Ở trường mẫu giáo này, bé trai có thể mặc váy nếu thích

00:35 18/02/2016

Trường mẫu giáo này đã áp dụng một phương pháp giáo dục chưa từng thấy trước đây nhằm mục đích đảm bảo công bằng giới tính.

Trường mẫu giáo Egalia ở quận Sodermalm, thành phố Stockholm, Thụy Điển đã hầu như thành công trong việc trở thành một phần của nỗ lực cân bằng giới tính ở đất nước này khi tạo ra một môi trường “vô giới tính” cho các em nhỏ theo học tại đây.

Thay vì sử dụng các danh xưng phân biệt giới tính như “his”, “her” trong tiếng Anh, các giáo viên ở đây gọi học sinh bằng “hen” – một đại từ nhân xưng vô giới mượn từ tiếng Phần Lan và khuyến khích các em sử dụng từ này. Ngoài ra, họ còn cho phép các em thoải mái lựa chọn tất cả các loại đồ chơi, màu sắc của vật dụng, sách truyện tùy theo sở thích của mình mà không hề bị ràng buộc về giới tính.


Đặt cạnh những món đồ chơi nhà bếp này là bộ xếp hình lego, gạch đồ chơi với ngụ ý rằng giữa việc bếp núc và việc xây dựng không hề có ranh giới. (Ảnh: AP)
Đặt cạnh những món đồ chơi nhà bếp này là bộ xếp hình lego, gạch đồ chơi với ngụ ý rằng giữa việc bếp núc và việc xây dựng không hề có ranh giới. (Ảnh: AP)

Tuy chỉ mới đi vào hoạt động từ năm ngoái nhưng những nỗ lực nhằm xóa bỏ ranh giới về giới tính của trường này được đánh giá cao. Được biết, xóa bỏ vai trò giới là nhiệm vụ cốt lõi trong các chương trình giảng dạy quốc gia thuộc bậc trường mầm non ở Thụy Điển.

Chia sẻ về ý tưởng này, cô Jenny Johnsson, một giáo viên của trường, cho biết: “Xã hội luôn kì vọng những bé gái phải luôn hiền dịu, dễ thương còn các cậu bé thì phải tỏ ra nam tính, mạnh mẽ và hoạt bát. Nhưng ở trường Egalia, các bé được là chính mình, được thể hiện đúng con người mà bé muốn trở thành”.

Tại trường, các bé trai và bé gái chơi chung với nhau những trò như trò chơi nhà bếp. Đặt cạnh những món đồ chơi nhà bếp này là bộ xếp hình lego, gạch đồ chơi với ngụ ý rằng giữa việc bếp núc và việc xây dựng không hề có ranh giới.

Về sách truyện, phần lớn sách ở trường học này đều chứa nội dung về cặp đôi đồng tính, những ông bố, bà mẹ đơn thân và việc nhận con nuôi. Đặc biệt, không hề có những quyển sách được cho là gối đầu giường của mọi trẻ em trên thế giới từ xưa đến nay như Bạch Tuyết, Lọ Lem và các câu chuyện cổ tích khác.

Lotta Rajalin – hiệu trưởng của trường mẫu giáo Egalia, đặc biệt chú trọng vào vấn đề làm sao để tạo ra một môi trường bình đẳng giới cho trẻ em. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên ở đây cũng khuyến khích các em sáng tạo trong quá trình chơi đùa. “Một ví dụ cụ thể là khi chơi trò gia đình, khi một em nhanh chân giành vai mẹ, các em khác sẽ bắt đầu cãi nhau vì cũng muốn được sắm vai này. Chúng tôi đã đề xuất với các em rằng các em có thể có 2 – 3 người mẹ cùng một lúc”.


Cô Lotta Rajalin – hiệu trưởng của trường mẫu giáo Egalia, đặc biệt chú trọng vào vấn đề làm sao để tạo ra một môi trường bình đẳng giới cho trẻ em. (Ảnh: AP)
Lotta Rajalin – hiệu trưởng của trường mẫu giáo Egalia, đặc biệt chú trọng vào vấn đề làm sao để tạo ra một môi trường bình đẳng giới cho trẻ em. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, phương pháp giáo dục mới này của trường Egalia vẫn còn gây tranh cãi, cụ thể là các giáo viên của trường đã bị những người phân biệt chủng tộc đe dọa khi trong trường có sử dụng búp bê da màu. Nhưng đó chỉ là một thiểu số, bởi có cả một danh sách dài những phụ huynh đăng kí cho con em theo học tại đây. Từ ngày thành lập cho đến nay, chỉ có duy nhất 1 trường hợp xin thôi học. Anh Jukka Korpi, phụ huynh của một học sinh đang theo học tại Egalia, chia sẻ rằng hai vợ chồng anh muốn mang lại cho con những gì tốt nhất, vì chính con người thật của chúng chứ không phải dựa vào giới tính.

Nói về việc đội ngũ giáo viên ở đây không gọi các em bằng đại từ nhân xưng có phân biệt giới tính mà chỉ gói gọn tất cả trong một từ “hen”, cô Lotta Rajalin cho biết: “Chúng tôi dùng từ ‘hen’ để gọi một vị bác sĩ, cảnh sát, thợ điện hay thợ sửa ống nước khi họ chuẩn bị đến trường, bởi chúng tôi không hề biết người đó là nam hay nữ, chẳng hạn như ‘Hen sẽ đến trường chúng ta lúc 2 giờ đấy’. Và rồi các em học sinh sẽ nghĩ rằng một người đàn ông hoặc một người phụ nữ sẽ đến, chứ không bị áp đặt ngành nghề theo giới tính nữa”.


Tại trường, các bé trai và bé gái chơi chung với nhau những trò như trò chơi nhà bếp. (Ảnh: AP)
Tại trường, các bé trai và bé gái chơi chung với nhau những trò như trò chơi nhà bếp. (Ảnh: AP)

Về góc độ chuyên gia, ông Jay Belsky – một chuyên gia tâm thần học trẻ em thuộc trường đại học California, nói rằng ông không hề có chút nghi ngại gì với những trường học “lạ đời” như Egalia. Ông chỉ phân vân rằng liệu phương pháp đổi mới này có phải là một hướng đi đúng đắn hoàn toàn hay không. “Những thứ mà các bé trai thích làm như chạy giỡn và đấu kiếm giả rồi sẽ không còn nữa. Một mặt tối của bình đẳng giới chính là phần nào đó triệt tiêu đi sự nam tính” – ông Jay cho hay.