Vào sáng ngày 12/3, theo Vietnamnet, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định về việc thí điểm giảng dạy lại môn nữ công gia chánh trong trường Trung học phổ thông. Ngôi trường đầu tiên được lựa chọn cho dự án thí điểm này là trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng (tên cũ là trường Đồng Khánh Huế) bởi đây từng là môn học thế mạnh của trường trong quá khứ.
Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng là nơi thí điểm dạy nữ công gia chánh đầu tiên tại Huế. (Ảnh: Dân Trí)
Môn nữ công gia chánh tập trung vào các kỹ năng dưỡng nhi, lên kế hoạch chi tiêu gia đình, thêu may và chế biến các món ăn truyền thống của Huế. Bên cạnh đó, một nội dung được môn học này chú trọng là dạy về tác phong, cách cư xử, ăn mặc, đi đứng chuẩn mực của phụ nữ Huế. Mục tiêu môn học là sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể chế biến một số món ăn Huế, đảm nhiệm các bữa ăn gia đình qua đó tìm hiểu văn hóa, truyền thống lịch sử dân tộc và giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế. Môn học sẽ chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy của trường từ năm học 2021-2022.
Cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền, nguyên Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng chia sẻ trong cuộc họp với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế rằng việc cải cách giáo dục, ảnh hưởng từ các xu thế mới trên thế giới đã khiến việc dạy và học môn nữ công gia chánh trong trường phổ thông có nhiều thay đổi: "Nhiều nữ sinh bước vào tuổi trưởng thành, ra khỏi mái trường phổ thông bị hạn chế kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh, thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực gây ảnh hưởng tới cuộc sống." Với những lý do nêu trên, cô Diệu Huyền cho rằng việc khôi phục lại môn nữ công gia chánh trong trường học là việc làm cần thiết, thậm chí là cấp bách.
Người phụ nữ Huế luôn có một phong thái rất riêng biệt. (Ảnh minh họa: Sputnik)
Ngay khi thông tin này được đưa ra, cư dân mạng lập tức dành cho nó rất nhiều sự chú ý. Một số người cho rằng đây là một việc cần thiết, nên nhân rộng ra khắp cả nước chứ không nên chỉ gói gọn tại Huế, một số khác cho rằng đây là một dự án khả thi, tuy nhiên đối tượng học nên là tất cả các em học sinh, không phân biệt giới tính nam hay nữ.
- "Ủng hộ, nếu được có thể nhân rộng ra khắp cả nước thì càng tốt."
- "Mở lớp dạy để các em không thiếu hụt kỹ năng nấu ăn, giữ gìn truyền thống, vậy các em nam thì sao? Đối tượng học nên là cả hai giới."
- "Ý tưởng cũng hay, tuy nhiên nếu đã vậy thì có thể triển khai thêm cả các lớp kỹ năng, giao tiếp, ứng xử, đây là những thứ mà các em còn thiếu quá nhiều trong công việc cũng như ngoài xã hội."
- "Có lẽ do nói là môn nữ công gia chánh nên khiến nhiều người mặc định luôn là dành cho nữ, nếu đổi một cái tên trung tính hơn thì sẽ ổn, kiểu như Nhật có môn gia đình ấy."
- "Để đây là một môn tự chọn, em nào thích học thì đăng ký là ổn. Hơn nữa cũng nên đổi thành kỹ năng sống, hợp lý hơn với thời buổi bây giờ."
Môn nữ công gia chánh được kỳ vọng sẽ giúp học sinh có thêm hiểu biết về văn hóa, ẩm thực Huế. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Trước thông tin Huế sẽ đưa môn nữ công gia chánh vào giảng dạy tại trường phổ thông, cư dân mạng đã đưa ra rất nhiều luồng ý kiến trái chiều. Bạn có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này, hãy chia sẻ cùng YAN nhé!
NỮ CÔNG GIA CHÁNH KHÔNG NÊN CHỈ DÀNH CHO NỮ GIỚI
Với quan niệm khi xưa, phụ nữ phải biết chăm sóc con cái, lo toan việc nhà, nấu nướng cho cả gia đình, còn người đàn ông sẽ ra ngoài kiếm tiền, do đó mới có suy nghĩ nấu nướng là dành cho nữ giới.
Thế nhưng với xã hội hiện đại ngày nay, khi vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và đàn ông đã ngang hàng nhau, việc nam giới học nữ công gia chánh như một kỹ năng sống không có gì kỳ lạ.
Bởi lẽ hiện giờ ai cũng cần biết nấu nướng để tự lo cho những bữa ăn của mình mà không phải ỷ lại vào người vợ, người mẹ, hoặc đơn giản là để chia sẻ công việc gia đình, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc tới các thành viên khác.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY!