Trong năm vừa qua hàng loạt các chính sách mới chính thức có hiệu lực và đưa vào áp dụng trong đời sống thực tế. Chính sách tăng lương, thêm nhiều lỗi vi phạm giao thông bị phạt, cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi... là những quy định nổi bật được nhiều người quan tâm trong năm 2017.
Những chính sách mới hay những bộ luật sửa đổi bổ sung luôn là điều được công chúng quan tâm hàng đầu để nắm bắt và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Trong năm 2017, đã có rất nhiều quy định mới được ban hành và đưa vào áp dụng trong cuôc sống. Dưới đây là những quy định được quan tâm nhiều nhất năm qua.
Cho phép chuyển đổi giới tính
Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ tháng 1/2017, cho phép chuyển đổi giới tính đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính.
Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ tháng 1/2017 cho phép chuyển đổi giới tính (Ảnh minh họa)
Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan.
Nghiêm cấm tổ chức cá nhân tự đặt và thu phí
Luật Phí và lệ phí đã có hiệu lực từ tháng 1/2017 quy định nghiêm cấm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.
Trường hợp vi phạm các quy định của luật pháp về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Luật phí quy định nghiêm cấm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí (Ảnh minh họa)
Đối với các tổ chức thu phí và lệ phí, luật yêu cầu phải niêm yết công khai tại địa điểm thu và công khai trên Trang thông tin điện tử của tổ chức về tên phí, lệ phí, mức thu, phương thức thu, đối tượng nộp, miễn, giảm và văn bản quy định thu phí, lệ phí.
Bổ sung thêm 9 lỗi vi phạm giao thông người vi phạm bị xử phạt
Theo Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thêm 9 hành vi vi phạm bị xử phạt từ đầu năm 2017.
Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bổ sung thêm 9 hành vi vi phạm bị xử phạt (Ảnh minh họa)
Cụ thể là:
Hành vi không làm thủ tục sang tên xe khi mua, được cho, tặng, thừa kế tài sản là xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự bị phạt 100.000-200.000 đồng; người điều khiển xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ giới hạn của cầu, đường mà tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%... bị phạt 2.000.000-3.000.000 đồng; phạt 600.000-800.000 đồng với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường...
Người tiểu bậy có thể bị phạt tiền lên tới 3 triệu đồng
Theo Nghị định 155 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ 1/2/2017, mức phạt tiền tăng gấp 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ và nơi công cộng.
Mức phạt tiền tăng gấp 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng; phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng (quy định cũ 300.000-400.000 đồng) với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị...
Mở rộng thêm 5 loại đất được cấp sổ đỏ
Nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/3 cho phép việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất sẽ mở rộng thêm 5 trường hợp, gồm: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014, đang sử dụng đất ổn định; đất được giao không đúng thẩm quyền nhưng không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch...; diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất; đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau; trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên.
Mở rộng thêm 5 loại đất được cấp sổ đỏ (Ảnh minh họa)
Tăng lương đối với công chức, viên chức 90.000/tháng
Nghị định 47 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở áp dụng từ tháng 7/2017 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được tăng từ 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương cơ sở sẽ tăng 90.000 đồng/tháng so với trước đó.
Mức lương cơ sở sẽ tăng 90.000 đồng/tháng so với trước đó (Ảnh minh họa)
Những trường hợp được xếp hưởng mức lương, phụ cấp theo Nghị định này bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.
Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH
Nghị định 76 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng nêu, từ ngày 1/7/2017, tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2017 đối với: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ cấp xã đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng...
Từ ngày 1/7, tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng (Ảnh minh họa)
Đưa chó ra đường không rọ mõm bị phạt 800 nghìn đồng
Nghị định 90/2017 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, có hiệu từ từ tháng 9 nêu cụ thể, với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không có xích, giữ chó hoặc không có người dắt khi đưa chúng đến nơi công cộng, chủ nuôi sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Không đeo rọ mõm cho chó, chủ nuôi sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng (Ảnh minh họa)
Ngành điện được quyền tăng - giảm giá điện không cần báo cáo
Quyết định số 24 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực từ tháng 8 nêu rõ: Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu tăng gấp đôi so với quy định tại Quyết định 69, lên 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Ngành điện được quyền tăng - giảm giá điện không cần báo cáo (Ảnh minh họa)
Cũng theo quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền điều chỉnh tăng giá điện trong phạm vi từ 3% đến dưới 5%. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Như vậy, Tập đoàn này sẽ không cần báo cáo với các bộ quản lý Nhà nước trước khi tăng giá và đợi được “cho phép” như trước.
Không bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET
Thông tư 12/2017 của Bộ Giao thông Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ tháng 6 quy định: Việc đổi giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET được khuyến khích thực hiện trước ngày 31/12/2020.
Thay vì bắt buộc, Bộ Giao thông đã sửa đổi quy định chuyển thành khuyến khích người dân đổi sang bằng lái xe vật liệu PET (Ảnh minh họa)
Như vậy, việc bắt buộc đổi bằng lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa theo lộ trình như thông tư trước đó đã bị bãi bỏ. Thông tư 12/2017 của Bộ Giao thông Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ tháng 6 quy định: Việc đổi giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET được khuyến khích thực hiện trước ngày 31/12/2020.
Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi
Tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu nêu rõ, việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động là vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu.
Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, các hành vi sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; Trưng bày, mua, bán lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem nhãn đúng quy định, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng đều bị coi là vi phạm pháp luật.
Còn việc tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ thì phải có giấy phép quy định tại nghị định này. Trong đó thủ tục cấp giấy phép theo quy định mới trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 1/11/2017.
Cung cấp hệ thống wifi miễn phí tại nhà ga hành khách
Ngày 25/07/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT ngày 29/08/2014 quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không sẽ có hiệu lực thực thi vào tháng 11 này.
Cung cấp hệ thống wifi miễn phí tại nhà ga hành khách
Theo đó, từ ngày 01/11/2017, các doanh nghiệp này phải bố trí hệ thống wifi miễn phí tại nhà ga hành khách có chất lượng, đảm bảo liên tục truy cập, kết nối. Đồng thời, phải bố trí vị trí niêm yết thông tin đường dây nóng của tất cả các doanh nghiệp hãng hàng không tại cảng hàng không.
Không cứu người bị nạn bị phạt đến 10 triệu đồng
Hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng (quy định cũ chỉ phạt từ 3 đến 5 triệu đồng).
Hành vi không chủ động cứu giúp người bị nạn sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Mức phạt tương tự đối với hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng. Cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
Cấm để trẻ mặc những loại quần áo dị thường
Nghị định 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, có hiệu lực từ ngày 1/11 quy định: Cơ sở trợ giúp xã hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng để chăm sóc đối tượng, phù hợp với những đối tượng có nhu cầu đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ốm hoặc suy dinh dưỡng, người cao tuổi và những đối tượng có chế độ ăn kiêng theo bệnh tật, theo tôn giáo hay tín ngưỡng.
Cơ sở trợ giúp xã hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng để chăm sóc đối tượng (Ảnh minh họa)
Bảo đảm cho đối tượng được học văn hóa, học nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu; bảo đảm cho đối tượng chăm sóc tại cơ sở tiếp cận về văn hóa, thể thao, thể dục và giải trí phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm của đối tượng.
Người ngồi trên xe ôtô phải thắt dây an toàn ở tất cả các vị trí có trang bị dây an toàn
Nghị định 46/2016 về Quy định xử phạt vi phạm giao thông viết "phạt tiền từ 100.000-200.000 đối với người ngồi trên xe ôtô không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy". Điều khoản này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018.
Ngồi hàng sau không thắt dây an toàn sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng.
Điểm mới của nghị định này so với nghị định 171/2013 trước đó là mọi vị trí đều phải thắt dây an toàn, trong khi quy định cũ chỉ bắt buộc tài xế và người ngồi ở ghế khách cạnh tài xế thắt dây an toàn.
Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định 10 tội dưới đây có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Điều 108: Phản bội Tổ quốc
Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Người phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bị phạt tù 7-15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 123: Giết người
Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: giết hai người trở lên, người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết có thai, người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng,... thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đây cũng là khung hình phạt áp dụng với sát thủ có hành vi giết người mang tính chất côn đồ hay vì động cơ đê hèn. Nếu phạm tội không thuộc các trường nêu trên thì bị phạt tù 7-15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 142: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Người nào dùng, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, người dưới 13 tuổi trái với ý muốn bị phạt tù 7-15 năm.
Thủ phạm có thể bị phạt 12-20 năm, 20 năm tù chung thân hoặc tử hình nếu hành vi phạm vào những tình tiết tăng nặng sau: có tính chất loạn luân; làm nạn nhân có thai; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội
Điều 194: Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
Hình phạt thấp nhất của tội này là 2-7 năm.
Mức án sẽ tăng đến 12 năm, 12-20 năm, 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu phạm vào trong các tình tiết tăng nặng sau: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thu lợi bất chính hai tỷ đồng trở lên, làm chết hai người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người trên 61%...
Pháp nhân thương mại phạm tội này bị phạt tiền từ một tỷ đến 20 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Điều 251: Mua bán trái phép chất ma túy
Người nào mua bán trái phép chất ma túy bị phạt tù 2-7 năm. Khung hình phạt cao nhất dành cho người phạm tội này là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình nếu có một trong các tình tiết tăng nặng: nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng năm cân trở lên; Heroin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên; lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 cân trở lên;…
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm đến 500 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 353: Tham ô tài sản
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ hai đến dưới 100 triệu hoặc dưới hai triệu nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi mà còn vi phạm, bị kết án về một trong các tội về chức vụ, quyền hạn chưa được xóa án tích bị phạt tù 2-7 năm.
Ngoài khung hình phạt khởi điểm, người phạm tội này còn đối mặt với hình phạt 7-20 năm, tù chung thân đến tử hình nếu có các tình tiết tăng nặng: có tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, chiếm đoạt tài sản trị giá một tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại năm tỷ đồng trở lên…
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định 1-5 năm, có thể bị phạt tiền 30-100 triệu, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tổng hợp.
Ảnh: Internet