Những ngày qua, thông tin về thiền am ở tỉnh Long An đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Mới đây, sau khi bị nghi ngờ trục lợi từ nhà hảo tâm, một thành viên của nơi này đã lên tiếng kể về các hoạt động thường ngày, cũng như công việc kiếm tiền sinh sống.
Anh N.N làm một số công việc khác để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh: Dân Việt)
Dân Việt đưa tin, vào chiều ngày 6/11 vừa qua, người tên N.N đã thay mặt cơ sở nói trên chia sẻ về cuộc sống sinh hoạt thường ngày tại nơi đây. Theo N.N, những “chú tiểu” vẫn được đi học cùng bạn bè. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hiện các bé học tập theo hình thức trực tuyến. Những “ni cô” sẽ đảm nhận nhiệm vụ dạy dỗ, chăm sóc các bé.
N.N còn thanh minh rằng, các “tu sĩ” của tịnh thất đều làm việc kiếm tiền, không phụ thuộc hoàn toàn vào tiền từ thiện. Theo đó, các công việc như cùng nhau làm đá phong thủy; trồng rau củ để đem ra chợ bán. N.N còn cho biết mình có một studio và nhận viết nhạc, làm hòa âm, phối khí… sau đó đăng tải lên YouTube. Mọi người cũng sử dụng nền tảng này để cập nhật các video ca hát, mỗi tháng kiếm được khoảng vài ba triệu.
Kênh YouTube về “5 chú tiểu” gây được sự chú ý sau khi các bé tham dự cuộc thi Thách Thức Danh Hài mùa 5 và đoạt ngôi vị quán quân, đem về 300 triệu đồng tiền thưởng. Số liệu từ trang Social Blade cho thấy, kênh của họ đang có 900 video và thu về tổng cộng hơn 833 triệu lượt xem. Từ con số này, ước tính mỗi tháng họ có thể kiếm được khoảng 5.500 - 87.400 USD (gần 125 triệu đồng – gần 2 tỉ đồng). Dù vậy, mức thu nhập nói trên vẫn chưa được xác thực.
Cơ sở được xây dựng tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hoà, Long An. (Ảnh: Phật Tử Việt Nam)
Ngoài kênh YouTube chính về “5 chú tiểu” với hơn 2 triệu lượt đăng kí, họ còn sở hữu một số kênh YouTube khác - lần lượt có 95.200, 43.200 và 38.800 lượt đăng kí. Đây có thể là một nguồn thu nhập kha khá cho các thành viên sinh sống tại đây.
Đáng chú ý, nếu như trước kia, ở phần giới thiệu của kênh YouTube chính có đính kèm thông tin về số điện thoại và số tài khoản để tài trợ cho các “chú tiểu” thì giờ đây, cộng đồng mạng không còn thấy những thông tin đó nữa. Trước vấn đề này, đại diện tịnh thất tiết lộ rằng, kênh YouTube về "5 chú tiểu" do một đơn vị khác quản lí, phía tịnh thất không hề nắm được những thông tin bị xóa.
Ngày 6/11 vừa qua, chương trình Việt Nam hôm nay của VTV1 thông tin rằng, "thiền am" trên do gia đình bà C.T.C. (hộ khẩu tại xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà, Long An) dựng lên, có có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Được biết, chia sẻ với CafeF, Thượng tọa Thích Nhật Từ (Trụ trì chùa Giác Ngộ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) nhận định: Những sai phạm liên quan đến việc "giả sư" để trục lợi, nếu không được giải quyết triệt để có thể đem đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bản tin "Việt Nam hôm nay" đưa tin về việc cơ sở trên "có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi". (Ảnh chụp màn hình)
Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng cho hay, việc họ tự xưng là thầy, sư cô, chú tiểu và mặc pháp phục tại “ngôi chùa giả” là điều trái với luật đạo, gây thương tổn cho Đạo Phật. Trong năm 2019, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã từng nói với các Phật tử rằng, cụ L.T.V – người đứng đầu cơ sở tịnh thất trên – cùng các đồ đệ của ông đang nợ Phật giáo Việt Nam một lời xin lỗi.
Vừa qua, trong cuộc họp của Bộ Nội vụ, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng đã nhận định cơ sở trên có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Đồng thời, ông cho biết Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi văn bản yêu cầu Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ của tỉnh Long An điều tra, xác minh những lùm xùm đang có. Như vậy, có lẽ công chúng sẽ sớm biết được những bí ẩn về tịnh thất trong thời gian tới. Bạn có suy nghĩ gì về những thông tin trên, hãy chia sẻ cho YAN biết nhé!
LUẬT SƯ PHÂN TÍCH VỀ NHỮNG LÙM XÙM XOAY QUANH TỊNH THẤT
Luật sư Trần Hữu Khôi đã có những chia sẻ về một số lùm xùm xoay quanh tịnh thất trên. Vị luật sư này cho biết, bất kì ai có hành vi trục lợi từ trẻ nhỏ để kiếm tiền đều sẽ bị xử phạt nghiêm. Cụ thể, việc lợi dụng danh nghĩa chăm sóc trẻ cơ nhỡ, mồ côi để kêu gọi sự giúp đỡ của người dân trong nước và kiều bào tại nước ngoài để trục lợi được cho là hành vi “bóc lột”.
Tại Điều 4 của Luật trẻ em hiện có ghi rõ: “Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động;... và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.”