Báo Chính phủ cho biết, vào sáng ngày 7/12, Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với các cơ quan liên quan về việc một doanh nghiệp tắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trên một số nền tảng số không đúng với quy định pháp luật.
Được biết, ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lí Nhà nước, trong đó thực hiện những biện pháp cần thiết để giữ gìn và phát huy giá trị của Quốc ca.
Khán giả không thể nghe Quốc ca Việt Nam vì lí do "bản quyền". (Ảnh chụp màn hình: YouTube Next Sport)
Hiện, luật pháp nước ta có quy định rõ: Nghiêm cấm mọi tổ chức và cá nhân, dưới bất kì hình thức nào có hành vi ngăn chặn và cản trở việc phổ biến ca khúc này một cách trực tiếp hay gián tiếp (gồm cả trên internet) theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, Bộ yêu cầu tất cả tổ chức, cá nhân phải thực hiện nghiêm quy định trên.
Trước đó, ĐT Việt Nam có trận đấu đầu tiên trong hành trình bảo vệ ngôi vương AFF Cup, khi tranh tài với ĐT Lào vào lúc 19h30 trên sân Bishan (Singapore). Tối cùng ngày, hàng triệu người hâm mộ đã rất háo hức dõi theo trận đấu trên nhiều phương tiện khác nhau, như truyền hình, YouTube, mạng xã hội...
Thông báo từ đơn vị nắm bản quyền phát sóng trận đấu vừa qua. (Ảnh chụp màn hình: YouTube Next Sport)
Tuy nhiên, vào thời khắc 2 đội bóng làm thủ tục chào sân, trong phần hát Quốc ca, người xem trên kênh YouTube đã không thể nghe thấy âm thanh do vấn đề “bản quyền”. Lúc này, trên màn hình trận đấu xuất hiện dòng chữ: "Vì lí do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm"; hoặc "chương trình đang tạm thời bị gián đoạn vì lí do bản quyền. Mong quý vị khán giả thông cảm và quay lại sau"…
Sự việc này khiến nhiều người ngỡ ngàng và phản ứng gay gắt. Chia sẻ với Dân Trí, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao – hoạ sĩ Văn Thao - cho hay, ca khúc Tiến quân ca đã được gia đình ông hiến tặng cho nhân dân, Tổ quốc Việt Nam. Nếu ai đó muốn sản xuất sản phẩm âm nhạc về Tiến quân ca đều phải có động thái xin phép cơ quan giữ quyền tác giả của tác phẩm.
Họa sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao. (Ảnh: Dân Trí)
Hoạ sĩ Văn Thao cũng bày tỏ sự bức xúc trước sự việc xảy ra vào tối ngày 6/12 vừa qua. "Việc có kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca đã xảy ra rồi, và đây cũng không phải lần đầu. Cách đây khoảng nửa tháng, khi chúng tôi họp ở Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, tôi cũng đã phát biểu rồi.
Nếu Tiến quân ca còn thuộc về gia đình tôi thì vấn đề nó khác. Nhưng thực hiện theo nguyện vọng của cố nhạc sĩ Văn Cao và cũng là cha tôi, cả gia đình đã hiến tặng ca khúc này cho nhân dân và nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, bản quyền của tác phẩm phải thuộc về quốc gia và về nhân dân, không còn thuộc về gia đình chúng tôi nữa”, ông nói.
Ông và người thân của mình vừa buồn, vừa thấy lạ và cũng cảm thấy vô lí khi Quốc ca lại bị “đánh gậy bản quyền”. Theo ông, nếu có tổ chức nào đó nhận ca khúc này là bản ghi âm của mình, nhưng khi làm bản đó, họ lại không hỏi đến quyền tác giả của ca khúc, tức là họ đã vi phạm luật.
Hiện, thông tin về sự việc trên vẫn đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Hi vọng cơ quan chức năng sẽ sớm đưa ra phương hướng xử lí thích hợp, đúng quy định.
Cùng đón xem những tin tức mới nhất trên YAN!
VFF NÓI GÌ VỀ SỰ CỐ “KHÔNG NGHE ĐƯỢC QUỐC CA” TRONG TRẬN VIỆT NAM – LÀO?
Mới đây, đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Cụ thể, ông Lê Hoài Anh - Tổng thư kí VFF - cho biết, đây là việc chưa từng có tiền lệ. Hiện, VFF đang tiến hành kiểm tra lại quy trình phát nhạc Quốc ca Việt Nam tại những giải đấu mình tham gia.
"Trước mắt, sau sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên kênh YouTube phát sóng trận Việt Nam - Lào vào tối 6/12, VFF sẽ xử lí bằng việc gửi bản thu âm Quốc ca mới cho ban tổ chức AFF Suzuki Cup 2020. Bản thu âm Quốc ca này được sử dụng trong các nghi lễ quốc gia của Việt Nam. Việc này chưa xảy ra bao giờ nên chúng tôi đang tìm cách xử lí" - ông Lê Hoài Anh nói.