Để có thể mang đến những thông tin nóng hổi, cập nhật nhanh nhất cho độc giả trên khắp mọi nơi về muôn màu của đời sống xã hội, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên truyền hình luôn phải cố gắng không ngừng nhằm đưa ra được sản phẩm hoàn chỉnh nhất.
Trong đợt dịch Covid-19, có những nhà báo, phóng viên đã không quản ngại nguy hiểm, sẵn sàng có mặt ở các khu cách ly, bệnh viện để đưa tới cho mọi người hình ảnh chân thực nhất về tình hình dịch tại Việt Nam cũng như công tác phòng dịch của nước ta.
Các phóng viên tác nghiệp tại khu cách ly tập trung (Ảnh: Thành ủy TP.HCM)
>>Xem thêm: Xúc động mạnh trước hình ảnh phóng viên đưa tin trong mưa lũ kinh hoàng
Cặp vợ chồng cùng xông pha trong trận chiến Covid-19
Trong đợt dịch Covid-19, vợ chồng nhà báo Nguyễn Chinh - Truyền hình Kỹ thuật số VTC đều có nhiệm vụ "chinh chiến" ở vùng dịch trong suốt nhiều tháng vừa qua. Cả hai đều bận rộn với những sản phẩm của mình với mong muốn sẽ đem tới cho mọi người thông tin cập nhật, chính xác nhất về tình hình dịch tại Việt Nam, giúp mọi người an tâm hơn vào công tác chống dịch.
Nhà báo Nguyễn Chinh đi tác nghiệp tại vùng dịch Sơn Lôi (Ảnh: Báo Gia đình và Xã hội)
Khi được hỏi về cảm xúc khi đi tác nghiệp ở các vùng dịch, nữ nhà báo sinh năm 1986 cho hay: "Nói đâu xa khi ngay cả bạn bè đồng nghiệp còn dè chừng tiếp xúc. Nhưng mỗi người một lĩnh vực mà, ai cũng sợ thì lấy ai làm tin. Nói không sợ thì không đúng vì tôi có chút lo lắng thời điểm mới có dịch, còn sau này tôi lại cảm thấy rất bình thường".
>>Đừng bỏ lỡ: Phóng viên bất chấp nguy hiểm ghi hình từ "tâm bão" Ebola
Càng làm tin về dịch càng cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa
Với phóng viên Nguyễn Chinh, chị luôn thấy công việc của mình có ý nghĩa, bởi nó giúp cập nhật cho cộng đồng những nguồn thông tin chính xác nhất về tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên thế giới.
Thời điểm cả nước bước vào đợt giãn cách xã hội để phòng dịch, những phóng viên như vợ chồng chị Chinh lại phải đi làm cả tháng, không nghỉ ngày nào. Họ liên tục đưa tin về tình hình dịch, những sự việc liên quan cùng thông tin từ các cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch Covid-19.
Phóng viên Nguyễn Chinh tác nghiệp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Báo Gia đình và Xã hội)
Khoảng thời gian khi liên tiếp xuất hiện nhiều ca bệnh tại Hà Nội, chồng chị Chinh đã xung phong được vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để tác nghiệp. Khi anh đi mới là giai đoạn bắt đầu của việc giãn cách xã hội, thế nhưng phải 25 ngày sau thì vợ chồng chị mới được đoàn tụ.
Phóng viên Nguyễn Chinh tác nghiệp tại ổ dịch Hạ Lôi (Ảnh: Báo Gia đình và Xã hội)
Nói thêm về khó khăn của công việc trong giai đoạn giãn cách xã hội, phóng viên Nguyễn Chinh chia sẻ rằng ngày nào chị cũng phải đặt báo thức để chắc chắn rằng mình nắm bắt kịp thông tin về tình hình dịch Covid-19: "Các con số, thông tin dịch Covid-19 đều được Ban chỉ đạo Quốc gia cập nhật đúng 6h00 sáng và 18h00 hàng ngày nên suốt nhiều tháng qua, sáng nào tôi cũng hẹn giờ để dậy cập nhật số liệu cho kịp sóng".
>>Bạn có biết: Phép màu đã không xảy ra, tìm thấy thi thể phóng viên gặp nạn khi đang tác nghiệp tin lũ tại Yên Bái
Những "chiến sĩ" trong trận chiến Covid-19
Không phải là những "chiến sĩ" khoác trên mình tấm áo blouse trắng, thế nhưng đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng được coi là những người chiến sĩ trong trận chiến Covid-19. Nhờ có họ, các tin tức cập nhật nhanh nhất luôn được truyền tải tới khán giả bằng những câu chữ, hình ảnh sinh động để tất cả mọi người đều có thể nắm bắt được tình hình dịch dù ở bất cứ nơi đâu.
Một phóng viên tác nghiệp trong khu cách ly tập trung ở quận 2, TP.HCM (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Trong công tác, dù gặp phải nhiều khó khăn, nhưng những phóng viên vẫn luôn giữ được lửa nhiệt huyết với nghề. Họ sẵn sàng xung phong đến các vùng dịch, vào tận khu cách ly tại bệnh viện để mang đến những thước phim chân thật về quá trình điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Nhờ có đội ngũ phóng viên, biên tập viên, quay phim và cả e-kip phía sau mà mọi người có thể hiểu thêm về công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Từ đó thêm tin tưởng và thực hiện đúng theo những khuyến cáo, quy định để hạn chế sự lây lan của dịch trong cộng đồng.
Phòng viên mặc đồ bảo hộ, tác nghiệp trong khu cách ly đặc biệt tại bệnh viện (Ảnh: TTXVN)
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, YAN xin gửi lời chúc đến tất cả những phóng viên, biên tập viên, những người làm trong lĩnh vực báo chí, truyền hình những điều tốt đẹp nhất. Chúc cho các "chiến sĩ" của "mặt trận tin tức" luôn giữ được nhiệt huyết với nghề, cho ra đời nhiều sản phẩm hoàn chỉnh cả về mặt hình thức lẫn nội dung để phục vụ cho tất cả mọi người.
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là ngày được dành riêng để kỉ niệm, tôn vinh và tri ân các nhà báo, những người đã cống hiến trí tuệ cũng như công sức để mang lại cho độc giả những sản phẩn tin tức chất lượng.
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/6 hàng năm, trùng với ngày tờ báo "Thanh Niên" do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra mắt số báo đầu tiên.
Đây cũng là dịp để tất cả mọi người dành lời cảm tới tới những người đã luôn góp sức mình để phát triển nền báo chí Việt Nam ngày càng vững mạnh, giúp phản ánh một cách chân thực các vấn đề đời sống, xã hội, văn hóa, những câu chuyện truyền cảm hứng và cả những tấm gương đáng tôn vinh đến với độc giả.