Đứt động mạch chủ có thực sự đáng sợ đến mức "không thể cứu vãn"?

13:02 27/09/2016

Người nhận định y học phải bó tay trước vết cứa cổ của cậu bé 10 tuổi; người khác lại cho rằng vết thương không đáng lo nếu biết sơ cứu. Sự thật là thế nào?

Chiều qua ngày 26/9/2016, tại Hội trường lớn Nhà P, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã diễn ra buổi hướng dẫn sơ cứu vết cắt mạch máu trong cộng đồng. Buổi hướng dẫn có sự tham gia của TS Dương Đức Hùng – Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch (Viện Tim mạch Quốc gia) - bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng được mệnh danh "bàn tay vàng mổ tim".

Là người trực tiếp hướng dẫn cách sơ cứu để cầm máu khi bệnh nhân bị đứt mạch máu, TS Dương Đức Hùng nhận định: “Đứt mạch máu nếu biết cách sơ cứu sẽ cứu được nạn nhân, nếu không, tùy vào nơi vết thương xảy ra, bệnh nhân có thể tử vong sau vài phút do mất máu”.

Trong bài hướng dẫn của mình, TS Hùng cũng khẳng định: “Những vết thương dạng này không phải phẫu thuật phức tạp. Chỉ cần mổ cấp cứu 10 phút là bác sĩ có thể nối được mạch máu, cứu sống nạn nhân”.


TS Dương Đức Hùng – Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch (Viện Tim mạch Quốc gia) trực tiếp là người hướng dẫn cách sơ cứu nạn nhân đứt mạch máu. Ảnh: Khám Phá
TS Dương Đức Hùng – Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch (Viện Tim mạch Quốc gia) trực tiếp là người hướng dẫn cách sơ cứu nạn nhân đứt mạch máu. Ảnh: Khám Phá

Lời nhận xét của TS Dương Đức Hùng ngày hôm qua đã gây một cơn địa chấn nhỏ, khi trước đó, người cấp cứu chính cho nạn nhân 9 tuổi bị tôn cứa cổ kinh hoàng ở Hà Nội - bác sĩ Ngô Đức Hùng từng cho biết, ê-kip đã gặp khó khăn vô cùng khi không thể cứu được "bệnh nhân nhỏ - vết thương lại quá lớn".

Trên trang cá nhân sau đó, bác sĩ Hùng đã phải buông lời cảm thán bởi sự bất lực của y học và của chính bản thân: “Đặt ống nội khí quản quả thật kinh khủng. Mãi mới luồn được qua vết cắt… Cuối cùng, y học là bất lực và các bác sĩ phải bó tay nhìn bé ra đi”. 

Vậy thực chất, vết thương đứt mạch máu trên cổ gây cái chết thương tâm cho ít nhất 2 người trong vòng 3 ngày qua có phải là vết thương chí mạng, khó cứu sống? Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Ngô Đức Hùng, người phụ trách chính trong ca mổ bé trai 9 tuổi không may bị tôn cứa cổ tại Hà Nội.

Lời chia sẻ đẫm nước mắt của bác sĩ Dương Đức Hùng - người cấp cứu chính cho cháu bé 9 tuổi bị tôn cứa cổ ở Hà Nội ngày 23/9 vừa qua.Lời chia sẻ đẫm nước mắt của bác sĩ Dương Đức Hùng - người cấp cứu chính cho cháu bé 9 tuổi bị tôn cứa cổ ở Hà Nội ngày 23/9 vừa qua.

Chia sẻ về cách sơ cứu trong trường hợp đứt mạch máu, bác sĩ Hùng cho biết, sơ cứu luôn có một nguyên tắc chung mà ai đã tham gia đều phải tuân thủ. Bằng mọi biện pháp, chỉ cần tăng thêm 1% tia hy vọng tăng giúp nạn nhân sống sót cũng là điều nên làm trong tình huống đó.

"Ai cũng muốn vấn đề sơ cứu sẽ được cộng đồng am hiểu hơn, đó là điều cần thiết. Tuy nhiên không ai dám chắc 100% nạn nhân sẽ cứu được dù là trước đó đã sơ cứu đúng cách", bác sĩ Hùng nói.

Cũng theo lời bác sĩ Hùng, mỗi sự việc xảy ra trong mỗi tình huống, mỗi hoàn cảnh khác nhau nên thực sự rất khó để nói trước là chúng ta nên làm thế nào mới là chuẩn. Tuy nhiên để có được một ca sơ cứu tốt, điều đó phụ thuộc lớn vào nhận thức của người dân. "Bản thân những bác sĩ như chúng tôi cũng vô cùng mong muốn nhận thức của cộng đồng về kỹ năng sơ cứu sẽ ngày càng được nhân rộng”, bác sĩ Hùng bộc bạch.

Chia sẻ về nhận định của TS Dương Đức Hùng khi cho rằng những vết thương đứt mạch máu không phải dạng phẫu thuật phức tạp, chỉ cần khoảng 10 phút mổ nối mạch máu, bệnh nhân sẽ có cơ hội được sống, bác sĩ Ngô Đức Hùng từ chối bình luận sâu: “Nếu bây giờ lật lại vấn đề này, chắc chắn nó sẽ trở thành một câu chuyện gây tranh luận. Tôi nghĩ không cần thiết nữa, vì thế tôi xin phép không bình luận gì thêm".

Trước đó vào ngày 23/9 tại Hà Nội, một bé trai 9 tuổi đạp xe trên đường, khi đi ngang qua chiếc xích lô chở tôn, do vô ý nên cháu bé bị phần cạnh sắc của miếng tôn cứa vào cổ, đứt mạch máu chính. Do mất quá nhiều máu, bé trai sau đó đã tử vong.

Ngày 25/9 tức chỉ 2 ngày sau đó, một phụ nữ 66 tuổi quê Hòa Bình trong lúc đang ngồi trên vệ đường, chiếc xe chở tôn đi qua cũng quệt cạnh sắc vào cổ một vết thương dài 20cm. Dù ngay sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng do máu chảy quá nhiều và tràn vào phổi nên người phụ nữ này không sống được. 

Hôm qua, trong buổi hướng dẫn những động tác ban đầu khi sơ cứu cho các nạn nhân khi không may bị tai nạn trong cộng đồng, TS Dương Đức Hùng cho biết, đứt mạch máu nếu biết cách sơ cứu sẽ cứu được nạn nhân, nếu không tùy vào nơi vết thương xảy ra bệnh nhân có thể tử vong sau vài phút do mất máu.

Khám Phá đưa tin, theo TS Hùng thì nguyên tắc chung đối với nạn nhân bị thương ở động mạch đùi, động mạch cảnh, mạch tay… động tác đầu tiên đối với người dân, người phát hiện ra nạn nhân hoặc thậm chí là trực tiếp nạn nhân phải ngay lập tức dùng tay ấn một lực đủ mạnh vào vết thương, làm sao hạn chế tốt nhất lượng máu chảy ra.

Bước tiếp theo là dùng mảnh vải, có thể là xé luôn áo đang mặc trên người ấn vào vết thương, sau đó xé một mảnh vải nhỏ hoặc dây ở xung quanh làm ga-ro buộc phía bên trên vết thương.

Tiếp tục xé một miếng vải dài quấn quanh vết thương và nhìn xung quanh có thể lấy một cành cây, một chiếc bút chì, một chiếc thước kẻ để xoáy miếng vải vừa quấn tròn sao cho cho chặt vừa tới.

Sau khi làm xong những động tác này, nhanh chóng cầu cứu người xung quanh đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Đối với những vết thương ở trên cổ, ngoài những động tác như trên, nếu trường hợp không có bất kỳ vật dụng gì có thể sơ cứu nạn nhân thì dùng cánh tay gần phía vết thương ép chặt vào để cầm máu, sau đó dùng chính tay bên kia để làm điểm trụ sau đó xé áo, quần hoặc vải xung quanh làm dây để quấn tròn xung quanh, sao cho cố định vết thương và đưa nạn nhân đến viện theo đúng tư thế đã sơ cứu.

TS Hùng nhắc lại, nguyên tắc cơ bản nhất đó là phải bình tĩnh, nhanh chóng xử lý cầm máu vết thương, nếu không có vải hoặc vận dụng sơ cứu được xung quanh thì xé luôn áo đang mặc để sơ cứu cho bệnh nhân.

Bởi trong trường hợp đứt động mạch cảnh, động mạch chủ thì nạn nhân sẽ mất máu rất nhanh trong vòng 2-3 phút.