Cách ly hơn 1.000 người tại Đắk Lắk vì liên quan đến ca bạch hầu mới

16:10 04/09/2020

Sau một thời gian im ắng, mới đây Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết đã ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính mới với vi khuẩn bạch hầu. 

Hiện tại, cơ quan chức năng nơi đây đã khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng dịch để tránh dịch bạch hầu lây lan trên diện rộng. 


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu cho người dân ở khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: VTV)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu cho người dân ở khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: VTV)

Cách ly y tế hơn 1.000 người dân vì có liên quan đến ca bạch hầu mới

Theo như VnExpress đưa tin, sau khi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk xác nhận có thêm 1 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, ngay trong sáng nay (4/9), ngành chức năng tại đây đã tiến hành lập ngay 6 chốt cách ly tại một số khu vực thuộc thôn 7, TP Buôn Ma Thuột. Được biết, ca bệnh bạch hầu mới này là một bé trai chỉ mới 3 tuổi. 


Ngành chức năng lập chốt cách ly một số điểm ở thôn 7 vào sáng 4/9. (Ảnh: VnExpress)
Ngành chức năng lập chốt cách ly một số điểm ở thôn 7 vào sáng 4/9. (Ảnh: VnExpress)

Theo như Chủ tịch UBND xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột - ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, trong số 6 chốt này có 2 chốt cách ly chính và 4 chốt phụ. Những chốt này sẽ quản lý việc cách ly y tế của khoảng 200 hộ gia đình (có hơn 1.000 người) ở thôn 7 này bắt đầu từ 0h ngày 4/9 đến 0h ngày 11/9. Ngoài ra, cơ quan chức năng tại đây cũng đưa ra yêu cầu tất cả mọi người ở đây đều phải dừng các hoạt động tụ tập đông người. Trường học đều phải đóng cửa, cho học sinh nghỉ cho đến khi thời gian cách ly y tế kết thúc.

>>> Xem thêm: Bệnh bạch hầu chưa có thuốc đặc hiệu, bắt buộc phải tiêm vắc-xin

Điều tra dịch tễ và xét nghiệm nhanh các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân

Thông tin từ Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột cho biết, trong ngày 28/8, bé trai 3 tuổi người Ê đê này đã lên cơn sốt cao. Hai hôm sau gia đình mới đưa bé vào khám bệnh và điều trị tại Bệnh viện TP Buôn Ma Thuột. Cho đến ngày 2/9, bệnh nhi 3 tuổi này được điều chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.


Nhân viên Y tế phun thuốc khử khuẩn ở khu vực thôn 7 trong sáng 4/9. (Ảnh: VnExpress)
Nhân viên Y tế phun thuốc khử khuẩn ở khu vực thôn 7 trong sáng 4/9. (Ảnh: VnExpress)

Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và xác định bé trai 3 tuổi này đã dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã phối hợp cùng với cơ sở y tế tại địa phương tiến hành điều tra dịch tễ, phun thuốc khử khuẩn tại khu vực sinh sống của bệnh nhi 3 tuổi. Cùng với đó, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp từng tiếp xúc gần với bệnh nhi này.

Đồng thời, tại khu vực trường Mầm non 1/6, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột - nơi bệnh nhi đã từng học, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xác định những trường hợp đã từng tiếp xúc gần để cho uống kháng sinh dự phòng. Ngoài ra, toàn bộ khuôn viên trường đều sẽ được tiến hành phun khử khuẩn.


Cách ly, dập ổ dịch bạch hầu tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, Đắk Nông. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Cách ly, dập ổ dịch bạch hầu tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, Đắk Nông. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

>>> Xem thêm: Đám tang lặng lẽ của bé trai mắc bạch hầu: Sợ lây nên không ai đến

Khu vực Tây Nguyên ghi nhận hơn 150 ca mắc bệnh bạch hầu 

Để phòng tránh tình trạng dịch bạch hầu lây lan nhanh trong cộng đồng khi phát hiện ca bệnh mới, cơ quan chức năng tại đây sẽ tiến hành lấy danh sách những trường hợp từ 49 tháng tuổi trở lên (thuộc địa bàn xã Cư Êbur) để tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Tại khu vực Đắk Lắk, dịch bạch hầu bắt đầu bùng phát vào tháng 7/2020. Cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh này đã ghi nhận có đến 41 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Họ là những người sinh sống ở 15 xã thuộc 6 huyện, thành phố tại Đắk Lắk. 


Một chốt kiểm soát dịch bạch hầu ở Đắk Lắk. (Ảnh: Zing)
Một chốt kiểm soát dịch bạch hầu ở Đắk Lắk. (Ảnh: Zing)

Thống kê từ Bộ Y tế cho biết, tính từ đầu năm 2020 đến nay, Tây Nguyên đã ghi nhận có hơn 150 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu; trong số đó có 3 ca không qua khỏi. Trong ngày hôm qua (3/9), tỉnh Gia Lai đã phát hiện thêm 3 ca mắc bạch hầu mới, hiện tỉnh này đang có tổng cộng 38 ca. Tỉnh Đăk Nông có 39 ca, xuyên suốt trong hơn 1 tháng qua không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh bạch hầu mới.

>>> Xem thêm: Bình Phước ghi nhận ca bệnh bạch hầu đầu tiên

Bạn nghĩ như thế nào về tình hình dịch bạch hầu tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay? Cho chúng mình biết thêm ý kiến tại YAN nhé!

Các dấu hiện nhận biết bệnh bạch hầu để phòng tránh, chữa trị kịp thời

Bệnh bạch hầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae tạo ra. Người mắc bệnh bạch hầu thường có một số triệu chứng trong vòng 2-5 ngày đầu tiên đó là sốt nhẹ. 

Với triệu chứng sốt nhẹ, thế nên nhiều người chủ quan và thường nhầm lẫn với căn bệnh cảm lạnh thông thường và không đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. 

Ngoài việc xuất hiện những cơn sốt, người mắc bệnh bạch hầu thường cảm thấy cơ thể bị ớn lạnh. Người bệnh sẽ bị đau họng, khàn tiếng, ho nhiều và thường chán ăn. 

Sau 2-3 ngày, amidan và 2 bên thành họng của người bệnh nhân sẽ bắt đầu xuất hiện các mảng dính, nhớt (còn gọi là giả mạc) có màu đen, xám hoặc tráng ngà.

Xem chi tiết: TẠI ĐÂY