Không cần biết tiết mục có đạt giải cao hay không, nhưng rõ ràng các bạn nhỏ này đã có một mùa văn nghệ 20/11 thật đáng nhớ!
Thời đi học, ai cũng một thời háo hức, rộn ràng tập luyện và chuẩn bị cho tiết mục văn nghệ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đó thật sự là một trong những dấu ấn khó phai nhất của đời học sinh, khi cả lớp cùng nhau lên ý tưởng và tập luyện, vui có, buồn có, cãi nhau... tất nhiên cũng phải có, nhưng rồi những ngày tháng ấy sẽ theo ta đến suốt cuộc đời.
Và cũng không thể quên những lần thầy cô giáo đến thăm cả lớp tập luyện, góp ý từng li từng tí để các tiết mục càng hoàn thiện hơn. Chưa hết, gần đến ngày biểu diễn cũng phải "chạy đôn chạy đáo" lo tìm thuê trang phục, phụ giúp trang điểm. Và trong mùa 20/11 năm nay, cư dân mạng được một phen "tan chảy" xen lẫn ngưỡng mộ một thầy giáo tiểu học... tự tay trang điểm cho các em học sinh của mình.
Những hình ảnh khiến cư dân mạng "tan chảy". (Ảnh: Beatvn)
Những hình ảnh này được chụp tại trường Tiểu học Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) trước buổi biểu diễn văn nghệ "Thiếu nhi hát dân ca và trò chơi dân gian" tổ chức tại trường. Nhân vật chính trong ảnh là thầy Nguyễn Ngọc Cương (sinh năm 1983), giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, trường Tiểu học Văn Phú. Thầy chủ nhiệm ân cần trang điểm từng chút một cho những cô trò nhỏ trong trang phục diễn là bộ áo yếm và váy dài đậm chất Bắc Bộ. Xong xuôi, đội văn nghệ "cây nhà lá vườn" cùng thầy giáo còn chụp chung một bức làm kỉ niệm mà theo lời nhận xét của khá đông cư dân mạng rằng "thầy giáo trang điểm nhẹ nhàng, không hề 'thảm họa' một chút nào".
Thầy chúng mình trang điểm vẫn đẹp không thua kém cô giáo hay thợ trang điểm nào đâu nhé. (Ảnh: Beatvn)
Ai bảo thầy chủ nhiệm là không biết chăm chút lớp thì cứ nhìn những hình ảnh này đi nhé. Tay thầy tuy to lớn, thô kệch, chỉ quen cầm những viên phấn vạch nên những con số, con chữ, càng không quen với việc son phấn, nhưng thầy vẫn cố gắng để "các con" của mình không hề thua kém những lớp khác. Nhìn cách thầy nghiêng đầu, khom lưng thật thấp, cố gắng gò đôi tay cho thật mềm mại để trang điểm cho từng "cô công chúa nhỏ" mới thấy thương, thấy phục cái tâm của một nhà giáo. Và cái cảnh tượng ấy, sao mà giống gà trống cha vụng về chăm sóc tỉ mỉ cho đàn gà con thiếu hơi mẹ thế nhỉ?
Mai về sau, khi các cô gái nhỏ này đã khôn lớn, thì những hình ảnh này sẽ là một báu vật không gì có thể đánh đổi. Bởi đó là một bầu trời kí ức tuổi thơ, với một người thầy chịu thương chịu khó, cũng là một người cha không ruột thịt, nhưng tình thương vẫn cứ đậm sâu.