Hiện nay, có rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 đủ điều kiện được cách ly, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà. Tuy nhiên, trong số đó cũng có rất nhiều người thường mang tâm lý sợ hãi, luôn cố gắng kiêng dè đủ mọi thứ vì sợ vô tình khiến sức khoẻ yếu hơn, bệnh dễ chuyển biến nặng.
Tuy việc đề phòng như vậy là rất cần thiết, thế nhưng bệnh nhân cũng không nên ép buộc mình. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (hiện đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), những tin đồn thất thiệt, lời khuyên kiêng cữ không đúng có thể làm hại người bệnh.
Bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà được nhân viên y tế đến khám sức khoẻ và giao thuốc. (Ảnh: Báo Tin Tức)
"Người mắc Covid-19 thèm thứ này, thứ kia là chuyện tốt"
Chia sẻ với Người Lao Động, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, hiện nay có rất nhiều F0 thường làm theo những lời đồn. Họ cho rằng nếu ăn yến, đồ ngọt, đồ bổ thì virus sẽ mạnh hơn. Vì vậy nên trong những ngày tự điều trị tại nhà, họ không dám ăn bất cứ thứ gì, dù nhà có sẵn rất nhiều món bổ dưỡng, tốt cho cơ thể.
Không chỉ vậy, do thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nên họ cũng không thể mua những thứ mà bản thân mong muốn. Thế nên ngày qua ngày, họ chỉ còn cách ăn ít đi, khiến cơ thể thiếu chất, dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, ốm yếu. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức đề kháng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực quá trình hồi phục sức khoẻ. Thậm chí còn khiến cho tình trạng bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng hoặc lâu khỏi hơn.
Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng của một F0. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
Thực tế, trong khoảng thời gian này, F0 mắc Covid-19 rất cần năng lượng để chiến đấu với bệnh tật. Thế nên, thay vì tự làm khổ mình, mọi người nên ăn uống thoả thích. Bác sĩ Khanh khẳng định: "Thực tế, với bệnh Covid-19, không phải kiêng cữ gì về mặt ăn uống. Nhiều người hỏi tôi: Con nít ở nhà là F0, đòi ăn ốc, ăn cua; rồi F0 mới khỏe lại thèm nước ngọt, trà sữa thì sao? Câu trả lời là: Cứ thoải mái."
Mọi người không cần quá quan tâm chuyện nên hay không nên ăn thứ gì, mà thay vào đó hãy giữ cho bản thân không bị rơi vào tình trạng biếng ăn, do mệt mỏi hoặc mất vị giác. Nếu thèm ăn thứ này, thứ kia thì lại là một điều quá tốt. Mọi người cứ ăn thoả thích để cơ thể có năng lượng, dù là khi còn bệnh hay đang dần phục hồi. Chỉ cần lưu ý những món "chống chỉ định" với bệnh nền của bản thân là được.
Bên cạnh đó, chuyện tắm rửa, vệ sinh cá nhân cũng không cần phải kiêng khem gì nhiều. Thậm chí, F0 càng phải nên chú ý tắm rửa, súc họng sạch sẽ, lau dọn nhà tắm, không gian sống... cẩn thận để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người cùng nhà.
Một bệnh nhân Covid-19 đang lấy đồ ăn từ robot tự động của bệnh viện. (Ảnh: VTV)
>> Xem thêm: Bác sĩ đưa giải pháp giảm ca không qua khỏi: Nên có người nhà ở bên
Nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng cho F0 nhẹ hoặc không triệu chứng
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh nhân khi cách ly, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà nên ăn theo những nguyên tắc sau để đảm bảo sức khoẻ của chính mình:
- Ăn bình thường, đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường.
- Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi có ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi...
- Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc.., đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng.
- Ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng.
- Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.
Đồng thời, hướng dẫn cũng nhấn mạnh: "Nhu cầu dinh dưỡng của người viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ, nhu cầu năng lượng là 27 kcl/kg thể trọng, người suy dinh dưỡng và có bệnh lý nền đi kèm cần 30 kcl/kg thể trọng. Người có cân nặng bình thường, nếu Covid-19 tiến triển thành viêm phổi nặng cần 25 - 30 kcl/kg thể trọng, người thừa cân béo phì cần dưới 25 kcl/kg thể trọng".
Một tình nguyện viên ân cần bón cháo cho người bệnh ăn. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
>> Xem thêm: BS Trương Hữu Khanh lý giải: Vì sao nhà có nhiều F0 mà mình âm tính?
Dù bệnh nặng hay nhẹ thì mọi F0 cũng cần phải nhớ, chỉ có một tinh thần lạc quan, đủ mạnh mẽ mới có thể chiến thắng được Covid-19. Vì vậy, hãy luôn cố gắng tìm mọi cách để nâng cao sức đề kháng của bản thân, tâm hồn luôn vui vẻ, không âu lo, mệt mỏi nhé.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
ĐỀ XUẤT NGƯỜI ĐÃ TIÊM CHỦNG ĐỦ LIỀU VACCINE CÓ THỂ NỚI LỎNG HOẠT ĐỘNG
Nhờ đẩy mạnh công tác tiêm chủng nên đến nay nhiều bà con trên khắp đất nước đã tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19. Tất cả những người này dù đã có kháng thể trong cơ thể nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch theo Chỉ thị 16.
Tuy nhiên, theo đề xuất mới được đưa ra của ông Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, những người đã hoàn thành tiêm chủng nên có hình thức riêng.
Cụ thể, ông nói: "Các tỉnh thành đang áp dụng giãn cách xã hội thì áp dụng tất cả như nhau, người tiêm đủ mũi rồi cũng vẫn phải ngồi nhà nếu không có giấy đi đường, lịch trực... Theo tôi người đã tiêm đủ mũi vaccine và áp dụng 5K có thể đi làm, buôn bán, học tập trở lại.”