Người mẹ hiến tạng của con đã qua đời để "hồi sinh" tính mạng 5 người khác

09:03 01/08/2017

Người mẹ mạnh mẽ ấy đã mất đi một đứa con nhưng bà không hề cô đơn. Bởi bên bà bây giờ là 5 đứa con - những người được con trai bà hiến tặng tạng, sống đoàn kết, gắn bó và rất yêu thương người mẹ thứ hai của mình.​

Đau xót cảnh lá vàng khóc lá xanh rơi

Hơn một năm qua, câu chuyện của bà Cấn Thị Ngần (60 tuổi, trú tại xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) quyết định hiến nội tạng con trai chết não để cứu người đã khiến không ít người rơi nước mắt vì xót xa, cảm động.

Trò chuyện với PV, bà Ngần nghẹn ngào kể lại sự việc đau lòng xảy ra vào đêm ngày 26/7/2016, anh Trịnh Đình Vàng (SN 1986, con trai út của bà Ngần) cùng một người bạn nằm trên lan can tầng 2 để hóng mát. Đến đêm khuya, anh Vàng ngủ quên trên lan can nên đã bị rơi xuống tầng 1. Mãi đến 4h sáng, người bạn ngủ cùng không thấy anh Vàng đâu, khi nhìn xuống dưới sân thì hoảng hốt phát hiện anh Vàng đang nằm bất động dưới tầng 1.


Tấm di ảnh của anh Trịnh Đình Vàng
Tấm di ảnh của anh Trịnh Đình Vàng

Thấy anh Vàng vẫn còn chút hơi thở yếu ớt, anh trai anh Vàng cùng hàng xóm ngay lập tức đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103. Tại đây sau khi khám, các bác sĩ kết luận, anh Vàng bị chấn thương sọ não, máu tụ dưới màng cứng ở vùng thái dương trái, dập não hai bán cầu, dập phổi, gãy đầu dưới xương quay. Với hàng loạt những chấn thương nặng, các bác sĩ buộc phải báo với người nhà không thể cứu chữa vì anh Vàng đã bị chết não.

Mỗi khi ai đó nhắc đến con trai mình, những kí ức buồn lại hiện về như mới chỉ ngày hôm qua khiến bà Ngần không cầm được nước mắt. Bà Ngần không bao giờ quên được buổi sáng định mệnh đó.

Ngày 26/7/2016 con trai thứ hai của bà Ngần báo tin em Vàng bị ngã từ trên tầng thượng xuống sân và gẫy tay. Lúc ấy, bà Ngần đang ở Hà Nội trông trẻ thuê. Linh tính của một người mẹ mách bảo con trai có chuyện chẳng lành, bà vội vàng bắt xe xuống bệnh viện 103.


Mỗi khi có ai nhắc đến con trai, bà Ngần lại không kìm được nước mắt
Mỗi khi có ai nhắc đến con trai, bà Ngần lại không kìm được nước mắt

Đến bệnh viện chứng kiến cảnh con trai mình nằm bất động trên giường bệnh trái tim bà Ngần đau đớn đến mức như bị ai đó bóp nghẹt.

Sau hơn 2h đồng hồ bà hay tin con không còn trên cõi đời này nữa, các bác sĩ đã mời bà vào phòng nói chuyện. Tại đây các bác sĩ đã chia sẻ nỗi đau mất người thân với gia đình và nói với bà ngần về chuyện hiến nội tạng để làm nhân đạo để cứu sống nhiều người. Khi ấy, lòng xót xa như bị ngàn mũi dao đâm, bà không còn đủ tâm trí để nghĩ thêm về bất cứ điều gì nữa.

Từ khi nghe các bác sĩ nói chuyện hiến nội tạng làm nhân đạo, suốt buổi sáng ngày hôm ấy, bà Ngần sống trong sự đau khổ. Bà bước đến cạnh giường con, có lẽ sẽ không còn phép màu kì diệu đến với đứa con trai bé bỏng của bà nữa. Những ước mơ dang dở của Vàng sẽ chỉ còn lại là những kí ức.

Bà Ngần nhớ lại lời nói của bác sĩ bệnh viện Quân y 103: "Nếu phần tạng của Vàng được hiến tặng thì có nghĩa một phần cơ thể của cháu vẫn sống trong những người khác, con trai tôi sẽ không tan vào hư không, không ra đi vĩnh viễn... Việc hiến tạng nhân đạo sẽ cứu sống được biết bao nhiêu người đang gần kề cái chết từng ngày".

Vậy là trong buổi chiều mưa tầm tã của Hà Nội bà Ngần kí vào đơn hiến đa tạng con trai mình để mang lại sự sống cho 6 người.

Bà Ngần chia sẻ: “Vàng là con trai út trong gia đình, sống rất có tình cảm, chịu thương, chịu khó, rất mực thương mẹ và chưa lập gia đình. Vàng đột ngột ra đi, gia đình tôi như cảnh lá vàng khô khóc lá xanh rơi..."


Danh sách những người đã nhận tạng từ anh Vàng hiến tặng
Danh sách những người đã nhận tạng từ anh Vàng hiến tặng

Bố mất khi Vàng vừa tròn 5 tuổi, một mình bà Ngần tần tảo làm đủ mọi việc gồng gánh nuôi các con. Trải qua năm tháng cơm bữa no, bữa đói các con bà cũng khôn lớn. Học xong trung học phổ thông, Vàng đi vào Nam làm hàn xì, được 5 – 6 năm trở về và làm hàn xì cơ khí gần nhà.

Hướng ánh mắt đượm buồn ra hàng rào trước cửa nhà bà Ngần nghẹn ngào: “Hàng rào nó vừa làm xong, mũi hàn còn chưa hoen gỉ mà nay đã xảy ra cơ sự này. Nhớ con, thương con tôi chỉ biết nhìn ra đó  tưởng như con trai tôi vẫn đang ở đây".

Gặp lại con trai qua 5 người ghép tạng

Sáng 29/7 chúng tôi có dịp ghé nhà bà Ngần trong căn nhà mới được sơn màu vàng. Khi nghe ai đó nhắc đến con mình bà Ngần đều khóc. Nhưng đó không còn là nỗi đau khi chứng kiến đứa con trai nằm bất động trên giường bệnh nữa mà là giọt nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc xen lẫn nỗi nhớ thương con.

Ngày giỗ đầu của Vàng những người được nhận phần cơ thể của anh gồm: 1 người nhận tim, 2 người nhận giác mạc, 2 người nhận quả thận đều tụ họp đông đủ trong ngôi nhà bà Ngần và anh Vàng chung sống. Bà Ngần hạnh phúc vì cảm thấy như đang gặp lại chính con trai Trịnh Đình Vàng của mình.


Hàng rào anh Vàng vừa mới làm xong, còn chưa kịp phai màu hoen rỉ
Hàng rào anh Vàng vừa mới làm xong, còn chưa kịp phai màu hoen rỉ

Anh Nguyễn Nam Tiến (38 tuổi, thiếu úy pháo binh của tàu CSB 2012, thuộc hải đội 201, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2, hiện đang trú tại Tuyên Hóa, Quảng Bình) được bà Ngần coi là người con thứ 5 và cũng là người con đặc biệt nhất vì anh mang trong lồng ngực trái tim của anh Vàng. Để an ủi nỗi mất mát của người mẹ, anh Tiến đã ở lại với bà Ngần 3 ngày. 

Tháng 7/2015, anh Tiến đột nhiên thấy cơ thể rất mệt mỗi khi chơi thể thao hay bơi trên biển. Sau khi đi khám, các bác sĩ cho biết, anh bị mắc bệnh viêm cơ tim thể xốp, một căn bệnh rất hiếm gặp.

Các bác sĩ BV Quân Y 103 đã đặt một chiếc máy tạo nhịp tim trong lồng ngực của anh. Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua, anh vẫn không khỏi bệnh mà sức khỏe ngày một yếu. Bác sĩ tiên lượng, thời gian sống của anh còn lại rất ít, chỉ có thể tính bằng tháng. Cách duy nhất để cứu chữa anh chính là ghép tim. Với anh Tiến, bà Ngần không chỉ có ơn cứu mạng mà còn là một người mẹ đáng kính.


Bên cạnh bà Ngần giờ có 5 người con luôn bên cạnh, yêu thương gắn bó với nhau
Bên cạnh bà Ngần giờ có 5 người con luôn bên cạnh, yêu thương gắn bó với nhau

Cũng nhận được một bên giác mạc từ anh Vàng nhưng bà Nguyễn Thị Thụy (51 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) lại mang trong mình những nỗi niềm khác. Bà Thụy cho hay, cách đây 8 năm, bà bị đau mắt đỏ nhưng do không kiêng cữ và chăm sóc tốt nên bị biến chứng, vi khuẩn xâm nhập dẫn đến hỏng mắt. Trước khi nhận được giác mạc hiến, hàng ngày bà Thụy phải vật lộn với những cơn đau nhức ở mắt.

“Trong ngày giỗ anh Vàng, 5 anh em chúng tôi cùng gặp mặt dù không chung huyết thống nhưng thấy thân thiết như một nhà”, bà Thụy nói.

Dù vẫn biết rằng “cho đi là còn mãi” nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để hiến tặng những bộ phận của chính con mình đẻ ra. Người mẹ mạnh mẽ ấy đã mất đi một đứa con nhưng bà không hề cô đơn. Bởi bên bà bây giờ là 5 đứa con đoàn kết, gắn bó và rất yêu thương người mẹ thứ hai của mình.