Khi mọi việc dường như đang chống lại bạn, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh ngược chiều gió, chứ không phải cùng chiều gió. - Henry Ford
Một cô gái dân tộc đi ngược con đường một chiều mà số phận đặt ra cho mình để giành tấm bằng thạc sĩ tại trời Âu, sau đó quay về với giấc mơ giúp bản làng thoát nghèo. Đó là nội dung của khá nhiều bài báo viết về Yến. Nhưng, đằng sau tất cả những mỹ từ ấy, Chảo Yến trong cuộc đời thật vẫn là một cô gái hồn nhiên, thẳng thắn và không ngại chia sẻ mọi suy nghĩ của mình.
Bố mẹ mình không còn bị xỉa xói như xưa...
Nhưng trong tự truyện của mình, Yến cũng kể về việc từng bị ngăn cản đến trường bởi những quan điểm như “Con gái học nhiều là bất hiếu”...
Hồi đấy thì kể cả con trai cũng ít được đi học, vì cơ bản người ta nghĩ rằng học về cũng không xin được việc, mất tiền, sau này về vẫn lại làm nông. Tuy nhiên, con gái ít được đi học hơn bởi người ta nghĩ là con gái thì lấy chồng, rồi sẽ về nhà chồng, không nuôi, không phụng dưỡng bố mẹ nữa.
Lý do thực sự khiến mình đi học là thầy Thanh của mình khi ấy nói rằng nếu không đi học sẽ nghèo giống như bố mẹ, mãi mãi không thoát nghèo được.
Rồi, Yến cũng được bố mẹ hỗ trợ, tạo điều kiện để đi học nhưng vẫn vấp phải sự phản đối và những lời nói không hay của những người xung quanh. Bạn vượt qua những điều đấy như thế nào?
Mình nghỉ chơi (cười). Kể cả họ hàng trong nhà mình cũng nghỉ chơi. Thực ra thì ngày xưa lúc bình thường họ cũng hay nói sau lưng hoặc trước bố mẹ rằng tại sao lại cho con gái đi học như thế, rằng đã nghèo rồi còn cho con gái đi học thì khổ đấy.
Nhưng mọi thứ là quá khứ rồi. Từ khi mình đi học Đại học, du học rồi có công ăn việc làm, giúp đỡ được bố mẹ thì bây giờ mọi người cũng nói những lời tích cực, kiểu như cả làng cả xã chỉ được có mày, người Dao chỉ được có mày... Bây giờ bố mẹ mình có sang ăn cơm nhà khác thì không còn bị xỉa xói như ngày xưa mà thay vào đấy là một thái độ khác. Tính ra, mất hơn 10 năm để mình được công nhận và cũng từng ấy năm để mình vượt qua những điều tiếng đó.
Chảo Yến - cô gái người Dao Tuyển "ngược chiều" để được đi học.
Không kiếm ra tiền, đam mê vẫn chỉ là lý thuyết
Giá trị lớn nhất mà Yến có được khi đi du học là gì?
Đó là thay đổi tư duy. Đầu tiên mình đi học chỉ muốn thoát nghèo thôi, nhưng sau đó nghĩ mình phải giàu, để có thể giúp được người khác khi họ cần, chứ nếu chỉ đủ cơm ăn áo mặc, làm công ăn lương sống qua ngày thôi thì với bản thân mình nó hơi vô nghĩa.
Thêm nữa, trước đó mình chỉ nghĩ học xong sẽ làm việc đúng ngành học để theo đuổi đam mê. Nhưng đi học và trải nghiệm rồi, mình nhận ra: Đam mê mà không kiếm ra tiền thì vẫn chỉ là lý thuyết. Mình phải làm cái gì vừa thích nhưng vẫn phải đảm bảo cuộc sống của mình chứ không còn quá mơ mộng.
Chẳng hạn, ngoài đời, mình có đứa em hát rất hay, muốn trở thành ca sĩ và nhờ mình tư vấn. Nhưng bạn biết đấy con đường nghệ sĩ vốn đâu dễ dàng, nhất là với người dân tộc thiểu số. Mình nói nếu cảm thấy nghề đó có thể nuôi sống bản thân và lo được cho gia đình thì cứ theo đuổi. Còn nếu sau này thử mà không thành công thì có thể chọn sang hướng khác. Giá như là thời điểm trước khi bị cuộc đời vả bôm bốp thì có lẽ mình đã cổ vũ nó theo đuổi đam mê hết mình chứ không rào trước như thế đâu (cười).
Cuối cùng, cũng phải nói tới niềm tự hào về nguồn gốc dân tộc thiểu số, điều ấy là có thật....
Yến có thể nói cụ thể hơn?
Từ hồi học đại học, mình chưa bao giờ dám nói tiếng dân tộc Dao, vì mỗi lần nói là mọi người cười. Gọi điện thoại cho bố mẹ, đầu kia bố mẹ nói tiếng Dao còn mình cứ nói tiếng Kinh, biết là rất kệch cỡm mà không dám nói tiếng Dao như mình muốn.
Còn khi đi du học, mình nói tiếng Kinh hay Dao thì có ai hiểu đâu, không ai cười chê. Điều ấy khơi được niềm tự hào về nguồn gốc của bản thân, để mình nói tiếng dân tộc mà không xấu hổ nữa. Và sau khi về nước, mình cứ tự tin nói thôi. Đó là một sự thay đổi rất lớn.
Nhìn lại, đâu là lý do trực tiếp khiến Yến thay đổi suy nghĩ theo hướng xa hơn: học không chỉ để thoát nghèo mà còn phải giàu?
Mình du học khi gia đình vẫn còn khó khăn. Có lần bố mẹ cần gấp một khoản tiền nhưng mình lại chưa thể giúp được gì. Hay sau này khi đã về nước, thu nhập của mình cũng chỉ mới đủ để trang trải cuộc sống của mình chứ chưa nói đến có thể làm từ thiện hay điều gì lớn lao. Đó là lúc mình hiểu: Muốn đỡ được người khác thì bản thân phải đứng vững.
Khi người nhà hay ai đó gặp khó khăn, mình muốn đủ sức giúp được họ cả vật chất lẫn tinh thần, chứ không chỉ là vài lời nói suông. Bởi đôi khi, cái họ thực sự cần lúc đó là tiền chứ không phải là lời cổ vũ – dù nó cũng tốt thôi. Và mình không muốn phải trải qua cảm giác bất lực như từng có.
Tự hào về tiếng mẹ đẻ, về nguồn gốc của mình là điều Chảo Yến muốn lan tỏa tới mọi người.
Vậy còn câu chuyện giúp sức cho cộng đồng tại bản làng mình thoát nghèo, như mọi người trông đợi từ Yến?
Bản mình thì không còn nghèo như ngày xưa nữa, có nhà xe, có xe máy đi vào tận cửa,... Nhưng mà bọn trẻ con không còn cố gắng học nữa, chỉ thích chơi, mê lướt điện thoại thôi, đó cũng là điều khiến mình trăn trở. Nhiều lúc mình thấy thật viển vông, cứ nói mình truyền cảm hứng xa xôi mà mấy đứa em trong nhà cũng không thuyết phục nổi.
Bởi thế, một trong cái lý do khiến mình lập kênh TikTok là vì... đám trẻ ở đây lười học, chỉ lướt Tiktok thôi. Thực ra trước đó mình rất ghét Tiktok, cảm giác như một bãi rác vậy. Nhưng hóa ra đối tượng mà mình muốn truyền cảm hứng lại chơi Tiktok nhiều nhất nên mình có thể tiếp cận thông qua kênh này.
Giấc mơ xóa bỏ “sự tự ti ngốc nghếch”
Một chút về kênh TikTok của Yến trong tương lai?
Mình mới lập kênh TikTok khoảng 2 tháng, lại không biết làm truyền thông, quay, chụp, dựng, diễn đều phải tự mày mò chứ không chuyên nghiệp. Video đầu tiên dài chưa đến một phút mà tớ dựng mất một ngày từ cut, ghép nhạc. Cho đến giờ tốc độ cũng không nhanh hơn là bao (cười). Nên kênh được 28.000 lượt theo dõi dù chỉ là con số nhỏ thôi nhưng mình cũng thấy vui. Hơn nữa, mỗi khi các bạn học sinh, sinh viên vào khen, hoặc có những bạn cùng là dân tộc thiểu số comment bảo cảm thấy tự hào vì là người Dao thì mình thấy tự tin vì làm được việc có ý nghĩa.
Tất nhiên, kênh TikTok này không thể thay đổi hết các bạn trẻ ở đây, nhưng được đến đâu cứ hay đến đấy đã. Mình muốn làm thêm những câu chuyện như giải thích hiểu lầm về người dân tộc, rồi giới thiệu truyện cổ tích, những bài thuốc, bài hát dân tộc... được phối nhạc hiện đại để các bạn trẻ dễ tiếp nhận hơn.
Nhìn chung, mình muốn phát triển kênh lâu dài để bảo tồn văn hóa của người Dao để các bạn miền xuôi hiểu về văn hóa của miền núi và cũng để người miền núi tự hào hơn về nguồn gốc của mình, thay cho sự tự ti ngốc nghếch như Yến ngày trước.
Một chặng đường dài để thay đổi cô bé người Dao tự ti thành người truyền cảm hứng bằng chính câu chuyện vượt khó của mình.
Được mọi người xây dựng thành hình mẫu truyền cảm hứng Yến có từng cảm thấy áp lực và phải thay đổi bản thân điều gì không?
Thực ra trước đây mình chưa thấy áp lực vì mình không nghĩ mình là người nổi tiếng, nhưng sau này cũng dần cảm thấy như vậy. Như việc du học tự nhiên cũng thành áp lực vì nó khiến người ta nghĩ du học sinh về nước sẽ phải làm này, làm nọ nhưng nếu mình không thành công thì sẽ khiến họ vỡ mộng. Rồi cả việc bị ném đá khi làm titktok nữa, nhiều người vào chê ngoại hình hay miệt thị nọ kia,...
Những áp lực bạn nói khiến mình không được bộc lộ tính khùng nhây sẵn có đấy (cười). Nhưng, thấy bình luận nào cần thì mình sẽ phản hồi còn không sẽ kệ thôi. Bây giờ mình cũng bận hơn rồi nên không còn quan tâm nhiều đến những áp lực xung quanh nữa.
*Cảm ơn chia sẻ của bạn!
Ảnh: NVCC
Thiết kế: Hoài My
CHẢO YẾN: CÔ GÁI NGƯỜI DAO NỖ LỰC GIÀNH HỌC ERASMUS MUNDUS
- Chảo Thị Yến sinh năm 1991, sinh ra và lớn lên ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, một trong những xã nghèo nhất của huyện Bát Xát, Lào Cai.
- Yến từng phải nghỉ học 3 năm vì gia đình quá nghèo, sau đó cô không ngừng thuyết phục bố mẹ để được đi học lại.
- Yến trở thành người đầu tiên của bản đỗ Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và giành được học bổng của Liên minh Châu Âu – Erasmus Mundus ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững (SUFONAMA) trị giá hơn 50.000 USD (1,2 tỉ đồng) tại Đại học Göttingen (Đức) năm 2016.
- Tháng 1/2020, cuốn tự truyện "Đường ngược chiều: Từ bản người Dao đến học bổng Eramus của cô được phát hành.
- Từ đây, Chảo Yến được biết tới là nhân vật truyền cảm hứng với câu chuyện vượt qua những định kiến của bản làng để quyết tâm đi học thoát nghèo và làm giàu.