Theo VnExpress, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư quy định về đánh giá lực học của học sinh cấp 2 và cấp 3 với nhiều điểm mới. Trong đó, việc bỏ tính điểm trung bình tất cả môn là thông tin được nhiều người chú ý.
Học sinh cấp 2 học tập tại trường. (Ảnh: Pinterest)
Thời gian tới, các nhà trường sẽ áp dụng 2 hình thức đánh giá kết quả học tập là nhận xét và vừa nhận xét, vừa tính điểm số. Trong đó, các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Nghệ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Nội dung giáo dục của địa phương, hướng nghiệp sẽ được nhận xét. Dựa trên những đánh giá xuyên suốt quá trình học tập, học sinh sẽ được xét "đạt" hoặc "chưa đạt".
Để thực hiện được điều này, giáo viên bộ môn dùng hình thức viết hoặc nói để nhận xét kết quả học tập và rèn luyện, từ đó đánh giá sự tiến bộ và những ưu điểm, hạn chế. Không riêng thầy cô mà học sinh cũng tham gia vào quá trình tự nhìn nhận kết quả học tập của mình. Với những môn này, học sinh trải qua 2 lần đánh giá, gồm 1 lần giữa kì và 1 lần ở cuối kì.
Đối với các môn khác, nhà trường đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số. Khi chấm điểm các bài kiểm tra, sản phẩm học tập hoặc dự án, giáo viên sẽ cho nhận xét để các em nhận thức được tiến bộ của mình, từ đó điều chỉnh thái độ và nỗ lực hơn. Đánh giá cuối cùng của những môn này vẫn dựa trên điểm số theo thang 10.
Học sinh làm bài thi cuối kì. (Ảnh: TTXVN)
Trong đó, môn học sở hữu trên 70 tiết có 4 đầu điểm kiểm tra và đánh giá thường xuyên, từ 35 đến 70 tiết có 3 đầu điểm kiểm tra và dưới 35 tiết có 2 đầu điểm kiểm tra. Trong đó, mỗi môn trong 1 học kì sẽ có 1 điểm kiểm tra giữa kì và cuối kì. Điểm trung bình của 1 môn chính là trung bình cộng của điểm giữa kì, cuối kì, thường xuyên và các hệ số.
Cũng theo thông tư này, nhà trường chỉ tính điểm trung bình của từng môn học, không cộng điểm trung bình tất cả các môn để xếp loại học lực. Bên cạnh đó, thay vì xếp học lực giỏi, khá, trung bình và yếu, kém như trước, kết quả học tập sẽ thay đổi thành các mức: Tốt, khá, đạt và chưa đạt.
Được biết, thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9, áp dụng với học sinh khối 6 trong năm học 2021-2022, khối 7 và 10 năm học 2022-2023, khối 8 và 11 năm học 2023-2024, khối 9 và 12 trong năm học 2024-2025.
Thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh THPT tại TP.HCM năm học 2020 - 2021. (Ảnh: Báo Dân sinh)
Liên quan đến tình hình tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, theo Báo Người lao động, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ chuyển lịch công bố điểm chuẩn từ 20/8 sang 23/8. Lí do của việc hoãn là do UBND thành phố vừa quyết định sẽ bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường THPT chuyên. Cụ thể, sau khi trường chuyên tuyển sinh xong và thí sinh xác nhận nhập học, các em mới được biết điểm chuẩn lớp 10 thường. Theo dự kiến, vào ngày 20/8, điểm chuẩn xét tuyển lớp chuyên bổ sung sẽ được công khai.
Hiện, thông tin về việc không tính điểm trung bình tất cả môn ở cấp 2 và cấp 3 đang thu hút nhiều sự quan tâm từ dư luận. Bên cạnh đó, trong tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số địa phương khác, kế hoạch học tập của các em có thể bị ảnh hưởng ít nhiều. Hi vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi, trả lại cuộc sống bình yên cho tất cả mọi người.
Cùng đón xem những tin tức mới nhất trên YAN!
HỌC SINH THAN VÃN VÌ NGHỈ DỊCH LÂU, MÃI KHÔNG ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều tỉnh/thành đã triển khai việc dạy trực tuyến cho học sinh. Hiện, phần lớn các em đều nắm được cách thức học online, cũng như quen với việc kiểm tra theo hình thức mới. Thế nhưng, việc ở nhà trong thời gian dài khiến không ít bạn cảm thấy nhớ nhà trường, thầy cô và bạn bè, thậm chí là cả bác ở… canteen.
Tại nhiều diễn đàn trên mạng xã hội, vô số bạn trẻ đã chia sẻ những hình ảnh được chụp lại trong thời gian được đến trường. Theo dõi những tấm hình này, nhiều người khó tránh khỏi cảm giác bồi hồi, trong khi số khác than rằng, cơm ở nhà có ngon đến mấy cũng sẽ không bằng các món ăn được mua tại canteen.
Đón xem TẠI ĐÂY!