Sáng nay (ngày 2/9), công trình cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành lắp đặt 17/17 đốt dầm thép băng ngang sông Sài Gòn, nối TP.Thủ Đức và quận 1, TP.HCM. Thông tin này được Thông tấn xã Việt Nam đăng tải dựa trên những chia sẻ từ Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.
Cầu Thủ Thiêm 2 nhìn từ trên cao. (Ảnh: VietnamPlus)
Những ngày vừa qua, các kỹ sư, công nhân đã làm việc không ngừng nghỉ để lắp đặt đốt dầm AS16, cố gắng hoàn thành hợp long cầu chính nối giữa quận 1 và TP.Thủ Đức vào tháng 09/2021. Theo thông tin từ Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, đây được xem là một công trình trọng điểm nằm trong mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy việc thi công diễn ra trong bối cảnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội, thế nhưng việc đảm bảo tiến độ và an toàn phòng dịch vẫn rất được chú trọng.
Nhà đầu tư đã phải chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị thi công, đơn vị tư vấn để cùng nhau điều chỉnh cách thức quản lý tổ chức thi công và quản lý chất lượng phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Những ngày qua, nhà thầu cũng đã áp dụng phương án "3 tại chỗ". Các công nhân, cán bộ kỹ thuật được tổ chức xét nghiệm định kỳ. Nhờ đó mà vừa đảm bảo được đúng tiến độ đã cam kết với UBND thành phố, vừa an toàn chống dịch.
Cầu Thủ Thiêm 2 chính thức được hợp long. (Ảnh: VnExpress)
Sau thời gian dài thi công, cầu Thủ Thiêm 2 đã chính thức hợp long. (Ảnh: TTXVN)
Được biết, dự án này là một trong những công trình xây dựng, giao thông trọng điểm, cấp bách của thành phố. Vốn đầu tư của cầu Thủ Thiêm lên đến 3.082 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT). Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đã làm phát sinh nhiều chi phí hoạt động bên ngoài.
Áp lực về tiến độ thi công cũng rất lớn. Bởi chỉ riêng việc duy trì, huy động nhân sự thi công, nhất là thi công kết cấu dầm phía Quận 1, kết cấu dầm thép, trụ tháp vốn đã là một thách thức lớn. Tuy nhiên, các đơn vị tham gia đã phối hợp với nhau rất tốt, nhờ đó mới đạt được kết quả đúng như kì vọng.
Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng chiều dài khoảng 1.465m. Phần cầu dài khoảng 885,7m gồm nhịp chính có kết cấu dây văng và các nhịp dẫn bằng bê tông cốt thép. Trên mặt cắt ngang có 6 làn xe, giúp hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc. Riêng phía quận 1 có 3 nhánh cầu, đường dẫn dài khoảng 351.6m. Còn ở phía TP.Thủ Đức, đường dẫn dài khoảng 227,7m.
Nếu đúng như kế hoạch đề ra thì cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021 và đưa vào sử dụng từ quý 2-2022. Cây cầu sẽ góp phần kết nối giao thông giữa TP.HCM và khu đô thị mới Thủ Thiêm, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, bà con khi di chuyển từ TP.Thủ Đức lên trung tâm đô thị mới TP.HCM cũng sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Với tổng chiều dài như trên, nếu đi với tốc độ khoảng 40-60km/h, không có ùn tắc thì ước tính sẽ chỉ mất khoảng 5 phút.
Chuẩn bị lao phóng phần dầm thép AS16, công trình cầu Thủ Thiêm 2. (Ảnh: Nhân Dân)
Ngay phía trên cầu Thủ Thiêm 2. (Ảnh: TTXVN)
VnExpress đưa tin, hiện nay, ngoài cầu Thủ Thiêm 2, TP.HCM còn có 6 dự án cấp bách khác cũng được cho phép thi công trong thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhằm tránh ảnh hưởng đến tiến độ. Cụ thể là: Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới; xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở 9 lô đất Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức); dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); công trình xây dựng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (quận 10); dự án đường băng sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng đang được tích cực xây dựng. (Ảnh: Kinh Tế và Tiêu Dùng)
Với tiến độ như hiện nay, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ sớm được đưa vào sử dụng. Tuy thời gian hoàn thành có thể bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh, thế nhưng các đơn vị sẽ nỗ lực hết sức để cầu Thủ Thiêm 2 được hoàn thành phục vụ bà con.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
TP.HCM: LOẠT CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM PHẢI TẠM DỪNG THI CÔNG VÌ DỊCH
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, hiện nay nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố đã phải tạm ngưng hoặc thi công cầm chừng do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đặc biệt, theo Cục Thống kê TP.HCM nhận định, tháng 8/2021 là thời gian các dự án gặp khó khăn nhiều nhất. Điển hình như cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, dự án xây dựng hầm chui đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7)…
Trong đó có cả dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chỉ có thể thi công gói thầu nhà ga Bến Thành. Đến nay, khối lượng toàn tuyến đã đạt trên 88%, nhưng vẫn không thể hoàn thành mục tiêu đã dự kiến ban đầu, đó là đưa vào vận hành kỹ thuật cuối năm 2021.