Cái kết đau lòng cho bài học “chữ Hiếu”

16:48 12/12/2015

“Ông già rồi, có sống cũng vô ích, không cần phải quan tâm tới ông ấy”…

Câu chuyện kể về một ông lão sống cùng con trai, con dâu và cậu cháu trai. Ngày còn trẻ ông lão chăm chỉ làm việc, sau bao năm cật lực nuôi con lớn, trưởng thành, lấy được vợ. Người con trai của ông lão cũng rất chăm chỉ làm lụng. Rồi cũng tới những ngày tháng ông được an nhàn hưởng phúc tuổi già.

Người con trai biết ơn công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha, vô cùng hiếu thuận, chăm sóc cha mình chu đáo. Năm tháng trôi qua, ông lão ngày càng già yếu hơn. Vừa làm việc kiếm tiền, vừa lo toan gia đình mà vẫn phải chăm sóc cho người cha ngày một ốm yếu, bệnh tật, người con trai bỗng dần thấy chán ghét cha mình. Anh ta thầm nghĩ trong bụng: “Cha vừa già vừa bệnh đau ốm, lúc nào cũng cần người bên cạnh chăm sóc thật là phiền phức. Dù sao thì cha cũng chỉ có thể sống thêm vài năm nữa là cùng, chi bằng để cha đi sớm cho gia đình bớt đi được gánh nặng”.


(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

Người con trai tự tay đan một chiếc giỏ tre thật lớn, giết một con gà rồi luộc cho cha ăn. Người cha thấy vậy liền nói: “Con gà to thế sao con không đem ra chợ bán lấy tiền, giết cho cha ăn làm gì? Cha chỉ cần ăn cơm canh đạm bạc là được rồi”.

“Không sao đâu ạ. Cha cứ ăn thật no, xong con sẽ cõng cha lên núi”. Nghe thấy con trai nói vậy thì người cha mừng ra mặt. Ông cho rằng con mình có hiếu, thấy ông lâu rồi không được lên núi ngắm cảnh nên đưa đi chơi. Người cha ăn xong, ngồi vào chiếc giỏ tre để con trai cõng lên núi. Đứa cháu trai nhỏ tuổi cũng được đưa đi theo.

Lên đến núi, người con trai đặt cha ngồi dưới bóng râm và bảo ông hãy cứ ngắm cảnh vật nơi đây. Ngay sau đó, người con liền lén lút dẫn cậu con trai nhỏ xuống núi. Sau khi về tới nhà, cậu con trai nhỏ hỏi cha: “Trời tối rồi, khi nào thì chúng ta sẽ đi lên núi đón ông nội về vậy cha?”.

Ông nội sẽ ở đó luôn, không về nữa.” – người cha thản nhiên trả lời cậu con trai. Thấy vậy, đứa con nhỏ ngây thơ: “Như vậy làm sao được ạ? Ông bị bệnh nặng, trời thì nóng thế này, nếu không ai chăm sóc, ông sẽ chết mất”. Người cha vẫn lạnh lùng phân trần: “Ông già rồi, có sống cũng vô ích, không cần phải quan tâm”.

Đứa nhỏ lúc này ngẫm nghĩ một lúc rồi quay qua nói với cha mình: “Cho dù ông nội vô ích thì cái giỏ tre đó cũng có ích mà cha. Chúng ta hãy đi nhặt cái giỏ tre về, đợi khi cha già rồi, con cũng có thể dùng nó để cõng cha lên núi”.


(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

Ngay sau khi nghe người con trai nhỏ nói vậy thì anh ta mới như thức tỉnh khỏi cơn mê. Nhớ lại khoảng thời gian cha già vất vả, lam lũ nuôi nấng anh trưởng thành, để rồi giờ đây anh lại đang tâm bỏ cha mình già yếu nơi núi cao hoang vắng. Lập tức anh ta vội vàng kéo tay cậu con trai chạy lên núi để tìm cha, nhưng rồi đã quá muộn, khi tới nơi, người cha đã trút hơi thở cuối cùng từ khi nào không biết.

Người con trai lúc này mới hối hận vô cùng, anh ta đau khổ khóc lóc bên thi hài cha mình. Sau đó, người con trai cõng cha xuống núi để mai táng. Anh ta đã trồng cỏ xanh trước mộ của cha mình, không quên đặt chiếc giỏ tre lên trên mộ như một lời nhắc nhở cho chính bản thân.

Từ đó về sau, người dân vùng đó luôn phủ chiếc giỏ tre lên đám cỏ xanh trước mộ như một phong tục tập quán. Đó cũng chính là lời nhắc nhở con cháu đời đời sau này phải ghi nhớ công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành.

Câu chuyện là một bài học nhân văn và sâu sắc cho mọi thế hệ. “Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là đạo lí muôn đời trong việc đối nhân xử thế. Không có cha mẹ, không có người sinh thành, dưỡng dục thì làm sao có ta của ngày hôm nay. Câu nói của đứa con nhỏ giống như “luật nhân quả” mà đời người sẽ phải gánh chịu. Hãy đối xử thật tốt với cha mẹ mình, hãy làm tấm gương thật sáng để con cháu đời sau có thể nhìn vào và noi theo. Đừng để cuộc sống của chính mình phải hối hận về những lầm lỗi của bản thân.