Cảm động bà lão 80 tuổi vẫn đi hái thuốc Nam làm từ thiện giữa trung tâm Sài Gòn

14:41 19/06/2015

Mặc dù hàng ngày phải đi bán vé số kiếm sống nhưng cụ bà 80 tuổi vẫn bỏ thời gian đạp xe đi hái thuốc Nam về phát miễn phí cho người nghèo. Đặc biệt hơn, bà đã làm đơn hiến tặng thân xác cho Y khoa khi qua đời.

Người có tấm lòng nhân hậu đó là bà Phan Thị Ngọc Huệ (SN 1935, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM). Chúng tôi tìm đến nhà trọ của bà Huệ tại phường 7, quận Phú Nhuận vào một buổi trưa nắng nóng như đổ lửa. Lúc này, bà Huệ cũng vừa đi bán vé số về, mồ hôi ướt đẫm áo nhưng bà vẫn vui vẻ nói: “Tôi mới đi bán vé số xong, tranh thủ về ăn tạm chén cơm rồi chạy xuống quận Thủ Đức hái thuốc Nam, đem vô chùa cho mấy sư phát cho người bệnh”.


	
	Hàng ngày bà Huệ vẫn đều đặn đạp xe đi hái thuốc Nam làm từ thiện
Hàng ngày bà Huệ vẫn đều đặn đạp xe đi hái thuốc Nam làm từ thiện

Nói xong, bà bới tạm chén cơm ăn với nước tương rồi cho biết thêm bà đã đi hái thuốc Nam làm từ thiện được nhiều năm nay, công việc tuy rất vất vả nhưng giúp được nhiều người nên bà cảm thấy rất vui.

“Từ nhỏ tôi đã sống trong cơ cực, nên đi đâu, làm gì, miễn thấy người có hoàn cảnh khó khăn lại bị bệnh không có tiền mua thuốc uống thì xót lắm.Trong một dịp tình cờ, tôi đi chùa thì thấy các sư đang phơi cây thuốc Nam để phát cho người nghèo chữa bệnh nên đến hỏi thăm và nhờ chỉ các đặc tính chữa bệnh từng loại cây thuốc, cách phân biệt và nhận dạng chúng, rồi từ đó đi hái thuốc đến nay”, bà Huệ nói.

Những cây thuốc kiếm được bà Huệ chở vào các chùa Linh Quang, Thái Bửu (quận 11), chùa Quan Âm Tự (quận Phú Nhuận)... để chế biến thành thuốc Nam.

Ban đầu, bà chỉ đi quanh các quận nội thành để hái thuốc, tuy nhiên do đô thị hóa ngày càng nhiều nên bà phải chuyển ra các vùng ven ngoại thành để tìm cây thuốc. Ngoài ra, những loại cây thuốc thông dụng không còn nhiều nữa. Không kể ngày nắng gắt hay mưa dầm, bà Huệ vẫn đều đặn đạp xe hàng chục km để đi hái thuốc.

“Tôi đi riết rồi cũng quen, ở nhà buồn lắm. Có lần tôi đang hái thuốc để xe đạp ngoài đường, một nam thanh niên kia định lấy trộm chiếc xe. Lúc đó, tôi nhìn thấy rồi chỉ nói “Con ơi! xe của bà để làm phương tiện đi hái thuốc cứu người, đừng lấy nhe”, nói vậy mà thằng nhỏ bỏ chiếc xe đạp lại rùi đi mất hút luôn”, bà Huệ nói.


	
	Sau khi đi hái thuốc về bà Huệ phân ra rồi đem vào chùa làm từ thiện
Sau khi đi hái thuốc về bà Huệ phân ra rồi đem vào chùa làm từ thiện

Khi được hỏi, tuổi đã già lại sống một mình sao bà không vào viện dưỡng lão để sống, thì bà Huệ thật lòng chia sẻ: “Mấy cô chú bên phường cũng khuyên tôi già rồi đừng đi hái thuốc nữa, mà vào viện dưỡng lão để an nhàn. Tôi chỉ nói còn sức, còn đi được, là tôi còn cống hiến cho xã hội”.

Khi được hỏi bà sống cùng ai mà căn phòng đơn sơ như vậy, bà Huệ im lặng hồi lâu rồi nói, bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo lại đông anh em ở quận 4. Từ nhỏ đã phải đi chăn vịt mướn rồi hái bèo đi bán kiếm sống qua ngày. Lớn lên, bà cũng đi lấy chồng, nhưng số phận oan nghiệt đã không cho bà được làm mẹ.


	
	Căn phòng nhỏ của bà Huệ có rất nhiều giấy khen của các đoàn thể địa phương
Căn phòng nhỏ của bà Huệ có rất nhiều giấy khen của các đoàn thể địa phương

Trong lúc tôi đi giữ vịt không may mắn té xuống dòng kênh rồi bị cọc nhọn đâm vào người, ảnh hưởng đến chuyện sinh sản. Ở được với chồng không bao lâu, thì tôi với ông ấy chia tay. Từ đó đến nay tôi sống một mình, hàng ngày đi bán vé số và hái thuốc vậy thôi”, Huệ tâm sự.

Huệ còn cho biết, mình đã làm giấy xác nhận hiến thân xác cho Y học sau khi chết. Đây chính là tâm nguyện cuối cùng của cuộc đời bà. “Cả đời tôi chỉ muốn giúp người thôi, tôi quan niệm chết không phải là hết mà là bắt đầu lại từ đầu vì vậy thân xác tôi còn dùng được gì tôi hiến tặng hết cho Y học. Sống là cho và chết cũng là cho”, bà Huệ nói.


	
	Bà Huệ đã làm giấy hiến tặng thân xác cho Y học
Huệ đã làm giấy hiến tặng thân xác cho Y học

Đối với nhiều người bà Huệ là tấm gương nhân hậu cần được noi theo. Còn đối với bản thân bà Huệ thì chỉ nghĩ làm việc tốt để cho cuộc đời có ý nghĩa hơn thôi.

Hi vọng, bà Huệ sẽ còn nhiều sức khỏe và tiếp tục những công việc thiện nguyện mà mình đã làm trong mấy chục năm qua để giúp đỡ người khó khăn.