc, không khác gì ngày tận thế. Hơn 100.000 người dân nhận lệnh sơ tán.
Theo tờ RFI, tại một thị trấn nhỏ cách Sydney khoảng 150 km, bầu không khí u tối bao trùm. Đường phố không một bóng người, còn siêu thị thì đông đúc bởi ai ai cũng muốn tích trữ nhu yếu phẩm, đặc biệt là nước. Những cột khói dày đặc, vàng cam bốc lên từ những ngọn đồi khiến cư dân trong vùng bàng hoàng. Nhiều người phải rời khỏi nhà để lên đồi cao, dựng tạm lều lưu trú.
Nhiều nơi công bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu người dân phải sơ tán (Ảnh: CNN)
Hàng ngàn lính cứu hoả ra sức làm nhiệm vụ dập cháy (Ảnh: BBC)
Lực lượng cứu hộ căng sức dập lửa nhưng với đặc tính thiên nhiên gió lớn cùng nhiều đồng cỏ khô hạn khiến đám cháy càng khó giải quyết hơn bao giờ hết. Hàng trăm vụ cháy rừng diễn ra khó kiểm soát, lửa bốc lên ngùn ngụt. Nhà chức trách liên tục kêu gọi người dân đi sơ tán kèm lời cảnh báo khẩn cấp trên toàn quốc. Chỉ số chất lượng không khí có lúc cao gấp 20 lần so với mức độc hại bình thường, khói đen phủ kín bầu trời.
>> Xem thêm: Cận cảnh dòng sông nước sôi 98 độ C, được mệnh danh là "nguồn nước của tử thần" tại Amazon
Ít nhất 20 người thiệt mạng, gần nửa tỷ sinh vật bị thiêu rụi trong đám cháy
Kể từ tháng 9/2019, có ít nhất 20 người đã chết vì cháy rừng tại Úc, hơn 1.500 ngôi nhà bị thiêu rụi. Trong ngày cuối cùng của năm 2019, hàng ngàn người chưa kịp sơ tán khỏi thị trấn đã phải chạy đến các bãi biển. Tới những ngày đầu tiên của năm 2020, có thêm 28 người nữa được xác nhận đang mất tích khi đám cháy chạm đến khu vực phía đông bang Victoria.
Có thể nói, người dân xứ sở chuột túi đang trải qua những tháng ngày bi thảm chưa từng có và phải đón giao thừa năm mới trong cảnh tháo chạy khỏi thần Lửa. Tại New South Wales - một trong những bang đông dân nhất nước Úc, người dân hốt hoảng chạy lửa trên những cung đường tắc nghẽn. Gần như mọi tiểu bang của Úc đều chìm trong đám cháy, kinh khủng nhất là New South Wales và Victoria khi tổng cộng 6 triệu hecta đất đã bị thiêu rụi.
Kangaroo chạy trốn đám cháy nhưng không thể (Ảnh: Twitter)
Người dân tháo chạy ra bờ biển, bất lực nhìn về đám cháy bên trong thị trấn (Ảnh: Twitter)
Gần nửa tỷ sinh vật đã bị thiêu rụi trong đám cháy. Người nông dân thậm chí phải tự tay bắn đàn bò của mình để kết thúc nỗi thống khổ của chúng bởi bỏng nặng. Tờ News của Úc cho biết 1/3 đàn Koala, tương đương 8.000 con còn sót lại ngoài tự nhiên, biểu tượng quốc gia của Úc đã chết, 1/3 nơi sinh sống của chúng bị tàn phá. Hàng trăm ngàn con dơi cũng rơi xuống đất chết thảm khi nhiệt độ quá 42 độ C. Xác Kangaroo la liệt trên đường, trên bãi biển vì chạy trốn đám cháy. Các chuyên gia sinh thái ước tính, hơn 480 triệu cá thể - gần nửa tỷ sinh vật đã biến mất sau đám cháy dựa trên mật độ của chúng trên từng hecta đất.
>> Đọc thêm: Toàn cảnh 3 vụ cháy rừng trong vòng 1 ngày ở miền Trung
Nguyên nhân nào gây ra thảm hoạ kinh hoàng này?
Người dân Úc không còn xa lạ gì với chuyện cháy rừng. Mỗi năm, những vụ cháy rừng vẫn xảy ra như một phần khó tránh khỏi của tự nhiên. Tuy nhiên lần này, tình hình cháy rừng khó kiểm soát hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cơn sét đánh xuống đồng cỏ cũng khiến bùng lên đám cháy nếu không kịp xử lý.
Theo Hiệp hội khí hậu - một tổ chức độc lập tại Úc, đất đai tại đây trở nên khô cằn, nứt nẻ khiến cháy rừng càng khó dập hơn. Nhiệt độ tăng cao kèm theo những đợt sốc nhiệt kỷ lục. Ngoài những nguyên nhân từ con người, thì việc biến đổi khí hậu cũng là câu trả lời cho nguyên nhân cháy rừng này. Năm 2019 là một năm nóng kỷ lục tại Úc khi nền nhiệt trung bình cao hơn tới 1,5 độ C. Nhiệt độ trung bình càng tăng, nguy cơ cháy rừng càng cao. Không những vậy, cháy rừng còn đẩy lượng khí CO2 khổng lồ vào khí quyển, tạo nên cái vòng luẩn quẩn về biến đổi khí hậu.
Hình ảnh đám cháy nhìn từ trên cao (Ảnh: CNN)
Trong những tháng vừa qua, chính phủ và chính quyền địa phương Úc đã ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu cư dân tiến hành di tản. Trong khi đó, lực lượng cứu hoả căng mình dập lửa với hiểm hoạ sức khoẻ kề cận. Tại New South Wales, 2.000 lính cứu hỏa có mặt cùng với sự trợ giúp khẩn thiết từ Mỹ, Canada và New Zealand.
Hiện, vụ cháy rừng tại Úc vẫn đang nhận nhiều sự quan tâm, theo dõi sát sao của người dân trên toàn thế giới. Hãy tiếp tục đón đọc những thông tin khác trên YAN.
Nhớ lại vụ cháy rừng Amazon - Nỗi kinh hoàng của toàn thế giới
Vào tháng 8 năm 2019, vụ cháy rừng Amazon cũng để lại ký ức kinh hoàng cho người dân Brazil nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Được mệnh danh là "lá phổi xanh" của thế giới, vụ hỏa hoạn tại đây đã gây ra thiệt hại không nhỏ ảnh hưởng đến khí hậu và môi trường sống của nhiều loài động thực vật hoang dã.
Lá phổi của thế giới chìm trong biển lửa trong hàng chục ngày, khiến 6.000 loài động thực vật cùng với 20% không khí sạch mà nhân loại đang hít thở hàng ngày dần biến mất.
Cháy rừng kỷ lục tại Amazon đã đẩy một lượng lớn khí nhà kính - cụ thể là CO2 và CO - vào khí quyển, gián tiếp khiến nhiệt độ Trái đất tiếp tục nóng lên.