Những ngày này showbiz lại một phen xôn xao, vẫn câu chuyện quen thuộc về giới tính và vẫn nhân vật quen thuộc từ đầu năm 2020 đến nay - Lynk Lee. Hôm nay, người ta lại nhận xét chuyện chàng ca sĩ trong ký ức tuổi thơ ngày nào "come out", khoác lên mình những chiếc váy như một cô gái thực sự.
Vậy, Lynk Lee sai ư? "Come out" là sai hay mặc váy là sai hay vốn dĩ chấp nhận bản ngã, sống thật với chính mình là sai? Đáng tiếc, cuộc đời Lynk Lee là thuộc về riêng Lynk Lee, không ai có quyền phân định đúng hay sai, cũng làm gì có quyền phán xét cay nghiệt với sự lựa chọn của cô ấy?
Lynk Lee khi "come out" nhận nhiều lời phán xét từ cộng đồng mạng. Ảnh: YAN
>>> Bài viết liên quan: Lynk Lee công khai toàn bộ hình ảnh về ca phẫu thuật chuyển giới
Lynk Lee chấp nhận "cái bóng" giới tính
Còn nhớ đâu khoảng hơn 8 năm trước, Lynk Lee vẫn là chàng trai có dáng vẻ thư sinh, nổi bật trong lĩnh vực âm nhạc với nhiều ca khúc về học trò. Vậy mà khi thời gian trôi qua, cái tên Lynk Lee những tưởng bị lãng quên bất ngờ quay trở lại với diện mạo mới - một cô gái.
Lynk Lee "come out", muốn thoát khỏi 30 năm gồng mình để sống như một người con gái thực sự. Phản ứng của dư luận ngạc nhiên có, sốc có, phán xét có, đồng tình cũng có. Còn tôi, cũng một thời nghe nhạc Lynk Lee, cảm xúc đầu tiên lại là... ngưỡng mộ.
Vì sao ư? Tôi tự hỏi, con người ta cần bao nhiêu can đảm, cần bao nhiêu nghị lực để quyết định trở về với bản ngã thực sự của chính mình? Lynk Lee cần bao nhiêu can đảm để thực hiện từng đó cuộc thẩm mĩ, để được diện những chiếc váy trễ vai, hở lưng trần gợi cảm?
Để công khai giới tính, trở thành cô gái xinh đẹp, Lynk Lee cần rất nhiều sự can đảm. Ảnh: YAN
Phân tâm học của Carl Jung viết con người luôn tồn tại với một lớp mặt nạ bên ngoài (persona) và một cái bóng (shadow) ở bên trong. Mặt nạ là thứ mà người ta luôn thể hiện trước mặt người khác. Để tạo dựng nên chiếc mặt nạ ấy, con người buộc lòng phải giấu đi một vài thứ khác vào trong, gọi là cái bóng, nó có thể tốt cũng có thể xấu. Carl Jung cũng nói việc tìm hiểu, hòa nhập với cái bóng là vô cùng khó khăn.
Đối chiếu với Lynk Lee, mặt nạ chính là hình ảnh một anh chàng thư sinh, cái bóng chính là giới tính mà anh đã cố cất nó vào một góc nhỏ. Nói một cách thẳng thắn, chẳng ai muốn đối diện với những thứ mà bản thân không muốn có, cũng là những thứ có thể khiến xã hội này có thể quay lưng với mình. Nhưng Lynk Lee không chỉ đối diện mà còn chấp nhận nó, ý thức được nó để rồi chịu trách nhiệm với giới tính của mình.
Tôi cho rằng Lynk Lee đã bao lần phân vân, tự vấn trước khi "come out" để rồi điều cuối cùng cô ấy muốn là hạnh phúc nên từng chút một thể hiện giới tính thật của mình. Một cái tôi hoàn hảo nhất chính là việc dung hòa giữa mặt nạ và cái bóng, đó là lúc con người ta thực sự sống với chính mình, có ưu điểm tất nhiên chẳng thiếu khuyết điểm.
Có một câu hát trong OUTRO: EGO của BTS' J-Hope như thế này: “Cứ tin tưởng chính mình, bản đồ của tâm hồn, bản đồ của tất cả. Đó là cái tôi của tôi”. Thế nên, Lynk Lee của hiện tại mới là một Lynk Lee hoàn chỉnh nhất. Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa, Lynk Lee đã dùng tất cả sự mạnh mẽ để sống với "cái bóng" giới tính và bước đi trên một con đường khác, đầy kiêu hãnh hơn cô ấy từng.
Những hình ảnh của Lynk Lee khi thực hiện thẩm mĩ. Ảnh: YAN
>>> Xem thêm: Lynk Lee mặc váy quyến rũ biểu diễn cực nhiệt sau khi là chính mình
Người ta buông lời cay đắng vì không thể chấp nhận hay chỉ chạy theo số đông?
Trong hầu hết những bài đăng của Lynk Lee sẽ luôn có những bình luận với nội dung sau: "Không phải kì thị nhưng mà...". Ồ, hóa ra người ta có thể nhân danh không kỳ thị để bới móc người khác? Chỉ là bạn biết đấy, tất cả những gì phía trước chữ "nhưng" đều vô nghĩa.
Khi Lynk Lee phải trải qua sự đấu tranh để chấp nhận "cái bóng" giới tính và sống cùng nó thì xã hội ngoài kia vẫn xem đó là điều không thể chấp nhận được. Khi nhiều người vẫn đang đấu tranh để tìm kiếm sự công bằng cho cộng đồng LGBT thì một số cá nhân ngồi sau màn hình máy tính, tay gõ phím với tốc độ 1 phút 30 giây, chẳng cần suy nghĩ nhiều đã cho ra những lời chỉ trích. Đây là cái mà người ta gọi là bình đẳng, tôn trọng người khác đấy sao?
Rất nhiều người nhân danh "không kỳ thị" để phán xét Lynk Lee. Ảnh: YAN
Có một số người, họ buông lời phán xét chẳng qua bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, vậy tại sao không một lần đặt thân mình vào thế yếu để cảm thông?
Như tôi đã đề cập, mỗi người đều có mặt nạ và cái bóng, giữa một đám đông, người ta thường sống theo ý muốn của người khác, thể hiện điều mà người khác trông đợi. Thế nên, khi chứng kiến một Lynk Lee đương đầu với lời dèm pha để trở về với bản ngã của cô ấy mà bản thân họ vẫn chạy theo số đông, họ buông lời phán xét là lẽ dĩ nhiên.
Dù với bất cứ lý do gì chúng ta cũng phải nhìn trực diện vào vấn đề rằng mạng xã hội là ảo, nhưng tổn thương là thật. Bạn chỉ cần làm một phép thử thế này, bạn trót đăng tấm ảnh chưa qua photoshop, không được đẹp lắm, bên dưới là những bình luận như: "Xin ông trời hãy tha cho đôi mắt của con". Nếu bạn nói với tôi rằng bạn không tổn thương, không buồn, rõ ràng bạn đang dối lòng.
Bạn biết không, đó là một trong số rất nhiều những bình luận mà Lynk Lee phải đọc khi cô ấy "come out". Vậy cô ấy còn tổn thương gấp trăm, gấp ngàn lần thế nào nữa? Cô ấy đã buồn nhiều đến mức chai lì và nói rằng: "Linh đã không màng điều gì để trải qua các cuộc thẩm mĩ, nên mấy lời tiêu cực như thế này đã không còn xi-nhê gì với Linh nữa".
Không ai nghĩ đến sự tổn thương mà Lynk Lee phải chịu. Ảnh: YAN
Hay bạn có thể làm một phép thử thế này, sau khi bình luận phán xét về Lynk Lee, bạn hãy đọc lại lời ấy thật nhiều lần. Tiếp theo bạn hãy trả lời những câu hỏi này của tôi: "Lynk Lee "come out" liên quan gì đến bạn?", "Cô ấy có làm ảnh hưởng bạn không?" và cuối cùng "Vì sao bạn cứ chỉ trích cô ấy?". Tôi tin bạn sẽ nhận thấy bản thân không hề đúng.
Nếu ngay lúc này chúng ta không lên án việc phán xét người khác trên mạng xã hội thì sau Lynk Lee, liệu sẽ còn bao nhiêu người nữa phải chịu thêm thương tổn? Pháp luật không quy định con người không được "come out" nhưng chắc chắn sẽ có hình phạt thích đáng với những ai xúc phạm danh dự người khác. Vậy nên, hãy dừng lại trước khi mọi chuyện đi khỏi tầm kiểm soát của bạn.
Những lời miệt thị Lynk Lee liệu có phải là những lời nói tử tế? Ảnh: YAN
>>> Đừng bỏ lỡ: Sao Việt an ủi Lynk Lee khi bị chỉ trích trong lần đầu mặc váy nữ tính
Tạm kết
Lynk Lee hôm nay, đứng trên sân khấu, dù là diện một bộ vest cá tính hay diện một chiếc đầm lấp lánh quyến rũ cũng là sự lựa chọn của cô ấy, con đường mà cô ấy bước đi. Dẫu là gai góc, dẫu là máu và nước mắt, cô ấy cũng có quyền tự hào và mỉm cười.
Còn những người phán xét Lynk Lee cần biết rõ rằng cuộc đời bạn và cô ấy vốn là hai đường thẳng song song và sẽ chẳng bao giờ giao nhau. Đã không liên quan thì đừng đừng mỉa mai. Hãy dừng lại những hành xử sai lệch trên mạng xã hội này.
Tôi lại mượn một câu hát trong ON của BTS để kết thúc câu chuyện của Lynk Lee: "Nếu không muốn phát điên, thì bản thân phải điên cuồng lên". Chính là không muốn bản thân bị dòng đời xô đẩy thì nhất định phải kiên cường hơn, phải dung hòa được cái bóng bên trong và cái tôi bên ngoài, đứng trước ngọn sóng dư luận mà sống đúng bản ngã của mình.
Ảnh: FBNV
Hành trình chuyển giới của Lynk Lee
Lynk Lee chính thức "come out" vào dịp Tết Nguyên Đán 2020. Thông tin này khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc. Thời điểm đó, cô chỉ đăng tải những hình ảnh để tóc dài với gương mặt trông có phần nữ tính.
Sau đó, Lynk Lee bắt đầu thử những chiếc váy nữ tính, trang điểm nhẹ nhàng. Hình ảnh của cô dần thục nữ hơn, giống như một cô gái thực sự. Để có được ngoại hình hiện tại, Lynk Lee đã trải qua từng cuộc phẫu thuật đau đớn.
Hiện tại, Lynk Lee cảm thấy hạnh phúc khi được sống với chính mình ngay cả khi nhiều người phán xét cô.