Liệu các nhãn hàng có lỗ trong dịp Black Friday này không nhỉ?
Đến hẹn lại lên, ngày thứ 6 đen tối - 24/11 - tức Black Friday đã đến. Từ ngõ ra phố, chỗ nào cũng thấy người ta chưng biển "sale sập sàn", "sale khủng", "sale giá gốc", làm anh chị em mê đồ rẻ cứ nhấp nhổm không yên. Vừa lo cho cái ví của mình chưa no đã đói, vừa lo việc mình sẽ không kiếm được món đồ "ngon nghẻ" với giá hời.
Black Friday, hay còn gọi là ngày "Thứ Sáu đen tối", được ấn định vào thứ 6 đầu tiên sau ngày Lễ Tạ Ơn (được tổ chức chủ yếu tại Mỹ và Canada). Do Lễ Tạ Ơn rơi vào ngày thứ 5 lần thứ 4 trong tháng 11, nên Black Friday sẽ rơi vào khoảng ngày 23-29 tháng 11. Ngày này ra đời vào năm 1939 tại Mỹ như một cách kéo dài sự mua sắm tới Giáng Sinh, thúc đẩy nền kinh tế đang trên đà khủng hoảng.
Cái tên Black Friday được người ta nhắc đến nhiều sau tình trạng tắc nghẽn giao thông xảy ra vào thứ 6 sau Lễ Tạ Ơn vào năm 1965 ở Philadelphia. Hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc nhau ở các con phố, vỉa hè để sắm sửa cho Lễ Noel sắp đến.
Vào ngày này, nơi nào cũng chưng biển giảm giá khủng. Nếu bạn thích tới nơi lựa chọn, hãy hít một hơi thật sâu rồi xông vào biển người trước mắt. Nếu sợ cảnh chen chúc, bạn cứ ngồi một chỗ rồi nhẩn nha đặt hàng online rồi nhìn cái ví của mình mỏng dần. Cũng khó trách lắm, cả năm mới có một dịp mọi thương hiệu, từ cao cấp đến bình dân đều treo biển sale cực mạnh, lên tới 50%. Cơ hội mua được món đồ hiệu với mức bình dân chưa bao giờ dễ dàng đến thế.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao các nhãn hàng và các cửa hàng bán lẻ lại chịu chơi như vậy? Giảm kịch sàn, xả hàng giá gốc mà không sợ lỗ vốn sao?
Về vấn đề này, bạn đừng nên nghĩ quá nhiều. Việc mở đợt sale khủng đều nằm trong chiến lược kinh doanh của các nhãn hàng và được tính toán cụ thể trước đó cả năm rồi.
Họ giảm thế nào cũng vẫn có lãi thôi...
Đây là cách đặt giá thương hiệu thường thấy của các nhãn hàng
Để dễ hiểu hơn, hãy nghĩ tới một chiếc áo được nhà phân phối mua từ nhà cung cấp với giá 150 ngàn. Sau đó, nhà phân phối sẽ đẩy giá bán lẻ lên 400 ngàn và nhận lợi nhuận chênh lệnh. Tuy nhiên, con số 400 ngàn có vẻ khá chát với chiếc áo mỏng đó nên họ có thể để giá là 359 ngàn, giảm 10% để thu hút nhiều người mua hơn mà lãi vẫn cao. Tới ngày Black Friday, phần lớn lô áo sẽ được bán với giá 189 ngàn, giảm gần một nửa so với niêm yết ban đầu. Tính ra, khách hàng chỉ hời được với người mua hàng khác thôi.
Tuy nhiên thực tế trước kia lại khác. Các nhà bán lẻ không đặt giá cao như vậy. Trước năm 1970, các mặt hàng sẽ có đúng giá của nó, bởi vậy đợt sale trong năm vốn đã ít, lại chỉ để dành cho các mặt hành tồn kho.
Sau năm 1970, các mặt hàng bắt đầu đổi chiến lược cạnh tranh. Họ đặt giá thật cao và liên tục tổ chức các đợt sale khủng. Phương pháp này khi ấy vẫn còn hạn chế và giá trị sale off thường không vượt quá 30% để đảm bảo lợi nhuận ổn định.
Theo thời gian, các nhãn hàng bắt đầu... mặc kệ tất cả. Năm 2012, ông Johnson - CEO của một thương hiệu thời trang nữ giới cho biết, tỉ lệ bán được hàng ở mức giá đủ (full price) là cực thấp, chỉ chiếm 1/500. Thế nhưng đến mùa sale off, khách hàng sẽ được hưởng mức ưu đãi tới 60%. Nghe vậy thôi là ai cũng mê rồi. Mức sale off hiện tại mà thương hiệu của ông chạy đã gấp đôi so với 10 năm trước, nhưng đồng thời mức giá ban đầu cũng được đẩy cao lên tới 33%. Sale off càng khủng thì mức giá niêm yết trước đó được đẩy lên càng cao, đó là chiến thuật của các nhà kinh doanh hiện nay.
Hàng sale off chủ yếu là hàng tồn, lỗi mốt
Đối với những thương hiệu được đánh giá là "hàng hiệu bình dân", việc bạn "vợt" được những món đồ mới, hợp trend với giá hời là... hơi khó. Chủ yếu những thứ còn được lưu lại tới mùa sale off với mức giá giảm sâu tới 50% đều là hàng tồn kho, cũ và lỗi mốt. Trong khi đó, hàng mới chỉ giảm khoảng 10% - 20% mà thôi. Việc giảm giá như trên cũng là một chiến thuật giúp quảng bá hàng mới và kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ sẽ được các nhãn hàng trợ giá khoảng 20% - 30% để thực hiện sale off khủng. Điều này được bắt gặp nhiều ở các mặt hàng điện tử.
Vậy nên, nếu không ngại những "bí mật" trên, hãy cứ vui vẻ mua sắm trong dịp Black Friday, vì dù sao bạn cũng là một người tiêu dùng cần phải sắm sửa cho dịp Noel tới, cũng như là Tết dương đang rình rập ngoài cửa. Bên cạnh đó, hãy thật tỉnh táo để không sa đà vào mọi cuộc vui kẻo lại khóc ròng nhé.
Tổng hợp