Thời gian gần đây, nhiều ổ bệnh bạch hầu xuất hiện trên địa bàn Đắk Nông đã khiến cho hơn 1.000 người phải cách ly. Số ca dương tính hiện tại đang là 12 ca, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Bệnh bạch hầu là loại bệnh hiếm gặp, tuy nhiên nó lại có khả năng lây lan ra cộng đồng lớn nếu dịch bùng phát mạnh. Bộ Y tế đã có chủ trương để dập dịch bạch hầu.
Nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ để hạn chế lây lan từ người bệnh. (Ảnh: VOV)
Diễn biến bệnh bạch hầu tại Việt Nam
Tính đến ngày 24/6, Việt Nam ghi nhận có 12 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu (trong đó có 1 ca tử vong), tập trung chủ yếu ở các nơi vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Đắk Nông. Ổ bệnh bạch hầu ở Đắk Nông bao gồm 2 huyện Krông Nô, Đắk Glong đã được cách ly toàn bộ khu dân cư để tránh lây lan dịch ra cộng đồng.
Bệnh nhi được lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu ở bệnh viện. (Ảnh: Thanh Niên)
10.000 liều vắc-xin sẽ được tiêm cho nhóm người từ 7 - 40 tuổi để làm giảm nguy cơ mắc bệnh bạch hầu. Kể từ khi xuất hiện cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh bạch hầu, người dân chỉ được tiêm vắc-xin đề phòng ngừa dịch bệnh.
>> Xem thêm: Chu kì vòng lặp: Cứ 100 năm thế giới lại đối mặt với một dịch bệnh
Bộ Y tế vào cuộc, chỉ đạo dập các ổ bệnh
Ngay sau khi có những ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, Đắk Nông đã cho cách ly hàng nghìn người tiếp xúc và có liên quan với các bệnh nhân. Bộ Y tế đã chỉ đạo địa phương triển khai xử lý các ổ bệnh, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly sớm những trường hợp nghi ngờ. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần khoanh vùng, xử lý ổ bệnh để tránh lây lan ra cộng đồng trong bối cảnh "dịch chồng dịch" như hiện nay.
Các chốt chặn được dựng ở khu có ổ bệnh. (Ảnh: Người Lao Động)
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, một số bệnh nhân mắc bạch hầu được điều trị dự phòng bằng kháng sinh đã có kết quả tốt. Về cơ bản, bệnh bạch hầu đang được kiểm soát chặt chẽ ở địa bàn và các hộ gia đình cũng được tiến hành phun khử khuẩn 100%.
>> Đừng bỏ lỡ: Những dịch bệnh hoành hành trong năm 2017
Biện pháp phòng, tránh lây bệnh bạch hầu
Do chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh bạch hầu nên phương pháp hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Trẻ em nên được tiêm theo đúng lịch tiêm chủng ngay từ khi còn nhỏ để phòng ngừa nhiều bệnh và biến chứng sau này. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người mắc nên việc cách ly cần được thực hiện nghiêm túc để ngăn chặn dịch lây lan ra khu dân cư và cộng đồng.
Trẻ nên được tiêm phòng đủ 4 mũi theo lịch tiêm chủng. (Ảnh: Nhân Dân)
Ngoài ra, điều kiện vệ sinh không đảm bảo cũng là tác nhân khiến cho bệnh lây lan nhanh chóng, người dân cần đảm bảo môi trường sinh hoạt thông thoáng, đầy đủ ánh sáng và sạch sẽ. Bệnh bạch hầu có tỷ lệ tử vong từ 5 - 10% và tập trung phần lớn ở trẻ em dưới 15 tuổi. Nếu không điều trị và phát hiện kịp thời có thể dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày kể từ khi có các triệu chứng mắc bệnh.
>> Xem ngay: Nigeria cảnh báo dịch bệnh lạ làm 15 người qua đời chỉ chưa đầy 1 tuần
Mặc dù ổ bệnh đã được kiểm soát ở Đắk Nông nhưng các tỉnh, thành khác trong khu vực cũng không nên lơ là mà cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu. Đặc biệt, nên sớm đưa người bệnh đến cơ sở y tế khi có các triệu chứng như ho sốt, khàn tiếng, nổi hạch trắng trong cổ họng và đau họng.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm ra sao?
Được xếp vào loại bệnh hiếm gặp thế nhưng bệnh bạch hầu lại có tỷ lệ tử vong cao và có tính chất nguy hiểm.
Người bị mắc bệnh bạch hầu nếu gặp biến chứng có thể dẫn tới tử vong chỉ trong vòng vài ngày và đối tượng tập trung phần lớn ở trẻ nhỏ.
Đặc biệt một số vùng sâu vùng xa, việc tiêm vắc-xin vẫn còn nhiều thiếu thốn, trẻ có hệ miễn dịch kém nên dễ mắc bệnh và xuất hiện biến chứng nặng hơn.
Biểu hiện của bệnh có thể diễn ra từ tình trạng nhẹ đến nặng, thông thường sẽ có màng viêm màu trắng đục xuất hiện ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, mũi, thanh quản và trên da... Nếu không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.